''Tôi không thể làm những việc không đúng thẩm quyền''

Trước nhận xét của đại biểu Nguyễn Đình Xuân rằng bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ quản lý rừng, đề nghị xem xét chỉ số tín nhiệm, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát phản bác: "Chúng tôi có trách nhiệm, nhưng không thể làm những việc không đúng thẩm quyền".

Trọn buổi sáng nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhận được 25 lượt chất vấn về nhiều vấn đề, song nóng nhất là trách nhiệm của Bộ trong việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, đe dọa đến an ninh quốc gia.

Khai mào phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết hỏi: "Bộ có chủ trương tiếp tục cho phép đầu tư và ký hợp đồng cho thuê đất trồng rừng không?". Chung mối lo về rừng, đại biểu Lê Như Tiến hỏi dồn dập: "10 tỉnh cho thuê đất dài hạn 50 năm có đúng không? Địa phương lý giải đã làm theo đúng Luật đầu tư, vậy có đúng luật khác? Tình trạng này có nằm trong chủ trương của Bộ?".

Bộ trưởng Phát giải trình, đến cuối năm 2009, 10 địa phương đã xem xét và có văn bản chấp thuận dự án đầu tư trên tổng diện tích 305.353 ha, nhưng mới là chấp thuận chủ trương. Thực tế tỉnh mới có văn bản cho thuê 50 năm với diện tích 15.664 ha, đồng ý liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là 18.160 ha. Doanh nghiệp nước ngoài đã trồng trên 15.000 ha, khoanh nuôi bảo vệ 540 ha.

Ông Phát khẳng định theo Luật đầu tư, Luật đất đai, việc xem xét cho đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Các bộ chỉ có ý kiến khi được địa phương yêu cầu. Bộ đã đi kiểm tra ở hai tỉnh và thấy địa phương đã nghiêm túc thực hiện quy định của luật pháp, có xem xét khía cạnh kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

"Cách đây 5-10 năm có nhiều khó khăn, đất trống, đồi núi trọc rất nhiều, ta chủ trương ghi trong luật pháp là hoan nghênh, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào trồng rừng, coi đây là lĩnh vực ưu tiên. Nhưng hiện tình hình đã khác, nhiều doanh nghiệp và nhân dân có nguyện vọng trồng rừng, trong khi đất có hạn chế, vì thế chúng ta phải cân nhắc", ông Phát trình bày.

Về hướng giải quyết số doanh nghiệp đã được chấp thuận cho đầu tư, ông Phát trả lời chung chung rằng phải làm theo đúng luật, có tính đến lợi ích tổng hợp, gồm kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.

''Tôi không thể làm những việc không đúng thẩm quyền'' ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng đã được phân cấp cho địa phương". Ảnh: TTXVN.

Chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục truy vấn: "Tôi đọc báo cáo của Bộ thấy nhiều tỉnh cấp phép đất đã có chủ, vượt quá khả năng thực tế, vậy hỏi diện tích thực tế là bao nhiêu? Chủ trương tới đối với những tỉnh chưa cấp phép đầu tư có tiếp tục cho cấp phép nữa hay không?".

Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng Bộ nói tổng diện tích đất được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 305.353 ha, như vậy đã cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi. Trong đó công ty Đài Loan được cấp tới hơn 264.000 ha, chứ không phải mới xem xét, điều tra khảo sát. "Bộ trưởng dẫn Luật đầu tư, Luật đất đai, nói tỉnh có thẩm quyền, nhưng với tư cách quản lý ngành, Bộ trưởng có vai trò trách nhiệm gì khi phát hiện có sự bất hợp lý và sai phạm?", ông Tiến chất vấn.

Bộ trưởng Phát giải thích các địa phương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, không có nghĩa toàn bộ 305.353 ha đã được giao, mà trên cơ sở giấy này, nhà đầu tư phối hợp với chính quyền huyện, xã, khảo sát làm rõ từng khu đất cụ thể, chỉ giao khi đất đó đủ điều kiện. "Địa phương có thiếu sót là khi cấp giấy chỉ dựa vào thông tin khảo sát sơ bộ, nên có nơi gồm cả diện tích đã giao cho một số ít bà con, hay dự án khác. Khi khảo sát cụ thể, những diện tích đó sẽ được loại ra", ông Phát nói.

Về vai trò của Bộ, ông Phát tiếp tục khẳng định Bộ quản lý nhà nước về rừng, vì thế nên các địa phương thường chỉ hỏi và có ý kiến đối với Bộ khi có liên quan đến việc giao rừng. Nhưng trong diện tích 305.353 ha vừa qua đều là đất được quy hoạch để trồng rừng sản xuất không có rừng tự nhiên cũng như những khu đất để trồng rừng đặc dụng hoặc phòng hộ.

Điều khiển phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các bộ trưởng Quốc phòng, Công an lên tiếng để làm rõ việc giao đất trồng rừng cho doanh nghiệp nước ngoài có vi phạm các quy định về quốc phòng an ninh? Tuy nhiên, không bộ trưởng nào trả lời.

Bức xúc trước vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình phản ánh Ủy ban đã khảo sát, tuy không hết, nhưng qua một số địa phương và thông tin từ Bộ Quốc phòng, Công an, có 19 dự án được cấp phép trồng rừng tại 18 tỉnh với diện tích 398.370 ha, đã giao 33.820 ha, thời gian thuê 50 năm (con số này cao hơn hẳn báo cáo của Bộ Nông nghiệp).

"Bộ Nông nghiệp không nói rõ đặc điểm của đất, nhưng chúng tôi xác định hầu hết đất nằm ở khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh, có khu vực là đất rừng phòng hộ, đầu nguồn", ông Bình thông tin.

Ở dưới hội trường, nhiều đại biểu xôn xao trước thông tin ông Bình đưa ra. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết lần thứ ba lên tiếng: "Câu hỏi của tôi khá rõ, đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng. Thứ nhất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư thì xử lý thế nào? Thứ hai đất đã giao rồi thì xử lý ra sao?".

"Xin lỗi, vì có nhiều ý nên tôi đã bỏ sót", Bộ trưởng trả lời và giải trình chủ trương là phải rà soát lại tình hình đầu tư, thực hiện theo luật pháp hiện hành, qua đó rút kinh nghiệm, xem xét có cần điều chỉnh luật pháp, hay việc thực hiện luật pháp. Ông Phát cho rằng cần xem xét lại việc phân công, phân cấp cho địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư. Luật pháp hiện hành phân cấp cho UBND tỉnh, nhưng mức độ nhất định cần có ý kiến của Chính phủ.

"Về chủ trương tiếp theo, tôi thấy thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tôi sợ nói gì hơn nữa sẽ vượt quá thẩm quyền", ông Phát thành thật.

Cũng quan tâm đến vấn đề cho thuê đất rừng, nhưng tiếp cận ở góc độ khác, nữ đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà hỏi: "Sau khi kiểm tra, xin cho biết suy nghĩ của Bộ trưởng về trách nhiệm của cán bộ địa phương khi cho thuê đất có chủ, đất rừng tự nhiên, đất nằm ở khu biên giới. Nếu địa phương chưa đúng thì Bộ trưởng có đề xuất gì về xử lý trách nhiệm và có đề xuất gì để chỉnh sửa chính sách liên quan?".

Bộ trưởng giải trình, qua khảo sát của Bộ và báo cáo của địa phương khi chấp thuận dự án đầu tư nước ngoài thì đã nghiêm túc thực hiện đúng quy định của luật pháp, đặc biệt tại thời điểm đó. Tuy nhiên, đã có những nơi sơ suất cấp giấy chứng nhận đầu tư trên đất đã giao cho dân, đất có rừng. "Đấy là thiếu sót, chúng tôi đã đề nghị các tỉnh liên quan kiểm điểm trách nhiệm của sở ban ngành trong quá trình thẩm định, để xảy ra sơ suất", ông Phát nói.

Về sửa đổi chính sách, ông Phát nói: "Cụ thể thế nào xin phép để sau đợt kiểm tra, cân nhắc kỹ các mặt, lợi ích trước mắt và lâu dài để đề ra giải pháp. Vấn đề nổi bật là việc phân cấp, theo luật UBND tỉnh có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 100.000 ha đất, theo tôi cần phải xem xét lại".

Phần trả lời dài, nhưng chưa trúng của Bộ trưởng Nông nghiệp khiến nhiều đại biểu chưa thỏa mãn. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc giải trình.

Với giọng sang sảng, ông Phúc khẳng định từ khi phân cấp theo Luật đầu tư, việc thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề, như bùng phát sân golf, trồng rừng, khai thác khoáng sản. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ rà soát cái được, chưa được của phân cấp, điều kiện, mức độ, lĩnh vực nào có thể phân cấp để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý nhà nước được tốt hơn.

Sau khi cán bộ lão thành có thư, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp đột xuất và ra chỉ thị. Qua kiểm tra của Bộ, hiện nay có hơn 380.000 ha đất được cấp phép đầu tư trồng rừng, tập trung vào một công ty Đài Loan. Hướng xử lý là phải xem lại các tỉnh đã giao đất, vì không chỉ căn cứ vào Luật đầu tư, cho thuê đất rừng còn phụ thuộc nhiều luật, như Luật lâm nghiệp, Luật đất đai, Luật an ninh quốc phòng và nghị quyết 66 của Quốc hội (theo đó giao rừng tự nhiên, rừng phòng hộ phải báo cáo Quốc hội).

"Qua kiểm tra, chúng tôi đã chỉ đạo dừng tất cả dự án, rút giấy phép dự án động tới an ninh quốc phòng, tới rừng đã giao cho dân. Có rút được không? Tôi khẳng định rút được, vì đất đã giao cho dân không được giao cho người khác. Quy định giao rừng tự nhiên thì phải báo cáo Quốc hội. Dự án có ý đồ chiếm dụng nhiều đất đai thì phải rút giấy phép. Ta sẽ kiên quyết xử lý như với sân golf, vừa rồi đã rút giấy phép 70 sân, chỉ cho tồn tại 80 sân", ông Phúc tự tin nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: "Cho nước ngoài thuê tới gần 400.000 ha đất, bằng diện tích tỉnh Tây Ninh, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu?". Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: "Cho nước ngoài thuê tới gần 400.000 ha đất, bằng diện tích tỉnh Tây Ninh, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu?". Ảnh: TTXVN.

Lắng nghe tất cả ý kiến chất vấn và trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Đình Xuân nhận xét Bộ trưởng không nắm được vấn đề. Là tư lệnh, nhưng Bộ trưởng đưa ra con số khác, trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh qua kiểm tra báo cáo một con số khác. Việc đình chỉ các dự án là ngoài ý muốn của Bộ trưởng và tỉnh, chỉ sau khi dư luận lên tiếng. Ông Xuân đặt câu hỏi: "Cho nước ngoài thuê tới gần 400.000 ha đất, bằng diện tích tỉnh Tây Ninh, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu?".

Đại biểu này cũng dẫn ra một trường hợp cụ thể về việc chuyển đổi mục đích sử dụng của đất rừng đặc dụng thành rừng sản xuất và khẳng định: "Rừng là vàng, Quốc hội đã trao cho đồng chí trách nhiệm quản lý rừng, nhưng Bộ đã mở cửa sau cho doanh nghiệp vào khai thác. Căn cứ những điều trả lời và qua giám sát thực tế nhiều năm nay, tôi thấy Bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách Bộ trưởng quản lý rừng, gây ra những nguy cơ cho đất nước trong vấn đề phòng, chống thiên tai bão lũ. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này", ông Xuân kiến nghị.

Trước sự gay gắt của đại biểu, Bộ trưởng Phát có phần ngập ngừng, nói không dứt câu. Nhưng ngay sau đó ông đã lấy được bình tĩnh để trả lời: "Bộ Nông nghiệp được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, Bộ Tài nguyên quản lý về đất, trường hợp này các địa phương được phân cấp cho thuê đất, chứ không thuê rừng, nên không hỏi ý kiến Bộ. Chỉ khi có ý kiến của dư luận, chúng tôi mới điều tra và báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Nói có trách nhiệm không, rõ rằng phải có trách nhiệm cùng các bộ khác trước vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm những việc không đúng thẩm quyền".

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng mà đại biểu Xuân hỏi, ông Phát khẳng định Bộ đã bám sát quy định của luật để hướng dẫn địa phương thực hiện và giám sát. "Xin bảo đảm chúng tôi thực hiện nghiêm túc theo đúng pháp luật. Nếu có vấn đề gì làm không đúng, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ", ông Phát cam kết.

Dẫn ra phản ánh của báo chí việc cho thuê đất rừng quá rẻ, một m2 đất chỉ 2,75 đồng và cho thuê cả rừng nguyên sinh, đại biểu Trần Việt Hưng hỏi: "Việc cho thuê với giá rẻ có đúng quy định? Nếu sai Bộ có đề xuất xử lý gì?".

"Vấn đề này đã giao cho các tỉnh, tôi tin rằng các đồng chí ở tỉnh cũng bám theo những quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên trong từng trường cụ thể, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và báo cáo sau", ông Phát hứa.

Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phát, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: "Hiếm có buổi nào việc trao đổi lại sôi động, trực tiếp, tính đối thoại cao như hôm nay. Nhiều vị bộ trưởng tham gia làm không khí sôi động, đồng thời phối hợp làm rõ một số vấn đề khó. Bộ trưởng chân thành, cầu thị, việc nào không làm được nhận khuyết điểm, hứa sẽ làm tiếp. Tuy nhiên có một số vấn đề khó, trả lời chưa rõ, đề nghị Bộ trưởng rà soát lại".

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, đến tháng 12/2009, có 11 doanh nghiệp nước ngoài được 10 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kom Tum, Khánh Hoà và Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng với tổng diện tích là 305.353,4 ha. Đó là các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan.

Trong đó, riêng Công ty InnovGreen của ông chủ quốc tịch Đài Loan, đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Hong Kong, được cấp giấy chứng nhận đầu tư với quy mô 264.848 ha, chiếm 87% tổng diện tích đất của các doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép đầu tư trồng rừng.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast