Thành đồng Tổ quốc...

Ngay trong ngày độc lập 2/9/1945, khi quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thực dân Pháp đã nổ súng vào đám đông làm 47 người chết và nhiều người bị thương. Ngày 6/9, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo gót quân Anh, binh lính Pháp cũng kéo vào. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp có quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai...

Chúng mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp để chiếm cả Việt Nam và Đông Dương. Nhân dân Nam bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ sôi sục căm thù, nhất tề đứng dậy xông trận, quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.

Chiều 23/9/1945, cả Sài Gòn đình công không hợp tác với Pháp, các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay trong những ngày đầu, quân và dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá hủy một phần cơ sở của chúng. Nổi bật là các trận đánh ở Thị Nghè, đánh phá khám lớn Sài Gòn, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến Sài Gòn...

Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh tư liệu (nguồn: dangcongsan.vn)
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh tư liệu (nguồn: dangcongsan.vn)

Tiếng súng kháng chiến anh dũng của nhân dân Sài Gòn vang dội khắp cả nước. Cả nước sôi sục căm thù, quyết tâm kháng chiến. Chỉ 1 ngày sau khi nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên đánh giặc, Chính phủ đã ra Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam bộ! lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà còn chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm giữ vững độc lập của nhân dân Việt Nam... Làm cho thế giới biết rằng, nhân dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của Pháp một lần nữa...”.

Tiếp đó, Bác Hồ đã gửi gắm lòng mình qua lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa giành quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp các địa phương Bắc – Trung - Nam sục sôi hướng về Nam bộ “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam bộ”, phát động “Quỹ ủng hộ Nam bộ”. Cả nước hướng về Nam bộ anh hùng. Thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu.

Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đã chi viện 4 chi đội gồm 250 giải phóng quân, tự vệ và công an xung phong, trong đó có đồng chí Lê Bình (sau này đồng chí Lê Bình làm trưởng “Quốc gia tự vệ cuộc” Ô Môn và đã hy sinh dũng cảm trong trận đánh đồn Cái Răng ở Cần Thơ). Được sự chi viện của cả nước, nhân dân Nam bộ ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc, đồng thời tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Sài Gòn hôm nay. Nguồn: tuoitre.vn
Sài Gòn hôm nay. Nguồn: tuoitre.vn

Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam bộ, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam bộ danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”. Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống Pháp, tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ, kéo dài suốt 30 năm ròng rã (1945-1975) cho đến ngày thống nhất đất nước. Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Miền Nam đi trước về sau”...

“Mùa thu rồi ngày hăm ba. Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Đã 68 năm trôi qua kể từ ngày Nam bộ kháng chiến nhưng lời bài hát năm xưa vẫn còn lắng đọng trong trái tim mỗi người dân nước Việt. Tinh thần chiến đấu quật cường, kinh nghiệm khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc vượt qua khó khăn, thách thức của ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast