Trung ương Đảng xem xét nhân sự cấp cao

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan nhà nước để Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ảnh: TTXVN.

Phát biểu trong phiên khai mạc (sáng 4-7), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hội nghị thảo luận và quyết định về chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.

Tổng bí thư nhấn mạnh, việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

"Cố gắng xem xét một cách tổng thể, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý trong điều kiện cho phép. Căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển, đồng thời kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển", Tổng bí thư nói.

Đề cập về việc triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương.

Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương cần thảo luận, cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương châm, phương pháp tiến hành nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm phát huy dân chủ, có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này, Tổng bí thư nêu rõ trên cơ sở kế thừa, Quy chế cần có những quy định cụ thể, sát thực, bảo đảm phát huy hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu...

Khẳng định nội dung trình hội nghị lần này là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Hội nghị sẽ làm việc đến ngày 10/7.

(Theo TTXVN/Vienam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast