Tin ở hoa hồng

(Baohatinh.vn) - Có một loài hoa trong nắng lửa, mưa chan vẫn hiện lên sắc màu đỏ thắm, người ta gọi tên hoa hồng...

“Nụ hồng trước ngõ nhà ai. Nở hoa bướm ong tìm lại… Cho đời thương lại càng thương”. Mỗi lần nghe giai điệu ấy, lòng bỗng xao xuyến lạ lùng. Tôi yêu hoa hồng đẹp và tôi yêu hơn đất nước mình, nhân dân mình, Đảng mình. Nhân dân thủy chung với Đảng, Đảng gắn bó cùng dân như cây với đất và sinh sôi triệu triệu đóa hồng.

Hoa hồng, biểu tượng đẹp của người cộng sản trong đấu tranh gian lao và anh dũng. Người cộng sản luôn ngẩng cao đầu, nhận sự hy sinh cho riêng mình nhưng chẳng bao giờ tính toán, so đo. “Chết còn cởi áo cho nhau. Miếng cơm còn để người sau ấm lòng”. Tôi nghĩ, máu của những người cộng sản ấy đã thấm đỏ vào bông hồng, chí khí kiên trung người cộng sản đã nhập vào thân cây. Từ khám Chí Hòa, Phú Quốc, Côn Đảo, Lao Bảo, Kon Tum… ở đâu có nhà tù đế quốc, ở đấy có xiềng gông giam cầm những người yêu nước. Nhưng những người cộng sản đã thét rung song sắt, vùng lên đấu tranh, biến nhà tù thành trường học, nơi sản xuất truyền đơn. Kỳ lạ thay, hoa hồng vẫn nở trong xà lim, chuồng cọp... Lời dặn dò của đồng chí Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” trở thành sức sống mãnh liệt với người tử tù.

Đã có hàng vạn khách đến thăm viếng nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) và cúi đầu tưởng niệm trước anh linh người con gái quang vinh miền đất đỏ Võ Thị Sáu. Chị Sáu bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man rồi đưa ra pháp trường khi mới 16 tuổi. Người con gái ấy chưa hề đưa tay tuyên thệ trước cờ đỏ búa liềm nhưng đã trở thành người cộng sản bất diệt giữa lòng dân. Mộ chị Sáu suốt bốn mùa chẳng bao giờ cạn suối hoa. Và trong muôn trắng, ngàn hồng những đài hoa ngát hương, tôi vẫn thấy sắc hoa hồng đang thủ thỉ cùng chị về cội nguồn quê hương, xứ sở.

Một kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức khi chúng tôi tới thăm nhà tù Sơn La, bất ngờ gặp đoàn học sinh từ TP Hồ Chí Minh hồn nhiên, trong sáng cùng nhập cuộc. Cháu nào cũng cầm một đóa hồng đỏ, đến mỗi xà lim, khi nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh, không ai cầm được nước mắt và xin phép người quản lý được đặt trước ô cửa xà lim một bông hồng. Hoa hồng, ấy là lý tưởng, là hoài bão tuổi trẻ, nuôi dưỡng lòng yêu nước từ những bài học lịch sử nơi “địa chỉ đỏ” này.

Hoa hồng không chỉ là biểu tượng tình cảm, mà còn là biểu tượng của khát vọng tự do, độc lập để các thế hệ đấu tranh gìn giữ. “Đất nước của những người con gái, con trai. Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép. Xa nhau không hề rơi nước mắt. Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”. Cả hành tinh này phải sửng sốt, bởi ở nơi nào trên đất nước ta cũng dựng được tượng đài chiến thắng, cũng phủ được kín hoa hồng. Hoa hồng dành cho em. Hoa hồng dành cho anh. Hoa hồng dành cho cha, cho mẹ. Hoa hồng dành cho Đảng. Hoa hồng dành cho “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.

Bác Hồ, vị lãnh tụ mặc áo ka-ki sờn bạc, trên ngực không một tấm huân chương, đi dép cao su nhưng rất yêu hoa hồng. Bác đã hái hoa hồng trong vườn mình tặng các chiến sĩ đang quần nhau với máy bay địch bên trận địa pháo phòng không. Bác hái hoa hồng tặng những nhà báo, nhà văn nước ngoài ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ. Bác tặng bao anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, báo công với Bác. Một câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện “Bông hồng của Bác” khiến ai nghe cũng cảm động. Đó là những ngày cuối tháng 8/1969, bệnh tình của Bác không thuyên giảm. Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định điều động một số cán bộ, nhân viên y tế giỏi của các bệnh viện lớn cùng với những thiết bị hiện đại đến cứu chữa cho Bác, trong đó, có một số nữ y tá. Một lần vừa tỉnh lại qua cơn đau, thấy có mấy y tá túc trực bên mình, Bác hỏi một đồng chí phục vụ: “Những ai thế chú?”, “Thưa Bác, đó là các nữ y tá của Bệnh viện Quân y 108 được điều động đến phục vụ Bác”. Một lúc sau, Bác chậm rãi nói: “Các cháu còn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, Bác biết các cháu rất thương Bác, nhưng không nên để các cháu ở đây, vì các cháu gái hay xúc động”. Thoáng nhìn những bông hoa hồng cắm bên cạnh, Bác hỏi đồng chí phục vụ: “Hoa trong vườn phải không chú? Còn nhiều không? Nếu còn, chú hái tặng các cháu gái”. Đồng chí phục vụ ra vườn hái hoa, khi cầm vào, Bác bảo: “Bác đang mệt, chú thay mặt Bác tặng mỗi cháu một bông hồng”. Tất cả các cô y tá trẻ hôm đó, mỗi người đều được tặng một bông hoa hồng trong vườn Bác.

30 năm đổi mới, Đảng ta quyết tâm xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, trì trệ, chuyển sang cơ chế thị trường, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Kinh tế tăng trưởng khá, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực nghiêm trọng đã vươn lên thành quốc gia có thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang từng bước hình thành và phát triển. Hà Tĩnh quê tôi hôm nay, nhiều làng quê từ vùng rừng núi tới miền biển, ở đâu người dân cũng háo hức bàn chuyện làm ăn, xây dựng nông thôn mới; ở đâu cũng thấy xuất hiện những con đường mới, những mô hình mới, những tấm lòng thiện nguyện, góp cho vườn hồng đất nước rạng rỡ mùa xuân.

Đảng là hoa hồng của nhân dân, nhân dân càng thấy sự vĩ đại của Đảng, càng tin ở hoa hồng. Nhưng còn đó những nỗi lo, rằng “vườn hồng” đang xuất hiện những con sâu không xứng là danh dự của những người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Họ đã làm lòng tin của nhân dân xói mòn bởi những căn bệnh trầm kha như tham nhũng, quan liêu, hách dịch, lợi ích nhóm...

Tôi biết Đảng đang dùng “thuốc đắng dã tật” để tẩy sạch những con sâu phá hoại vườn hồng, làm mất thanh danh Đảng. Gió xuân đang về thức hoa hồng nở và gửi làn hương thơm ngát tới muôn nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast