Vài nét về quan hệ Việt Nam - New Zealand

Chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae sẽ mở ra một chương mới cho quan hệ hai nước.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae và Phu nhân sẽ thăm Việt Nam cấp Nhà nước từ ngày 3- 8/8/2013. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Jerry Mateparae kể từ khi nhậm chức Toàn quyền New Zealand (8/2011) và cũng là chuyến thăm Việt Nam thứ hai của Toàn quyền New Zealand kể từ chuyến thăm của Bà Toàn quyền Silvia Cartwright năm 2005.

Chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ song phương nhiều mặt với Việt Nam, cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

New Zealand là một quốc đảo xinh đẹp thuộc vùng Tây- Nam Thái Bình Dương. Là một quốc gia phát triển, New Zealand luôn đứng thứ hạng cao ở các bảng đánh giá quốc tế về nhiều lĩnh vực như giáo dục, tự do kinh tế, năng lực cạnh tranh, chỉ số nhận thức tham nhũng…

Với chính sách ngoại giao đa phương hóa, New Zealand có quan hệ với nhiều nước, khu vực trên thế giới. New Zealand là nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm với Việt Nam. Sau khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập (19/6/1975) quan hệ hai nước có những phát triển nhất định.

Đặc biệt khi New Zealand mở Đại sứ quán tại Hà Nội (11/1995), Việt Nam lập Đại sứ quán tại New Zealand (5/2003) và mở Văn phòng Thương vụ (năm 2005 tại thành phố Auckland, đến cuối năm 2007 chuyển về Thủ đô Wellington), quan hệ hai nước thực sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị

Giai đoạn 2009 đến nay, quan hệ hai nước được nâng cấp thành “Quan hệ đối tác toàn diện” nhân chuyến thăm chính thức New Zealand của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009). Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao. Các chuyến thăm chính thức New Zealand của phía Việt Nam có: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1993); Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2005); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2007); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009); Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (4/2012). Về phía New Zealand thăm Việt Nam có: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Mc Kinnon (7/1994); Ngoại trưởng New Zealand (1/2010); Thủ tướng John Key (7/2010); Thủ tướng và Ngoại trưởng New Zealand dự HNCC Đông Á tại Hà Nội (10/2010); Bộ trưởng Ngoại giao Murray McCully thăm và làm việc tại Việt Nam (6 - 8/11/2012).

Hai nước duy trì cơ chế họp Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (cấp Thứ trưởng) thành lập tháng 10/1996 (kỳ họp thứ 9 tổ chức 7/2013 tại New Zealand và kỳ họp thứ 10 dự kiến sẽ tổ chức cuối 2014 tại Hà Nội). Hai nước đã xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2010-2013 (do Ngoại trưởng hai nước ký tháng 7/2010 bên lề ARF tại Hà Nội) và đang hoàn thiện giai đoạn 2013-2016 để ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền New Zealand.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư

Về thương mại: Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại vào tháng 7/1994. Ủy ban hợp tác Kinh tế và Thương mại (JTEC) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 với tần suất họp 2 năm/lần. Vừa qua hai bên đã tổ chức phiên họp thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Kinh tế-Thương mại Việt Nam-New Zealand tại Hà Nội (11/2012).

Việc Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực (từ tháng 01/2009) đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về kinh tế-thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều hiện còn khiêm tốn, nhưng tăng dần qua các năm (320 triệu USD năm 2009, 475 triệu USD năm 2010, 525 triệu USD năm 2011).

Năm 2012 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 569 triệu USD trong đó xuất khẩu đạt 184 USD, nhập khẩu đạt 385 USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang New Zealand là: gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, dệt may, hạt điều, cà phê, máy móc-thiết bị, đồ thủ công mỹ nghệ; nhập khẩu từ New Zealand chủ yếu là sữa và sản phẩm sữa (chiếm 56% tổng kim ngạch), gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu...

Về đầu tư: Tính đến cuối năm 2012, New Zealand có 18 dự án với tổng vốn đầu tư trên 76,5 triệu USD, đứng thứ 40/93 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, công nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, nông-lâm nghiệp và thủy sản. Đầu tư của New Zealand tập trung tại 6 tỉnh/thành phố trong cả nước, chủ yếu tại Bình Định và TP. Hồ Chí Minh.

Quan hệ hợp tác khác

New Zeadlanland là một nước cũng đang cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Nguồn viện trợ này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực (giáo dục-đào tạo), phát triển nông nghiệp-nông thôn, quản lý rủi ro thiên tai.

Hai nước cũng đã ký thỏa thuận Hợp tác về Giáo dục và Đào tạo cấp Chính phủ (2/2008) và ký Thỏa thuận hợp tác mới để thay thế (4/2012). Hai bên đã thiết lập Ủy ban chung về giáo dục và tổ chức cuộc họp đầu tiên (12/2010 tại Wellington).

Ở lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, hai bên đã ký bản Ghi nhớ về Hợp tác Khoa học và Công nghệ (tháng 01/2010).

Hai bên cũng nỗ lực tăng cường hợp tác ở lĩnh vực An ninh-Quốc phòng.Tháng 5/2003, Bộ Công an Việt Nam chính thức đặt quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của New Zealand. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia New Zealand (5/2010), hai bên dã ký Thỏa thuận Hợp tác Cảnh sát và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

New Zealand chính thức thiết lập quan hệ Quốc phòng với Việt Nam vào tháng 2/2002. Từ đó đến ay hai bên duy trì trao đổi các cuộc viếng thăm giữa quân đội hai nước. New Zealand đã cấp một số học bổng đào tạo tiếng Anh và chỉ huy tham mưu cho Sĩ quan Việt Nam.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sống ở New Zealand có khoảng 5.000 người Việt định cư và gần 2000 sinh viên/nghiên cứu sinh, chủ yếu sinh sống ở Auckland và Wellington. Việt Kiều có thể coi là cầu nối, đóng góp vào phát triển tốt đẹp quan hệ hai nước.

Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế

New Zealand coi trọng vai trò, ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; mong muốn Việt Nam làm cầu nối để New Zealand hội nhập sâu hơn vào khu vực. Hai bên đã và đang hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như WTO, APEC, LHQ, ASEM, các cơ chế của ASEAN…

Việt Nam đã tích cực ủng hộ New Zealand tham gia các cơ chế hợp tác khu vực của ASEAN như Đối thoại ASEAN- New Zealand (kể cả họp Cấp cao), Cấp cao Đông Á (EAS), ARF và ADMM.

New Zealand đã sớm ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2008 - 2009. Hiện New Zealand đang tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Chiến lược Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); và đang tích cực vận động Việt Nam ủng hộ New Zealand ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2015-2016.

Với những kết quả đã đạt được, chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae và Phu nhân sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam- New Zealand trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, góp phần vào ổn định, phát triển của thế giới./.

    Nguồn: VOV.vn

    Đọc thêm

    Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast