Trường Sa xa xanh...

(Baohatinh.vn) - Năm 2014, tôi vinh dự được tham gia đoàn công tác số 8, vượt ngàn hải lý đến với Trường Sa. Trên con tàu HQ 996 của vùng 4 Hải quân, tôi cùng hơn 200 thành viên đã có chuyến hành trình đầy ý nghĩa với những cảm nhận sâu sắc về một quần đảo tươi đẹp, ý chí kiên trung và tình cảm nồng ấm của các chiến sĩ trên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Nơi ấy Trường Sa

Xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, lênh đênh trên đại dương 10 ngày, chúng tôi lần lượt tới thăm các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Nam, Đá Thị... Đoàn công tác số 8 may mắn đi vào đúng thời điểm sóng yên, gió lặng. Ngoài khơi xa, nước biển trong vắt. Tàu lướt êm. Dưới đáy, nhiều khi nhìn thấy rõ cả những rặng san hô trắng muốt đung đưa; những chú cua đỏ tươi, bò ngang, dọc; những con cá nhiều màu, quẫy đuôi tung tẩy theo đàn.

Trường Sa xa xanh... ảnh 1

Một góc đảo Nam Yết.

Thiên nhiên ở quần đảo Trường Sa vô cùng thơ mộng, tươi đẹp. Quan sát từ trên tàu, các hòn đảo có 3 gam màu chủ đạo. Giữa đại dương xanh ngọc, nổi lên là ngút ngàn cây lá và trắng phau cát biển. Trên các hòn đảo nổi, đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh. Đảo Song Tử Tây hùng vĩ dáng phong ba, Sơn Ca đẫm sắc tra, Nam Yết rợp bóng dừa và Sinh Tồn được bao bọc trong màu xanh của mù u, phi lao, bão táp, đa, bàng.

Tới bất cứ hòn đảo nào, tôi cũng đều cố gắng leo lên ngọn hải đăng chót vót để có thể quan sát được quang cảnh toàn đảo. Ở vị trí cao nhất, ẩn hiện trong những lùm cây xanh tươi là những cánh quạt gió lấp lánh, mái ngói đỏ thắm, đình chùa uy nghi, vườn hoa rực rỡ, sân thể thao mơn mởn cỏ… Tất thảy những màu sắc sống động trên đảo đã tạo nên một cuộc sống vui tươi, an bình và đủ đầy như ở đất liền.

Những công trình khẳng định chủ quyền

Ở đảo Song Tử Tây, tôi ấn tượng với ngôi chùa lớn và bề thế nhất Trường Sa. Chùa Song Tử Tây ngoảnh mặt ra biển, hướng về thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan 2 tầng, 8 mái; chính điện 3 gian, 2 chái; tả hữu vu; hệ thống sân vườn. Trong chùa, đặt những pho tượng được chế tác công phu bằng ngọc quý, những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng. Khi đọc câu đối bằng chữ quốc ngữ: “Mây lành che đông hải một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa vạn cổ danh lam truyền Song Tử” trong chùa, tôi cảm thấy ấm lòng, vững dạ, bởi nước ta có chính nghĩa, dân ta có niềm tin.

Được biết, vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, các chiến sĩ và nhân dân trên đảo đều lên chùa kính cẩn thắp hương. Ngôi chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên đảo mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động nhất đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa.

Vừa tới đảo Sơn Ca, chỉ huy đảo đã dẫn tôi tới tham quan một vườn hoa rất đặc biệt, mang tên “Khuôn viên Võ Nguyên Giáp”. Khuôn viên rộng khoảng 100m2, nhìn ra biển, nằm bên trái đường vào sở chỉ huy đảo, do cán bộ, chiến sĩ trên đảo xây dựng và hoàn thiện trong 103 ngày để tỏ lòng tưởng nhớ vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài tấm biển, ngay bên trái lối vào vườn hoa còn có khẩu hiệu: “Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca ra sức học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Phía trong, trồng 5 cây tra, 2 cây dừa, 1 cây phong ba và rất nhiều loài hoa đẹp. Đặc biệt, có 1 cây kim giao được anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng gửi tặng sau ngày Đại tướng qua đời. “Cây Đại tướng” do sư thầy Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa đích thân mang ra đảo Sơn Ca.

Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Chỉ huy trưởng đảo cho biết: Sơn Ca là đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa có sáng kiến làm khu vực riêng tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mô hình này đang được nhân rộng ra các đảo. Cùng với Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài Trần Hưng Đạo, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây dựng trên các hòn đảo ở Trường Sa, vườn hoa mang tên Đại tướng vừa là địa chỉ văn hóa, tâm linh, vừa là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống yêu nước, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Thời điểm chúng tôi tới thăm, đảo Sinh Tồn cũng vừa làm lễ khánh thành một ngôi trường tiểu học. Ngôi trường độc đáo này có 4 học sinh, là con của các hộ dân sinh sống trên đảo. Cánh cửa lớp vẫn còn vương mùi sơn mới. Bên trong phòng học, thầy giáo trẻ và 4 học trò bé nhỏ ở 3 khối lớp khác nhau đang say sưa. Trên bàn thầy giáo, ngoài thước kẻ, phấn viết bảng, còn có 3 bộ sách của các khối lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 3. Chiếc bảng đen được thầy chia làm 2 phần: một nửa để dạy chương trình lớp 3, nửa còn lại dạy chương trình lớp 1. Riêng 2 em học mẫu giáo, thầy phải xuống tận bàn cầm tay dạy viết, tô màu. Đây là công trình trường học thứ 2 được đưa vào sử dụng tại Trường Sa theo chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”.

Trường Sa xa xanh... ảnh 2

Tuần tra trên đảo Sơn Ca.

Nồng ấm tình đồng chí

Trường Sa bốn bề mênh mông sóng nước. Quanh năm, khi những đợt nắng nóng đến bỏng da, khét thịt qua đi là lại đến mùa con người gồng mình chống chọi với bão tố. Để thích nghi với cuộc sống biệt lập, chiến thắng được thiên nhiên nghiệt ngã ấy, ngoài bản lĩnh sắt đá, ý chí kiên trung, còn có cả tình người nồng ấm.

“Ở đây, chúng em sống rất vui!” - đó là lời khẳng định của các chiến sĩ trẻ đang huấn luyện. Hầu hết họ đang vào độ “tuổi 20 chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi”. Một ngày của họ gồm: huấn luyện, học tập, tăng gia và canh gác. Sau đó là niềm vui đơn sơ được cùng nhau đàn hát trong những lúc giải lao và cùng chơi thể thao vào mỗi chiều tối. “Chúng em đến từ mọi miền quê nhưng như anh em một nhà. Những buổi ca hát, đứa nào cũng tranh hát về quê hương mình. Ngày cuối tuần, chúng em được phép dùng điện thoại. Nếu ai có điện thoại của bạn gái thì phải mở loa to cho cả phân đội cùng nghe, vì ai cũng nhớ giọng của các bạn nữ” - chiến sĩ trẻ Nguyễn Tấn Lộc, đảo Song Tử Tây hồn nhiên.

Những người chỉ huy chia sẻ với tôi rằng, đã ở trên đảo, cấp bậc không còn tạo ra khoảng cách. Chỉ huy coi tất cả chiến sĩ trong phân đội như anh em ruột thịt, nhưng trong huấn luyện và học tập vẫn đảm bảo kỷ luật. Các chiến sĩ trên đảo hầu hết đều còn rất trẻ, sống trong môi trường gian khổ, xa đất liền, xa người thân, đó là thử thách rất lớn. Bởi vậy, “nhãn quan” của người chỉ huy vô cùng quan trọng, không chỉ sắc bén trong kỷ cương, đường lối, mà phải nhạy cảm, tinh tế để nhìn thấu, nắm bắt tâm tư của anh em. Một món quà nho nhỏ, như bịch trà hay gói kẹo dịp sinh nhật; một cuộc điện thoại động viên gia đình từng chiến sĩ ngày lễ, tết được chỉ huy các đảo hết sức quan tâm... Anh Trần Thiều Sơn - Chỉ huy trưởng Phân đội pháo 85, đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Cách đây mấy hôm, thấy một chiến sĩ trầm tư, buồn bã do bố bị ung thư gan, tôi đã dành một buổi chiều để hỏi han và động viên. Bữa nay, tâm trạng cậu ấy có vẻ khá hơn”.

Các bác sĩ quân y cũng tâm sự, khi ra đảo thấy thương bệnh nhân của mình nhiều hơn. Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa, các trang thiết bị khám chữa bệnh cơ bản đã được đầu tư đầy đủ. Tuy vậy, trên đảo lại thiếu điện, nước; khan hiếm đồ ăn tươi, cộng với cường độ huấn luyện, làm việc rất gian khổ, khiến điều kiện dưỡng bệnh không thể được như trong đất liền. Bù lại, trên đảo, anh em chăm sóc nhau như người trong nhà. Đó như chấm son giữa biển xanh mênh mông.

Một lần đến với Trường Sa đã để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt, chất chứa, dạt dào. Những khoảnh khắc trên đảo, tôi như được ru mình theo cánh sóng, được tận hưởng nắng gió Trường Sa và thêm yêu, thêm quý những con người đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bình yên biển trời Tổ quốc.

Chủ đề Biển đông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast