Tuyên ngôn Độc lập - Bản hùng ca bất hủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”.

PGS.TS Bùi Đình Phong viết riêng cho Hà Tĩnh Online

Đúng như vậy. Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 là một trong những sự kiện sáng chói nhất của thế kỷ XX. Bởi vì, chính với bản Tuyên ngôn đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khai sinh, khẳng định thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao hy sinh xương máu của đồng bào và những người con anh dũng của Việt Nam. Nó được phôi thai từ Bản Yêu sách tám điểm năm 1919, Chương trình Việt Minh năm 1941 và của những bản tuyên ngôn khác của các vị tiền bối. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập đã kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, mà điểm sáng chói là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng cháy bỏng là đấu tranh vì nền độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Công hoà

trước hàng triệu quốc dân đồng bào

Thế kỷ XX chưa phải là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, đó là thế kỷ chiến thắng chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ chế độ thuộc địa, một vết nhơ trong lịch sử nhân loại, trả lại cho các dân tộc và mỗi con người một cuộc sống đúng nghĩa của con người, xứng đáng với cuộc sống làm người, cuộc sống có văn hóa, cuộc sống làm chủ xã hội, bản thân. Với tinh thần đó, Tuyên ngôn độc lập, thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, xứng đáng là văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị thời đại sâu sắc.

Tuyên ngôn độc lập đã chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế hàng nghìn năm và chế độ thực dân gần trăm năm không kém phần chuyên chế, đặt cơ sở cho việc xây dựng một nhà nước hợp hiến ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Tuyên ngôn độc lập tuyên bố rõ ràng, dứt khoát với nhân dân thế giới rằng dân tộc Việt Nam đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Với Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Với thành quả cách mạng của một tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả những đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Một dân tộc đã “rũ bùn đứng dậy chói lòa”, hiên ngang, kiêu hãnh tự tay xây dựng lại cơ đồ. Chúng ta

Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người!
Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người!

không những tự hào với thành quả cách mạng do chính chúng ta giành lấy từ bọn xâm lược và tay sai, mà còn có quyền tự hào chính đáng góp phần vào sự tiến bộ, văn minh của nhân loại. Tư tưởng xuyên suốt trong Tuyên ngôn độc lập là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Hồ Chí Minh đã gắn quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc với quyền cơ bản của con người là tự do. Đây là nguyên tắc pháp lý về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả các dân tộc trên thế giới, với ý nghĩa là “quyền của tạo hóa, là lẽ phải, điều hiển nhiên không ai có thể chối cãi được”.

Sau thế chiến thứ hai, Mỹ tự cho mình có quyền tối cao với mọi dân tộc trên thế giới với việc duy trì “pháp luật thuộc địa”. Hội nghị thành lập Liên hợp quốc từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1945 muốn đặt các nước châu Á dưới chế độ ủy trị quốc tế trực thuộc Mỹ, hoặc tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Nước Pháp muốn thiết lập lại hệ thống thuộc địa ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Tuyên ngôn độc lập đã lên án và đặt chế độ thuộc địa ra ngoài tư tưởng của các nước lớn.

Tháng 12 năm 1948, Liên hợp quốc ra Tuyên ngôn Nhân quyền. Mười hai năm sau, tháng 12-1960, ra Tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Mười năm sau đó (12-1970) ra Nghị quyết về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Trong khi đó, Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố và khẳng định với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới về quyền dân tộc cơ bản, một khái niệm khoa học thuộc phạm trù luật pháp quốc tế hiện đại mà từ đó đến nay luôn luôn được thế giới thừa nhận.

66 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc. Ngày nay nhân loại đang sống trong thế giới toàn cầu hóa. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, với bản Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 và nội dung hai bản Công ước quốc tế về nhân quyền năm 1966 cho thấy Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn trong việc thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản và phổ biến của con người, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ quyền con người. Những thành tựu đó là dựa trên tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh mà 66 năm trước Tuyên ngôn độc lập đã lung linh tỏa sáng. Đúng như ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu trong lễ mít tinh kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối ngày 14- 5-2010: “Cuộc đời hoạt động chính trị của Người trước hết nhằm đấu tranh cho quyền con người và quyền các dân tộc. Ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tuyên ngôn của Người bắt đầu bằng chính những từ được trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ...Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hợp quốc đã đưa vào trong tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa chính là sự chối bỏ các quyền cơ bản của con người và đi ngược lại với Hiến chương Liên hợp quốc, điều này ảnh hưởng đến sự nghiệp đấu tranh vì hào bình và hợp tác trên thế giới”[1].


[1] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Đặc san Thông tin tư liệu, số 27, tháng 6-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast