Truyền thống là động lực để phát triển

Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai; tôn trọng, giữ gìn các giá trị truyền thống của cha ông cũng như tiếp tục phát huy truyền thống đó trong các thế hệ nối tiếp là một động lực để phát triển – Đó là điều mà ông Nguyễn Thiện – Phó chủ tịch UBND tỉnh luôn nhấn mạnh trong suốt cuộc trò chuyện với PV Hà Tĩnh Online và cũng chính là tinh thần mà ông muốn gửi gắm…

(Trò chuyện với ông Nguyễn Thiện – Phó chủ tịch UBND tỉnh).

Truyền thống và tình cảm thiêng liêng hướng về truyền thống đã và đang hiển hiện trong chính những việc làm, những hành động thiết thực của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Ông có thể nói thêm về điều này?

Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đang sôi nổi hướng về các ngày kỷ niệm trọng đại. Sẽ có Lễ mít – tinh trọng thể kỷ niệm 65 năm Quốc khánh, 80 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh, 50 năm kết nghĩa Hà Tĩnh – Bình Định cầu truyền hình trực tiếp “Vang mãi tiếng trống năm 30”…Truyền thống luôn được lưu giữ trong ký ức của mỗi người dân Hà Tĩnh và luôn sống dậy như một động lực lớn lao đồng hành cùng với sự phát triển bền vững.

Truyền thống là động lực để phát triển ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Thiện trao quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/2009.

Là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng, từ ngày có Đảng CSVN, và đặc biệt là trong suốt chặng đường 65 năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Lịch sử sẽ mãi còn ghi dấu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bi tráng và tràn đầy niềm tin vào bạo lực cách mạng và kinh nghiệm giành chính quyền cách mạng. Xô viết Nghệ - Tĩnh dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng đã “đem lại cho nông dân niềm tin vững chắc vào giai cấp vô sản, đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công nông lòng tự tin ở sức lực cách mạng vĩ đại của mình”

Tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, Hà Tĩnh đã khởi nghĩa giành chính quyền hết sức khẩn trương, chỉ trong thời gian 5 ngày (từ 16 đến 21/8/1945) đã giành thắng lợi trọn vẹn, là một trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước thiết lập được chính quyền nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, Hà Tĩnh là vùng đất tự do, quân và dân Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu không cho kẻ địch đặt chân đến quê hương và làm tròn nghĩa vụ của hậu phương với tiền tuyến, cùng cả nước thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng kẻ thù xâm lược”.

Trong công cuộc cải tạo, kiến thiết đất nước, Hà Tĩnh lại cùng các địa phương bước vào một giai đoạn đầy khó khăn, vừa củng cố, phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN, vừa trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Là cửa ngõ quan trọng, nhịp cầu nối của "hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam", quân dân Hà Tĩnh đã sát cánh bên nhau, "chắc tay súng, vững tay cày", vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyền, vừa dũng cảm chiến đấu làm thất bại mọi âm mưu, kế hoạch của kẻ thù ngay trên mảnh đất quê hương, giành nhiều thành tích vẻ vang trong sản xuất và chiến đấu. Quân và dân Hà Tĩnh đã được Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho tất cả các huyện, thị xã và nhiều xã, phường, thị trấn, phong tặng và truy tặng nhiều danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động....

Nông thôn Hà Tĩnh, Ảnh: Đình Thông

Nông thôn Hà Tĩnh, Ảnh: Đình Thông

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, thực hiện chủ trương của Đảng về việc tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân miền Bắc với đồng bào, đồng chí ở miền Nam, Hà Tĩnh đã kết nghĩa keo sơn với Bình Định. Trong nhiệm vụ chung chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, quân dân Hà Tĩnh đã dành ưu tiên cho đồng bào Bình Định ruột rà. Trong thời kỳ đổi mới, lãnh đạo và nhân dân hai địa phương lại tiếp tục phát huy tình kết nghĩa keo sơn trong phát triển kinh tế, xã hội, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, giúp đỡ nhau trên nhiều lĩnh vực…

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, trong thời kỳ 15 năm nhập tỉnh (1976 - 1991), nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã cùng sát cánh bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, khắc phục mọi khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước củng cố, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng, tiền đề để tỉnh Nghệ Tĩnh cùng cả nước đi lên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra quy hoạch KKT Vũng Áng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra quy hoạch KKT Vũng Áng

Kể từ ngày tái lập tỉnh (tháng 9 năm 1991), mặc dầu vẫn còn ngổn ngang, bề bộn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự đoàn kết nhất trí, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay Hà Tĩnh đã có những thay đổi nhanh chóng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 9,6%, cao hơn bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách đã vượt ngưỡng trên một ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 11 triệu đồng; tỷ lệ hộ đói nghèo hiện còn 12%; nhiều dự án trọng điểm được triển khai tạo nền tảng, động lực cho Hà Tĩnh sớm trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn của khu vực như Mỏ sắt Thạch Khê, Dự án luyện cán thép, Cảng nước sâu Sơn Dương, Trung tâm Nhiệt điện…thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng Khu, các dự án thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, Công trình thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi – Cẩm Trang.; văn hóa, giáo dục – đào tạo luôn ở trong tốp dẫn đầu của cả nước; chất lượng các hoạt động y tế, truyền thông… được củng cố và nâng cao; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn đinh.

Chúng ta đang chuẩn bị Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VI. Ông có thể cho biết những tiền đề nào sẽ khẳng định sự phát triển bền vững trong xu thế hội nhập của thể thao tỉnh ta?

Kể từ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ I, lĩnh vực TDTT tỉnh ta đã có nhiều tiến bộ vượt bậc: Tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia luyện tập không ngừng tăng lên; đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở vừa qua thực sự đã trở thành ngày hội đoàn kết, biểu dương sức mạnh và truyền thống thượng võ của nhân dân khắp các địa phương trong tỉnh; thể thao thành tích cao ngày càng khẳng định được vị thế trong khu vực và quốc gia, đặc biệt là các bộ môn Karatedo, đua thuyền, bơi lội, điền kinh…; đã xây dựng được đội tuyển bóng đá theo hướng chuyên nghiệp và chính thức thi đấu ở giải hạng Nhất quốc gia từ mùa bóng 2011. Tôi nghĩ, đó chính là những tiền đề để thể thao tỉnh ta vươn lên bắt kịp bè bạn.

Vậy đâu là nguyên nhân của những thành quả có thể nói là vĩ đại trong chiến đấu và dựng xây của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta, thưa ông?

Thành quả đó trước hết là sự kết tinh những giá trị truyền thống văn hoá, cách mạng của quê hương được hun đúc, rèn dũa qua hàng ngàn năm và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó cũng là kết quả của sự vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương vào tình hình cụ thể của tỉnh nhà, là kết quả của quá trình chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, sự quản lý điều hành tổ chức thực hiện một cách quyết liệt của Ủy ban nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội; sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân... Kết quả đó cũng khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế đối với đảng bộ tỉnh; sự giúp đỡ nhiệt tình của các địa phương trong cả nước, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Bình Định.

Xin cám ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast