Từ trái tim yêu nước đến tư duy khoa học, cách mạng

100 năm qua, 100 năm tới hay hàng ngàn năm sau, lịch sử dân tộc và lòng dân Việt Nam sẽ luôn tưởng nhớ, khắc ghi ngày 5-6-1911, thời điểm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bền Nhà Rồng ra đi để tìm con đường cứu nước, tìm con đường tồn sinh, tìm tương lai tươi sáng và vĩnh hằng cho dân tộc.

Đặt trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX với màn đềm tăm tối bao trùm lên đất nước tưởng như không có đường ra, trong lúc các nhà ái quốc đương thời loay hoay với những ngả rẽ không hy vọng mới thấy được tầm nhìn vượt thời đại, tư duy khoa học và cách mạng vượt lên thời gian của người thanh niên yêu nước mới 19 tuổi. Lòng yêu nước cháy âm ỉ trong lòng anh suốt tuổi ấu thơ và bùng lên mãnh liệt trong tuổi thanh niên, tuổi ý thức cao nhất, sâu sắc nhất trách nhiệm của mình với vận mệnh Tổ quốc. Trong con người anh lúc ấy, tiếng gọi cứu nước vô cùng thiết tha mãnh liệt, thể hiện rõ trong câu hỏi với người bạn đồng niên: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”. Suy nghĩ của anh khác với những người bạn đương thời là ở chỗ yêu nước thì phải có hành động táo bạo, phi thường để tìm cách cứu nước: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, đến nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm ra sao, tôi sẽ để trở về giúp đồng bào ta.”. Đáp lại những do dự, băn khoăn của người bạn, Nguyễn Tất Thành xoè hai bàn tay: “ Tiền đây…chúng ta sẽ làm tất cả để sống và để đi…”

Vài ngày sau cuộc trao đổi với người bạn tên Lê, anh đã lên tàu ra đi. Hành trang anh mang theo là lòng yêu nước cháy bỏng, ý chí cao như núi, quyết tâm rộng lớn như biển khơi và tư duy khoa học, cách mạng của một trí thức hiểu rõ thời thế, hiểu việc mình làm, con đường mình đã chọn. Anh đến với nước Pháp và các nước châu Âu trước vì đó là những nơi nở rộ nền văn minh khoa học từ thế kỷ Ánh sáng, là nơi xuất phát của những khái niệm: Tự do, dân chủ, bác ái đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của những cuộc khai thác và xâm chiếm các nước nhỏ yếu, biến thành thuộc địa của các nước chính quốc. Chủ nghĩa tư bản đã hình thành và trở thành chủ nghĩa thực dân ở châu Âu. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được khời nguồn ở nước Nga rồi dấy lên ở các nước Liên bang Xô -viết sau đó gần 6 năm rồi lan rộng từ châu Âu ra toàn thế giới những năm 50-60 của thế kỷ XX. Bác đã tìm tự do, chân lý, tìm đường đi cho dân tộc ngay chính trên đất nước đã đô hộ dân tộc mình hơn nửa thế kỳ (1858), đó là cả một sự chọn lựa rất khoa học và sáng suốt sau rất nhiều trăn trở, nghĩ suy . Dù lúc ấy Bác của chúng ta mới 19-20 tuổi song bề dày văn hoá, sự từng trải thực tế cộng với sự táo bạo, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, lòng yêu nước ngùn ngụt đã đúc kết thành quyết tâm không gì lay chuyển, mở ra con đường sáng cho tương lai dân tộc.

Đến nước Pháp sau những ngày tháng“Tay đốt lò, lau chảo, thái rau”, quét tuyết, rửa ảnh và tự học tiếng Pháp, ngày 19-6-1919, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Hội những người yêu nước An Nam gửi đến Hội nghị Hoà bình Véc-xây “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm do Luật sư Phan Văn Trường thảo, Nguyễn Ái Quốc ký. Anh đã thay mặt cả nhóm đi dọc hành lang của lâu đài Véc-xây để gửi bản yêu sách đến tận tay trưởng đoàn các nước lớn và đến tận tay Quốc hội, Tổng thống Pháp. Sau đó, anh còn sắp xếp để in trên báo nhằm tạo ra một chiến dịch truyền thông để “thấu tai” nhà cầm quyền và tạo ảnh hưởng trong những người tiến bộ. Có thể coi đấy như “ngòi nổ đầu tiên” của Nguyễn Ái Quốc để tạo dư luận, giành sự quan tâm của các nước lớn đối với một dân tộc nhỏ bé bên kia bờ đại dương bao nhiều năm nay bị sống trong áp bức đau khổ. Cũng lần đầu tiên, cái tên An nam được biết đến trên trường quốc tế. Điều này chứng tỏ tư duy cách mạng của Bác: đấu tranh trực diện và công khai, đấu tranh bằng dư luận xã hội

Tháng 7 năm 1920, Bác của chúng ta tìm thấy bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lê Nin gồm 12 điểm, trong đó Lênin đã đặt ra một loạt các vấn đề có tính nguyên lý và những phương hướng giải quyết các vấn đề dân tộc của chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Ở đó các dân tộc đều có quyền bình đẳng và quyền tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình trên tinh thần hợp tác và xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Đây là sự phát triển, hoàn thiện lý luận chủ nghĩa Mác về vấn đề dân tộc của Lênin. Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Bác đã viết về ảnh hưởng của bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” của Lênin đối với Người như sau: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba.”.Từ đây đánh dấu việc Người đã tìm ra ánh sáng, tìm ra chân lý cho dân tộc như tìm thấy ngọn hải đăng trên mặt biển bao la, tìm thấy mặt trời trong màn đêm tăm tối

Từ 1920 đến 1930 là giai đoạn Bác của chúng ta đã xác định đúng các nội dung cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam. Việc xác định cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và Cách mạng xã hội chủ nghĩa, ở thời kỳ này không chỉ là nhờ từ chủ nghĩa Lênin Người đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn ở sự rút ra được bài học kinh nghiệm của cách mạng thế giới, mà Cách mạng Tháng Mười đã mạng lại cho Người bài học kinh nghiệm quý báu nhất: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư ( Mác) và Lênin”. Từ đó Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và bắt đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam tuân thủ 3 nguyên tắc của cách mạng vô sản: Do Đảng Cộng sản lãnh đạo; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; liên minh công nông là nguyên tắc cao nhất của cách mạng vô sản.

Từ năm 1930 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc ở bên ngoài lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba qua ba châu lục, 4 đại dương, một buổi sáng mùa Xuân, Người trở về Tổ quốc ở Cao Bằng. Biết bao xúc động nhớ thương! Người đã hôn lên hòn đất thân yêu, cảm nhận sâu sắc hồn thiêng dân tộc. Từ đó đến năm 1945, Người đã sống trong cảnh “cháo bẹ rau măng” nơi núi rừng Việt Bắc, lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhân dân ta đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập ra Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, tuyên bố với thế giới: “Nước Việt nam có quyền tự do, độc lập và sự thật đã là một nước tự do, độc lập”. Chưa hết gian nan cay đắng khi thực dân Pháp trở lại chiềm đóng nước ta. Người lại cùng toàn Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta làm nên sự kiện “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt, Người phải ra đi mà lòng còn canh cánh bao nỗi niềm khi Bắc Nam chưa thông nhất, sự nghiệp xây dựng “Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh” còn dang dở.

Tiếp tục con đường Bác khai mở, toàn Đảng toàn dân ta đã chung sức chung lòng, không ngại gian khổ hy sinh, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất hai miền Nam Bắc, đưa cả nước đi lên XHCN, thực hiện đường lối đổi mới, từng bước đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng nướcViệt Nam hòa bình, dân chủ và giàu mạnh đúng như nguyện ước của Người, xứng đáng với anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một thế kỷ đã đi qua. Những giá trị lý luận và thực tiễn từ con đường Bác đã vạch ra trở thành di sản tinh thần quý giá, là động lực to lớn tiếp sức cho toàn Đảng toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast