Tư liệu mới về Hồ Chủ tịch trên báo Cứu Quốc

Những tư liệu này, theo nhìn nhận của tác giả, “đều do người đương thời viết ra và được người đương thời kiểm chứng, có những giá trị “thực lục” không thể phủ nhận”.

Ảnh: L.Điền
Ảnh: L.Điền

NXB Văn Hóa - Văn Nghệ đã ấn hành quyển sách Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu Quốc do ông Vũ Văn Sạch - từng công tác trong Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - sưu tầm và chỉnh lý.

Ðây là một tập tư liệu quan trọng ở nhiều phương diện, không chỉ là tập hợp những bài báo về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất bản công khai trên báo Cứu Quốc, mà những bài viết về các sự kiện gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng năm 1945-1954 là một phần tư liệu lịch sử hiện đại của nước ta kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Những tư liệu này, theo nhìn nhận của tác giả, “đều do người đương thời viết ra và được người đương thời kiểm chứng, có những giá trị “thực lục” không thể phủ nhận”.

Có cả thảy 69 tư liệu được đánh số thứ tự trong toàn tập sách, trong đó có loại tư liệu mang nhiều ý nghĩa, như tư liệu số 62 về cuộc họp Hội đồng Chính phủ (Cứu Quốc số 2154 ra ngày 30-8-1952) có nội dung “Chỉnh đốn việc tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho dân cày nghèo”.

Bài Phụ ghi theo đó cho biết về nội dung này, Bộ Canh nông đã ra một thông tư, trong đó lưu ý cần điều tra những ruộng đất của Việt gian bị xử tử hồi khởi nghĩa 1945 nhưng chưa có quyết định tịch thu tài sản thì “cần đề ra với cơ quan tư pháp để xét xử quyết định nốt về tài sản của Việt gian ấy, rồi cũng đem tạm cấp những ruộng đất bị tịch thu”.

Bình luận về điều này trong Lời bạt của sách, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết: “Ý thức pháp lý về quyền sở hữu cá nhân ở đây rõ ràng khác xa lối hành xử dùng bạo lực chính trị bất chấp luật pháp để tịch thu, sung công tài sản cá nhân phổ biến ở một số thời điểm sau 1954.

Tôi nghĩ rằng những người nghiên cứu rất cần biết tới những tư liệu loại này, vì qua đó chúng ta có thể thấy rõ thêm một khía cạnh trong quá trình phát triển của Nhà nước dân tộc độc lập ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945”.

Ngoài ra, cũng từ báo Cứu Quốc, có một số thông tin về xuất xứ các bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được “nói lại cho rõ”.

Ðáng kể là trường hợp bài thơ Hồ Chủ tịch tặng cụ Võ Liêm Sơn, trước đây có nhà nghiên cứu cho rằng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (từ ngày 16 đến 22-7-1948), cụ Võ gặp cụ Hồ, và dẫn lời nhà thơ Huy Cận rằng: Sau khi cụ Võ Liêm Sơn trở về, Bác Hồ ngồi làm thơ. Viết xong, Bác bảo đồng chí liên lạc phóng ngựa đuổi theo đưa tặng cụ bài thơ Tặng Võ công.

Tuy nhiên, theo bài báo Tôi đi thăm Hồ Chủ tịch (Cứu Quốc số 1071, ngày 21-10-1948) do chính cụ Võ Liêm Sơn viết thì sau khi từ biệt Hồ Chủ tịch, “tôi sang bên Bộ Nội vụ được ba ngày thì Cụ gửi sang một cái danh thiếp sau có đề bài thơ: Hoài Liêm Sơn lão tiên sinh, như vậy là khác xa với lời thuật trước kia.

Tất nhiên, tập sách này cũng chỉ mới chọn lọc một số tư liệu về Hồ Chủ tịch từ báo Cứu Quốc theo tinh thần “xây dựng hệ thống tư liệu phục vụ việc tìm hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng cũng như lịch sử Việt Nam thời gian 1945-1954 nói chung”, vẫn còn nhiều tư liệu cùng loại từ báo Cứu Quốc chưa được tuyển chọn, cũng như việc khảo cứu và chú giải các tư liệu từ nguồn này cũng cần phải tiếp tục, bởi đây là công việc mà nói như nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: “Nếu con người không minh bạch với lịch sử thì lịch sử cũng không thể công bằng với con người”.

Theo LAM ÐIỀN/tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast