Vang vọng khí thế ngày Toàn quốc kháng chiến

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp tháng 12 về, trong tâm khảm những người con đất Việt luôn vang vọng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã 69 năm trôi qua, đất nước trải qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn nhưng khí thế của ngày 19/12/1946 vẫn còn mãi ngân vọng trong chiều dài lịch sử dân tộc như nhắc nhở đời sau về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường gìn giữ non sông…

Vang vọng khí thế ngày Toàn quốc kháng chiến ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh (bên trái), Phạm Văn Đồng (bên phải), Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên trái) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Nguồn: VnExpress

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã đem lại nền độc lập cho nước ta, tuy nhiên, chính quyền non trẻ vẫn luôn phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp phát xít Nhật đã gây hấn nổ súng ở Nam bộ, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ ta đã kiên trì, khéo léo giữ độc lập, hòa hoãn với thực dân Pháp để củng cố lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến.

Hồ Chủ Tịch đã ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và tạm ước 14/9/1946. Tuy nhiên, Pháp đã bội ước. Chúng ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của thực dân Pháp đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội. Dã tâm gây hấn của thực dân Pháp bộc lộ rõ rệt nhất khi chúng gửi tối hậu thư buộc ta phải hạ vũ khí, chậm nhất là ngày 20/12/1946, quân Pháp sẽ nắm quyền cai quản Hà Nội.

Vang vọng khí thế ngày Toàn quốc kháng chiến ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận địa ở mặt trận Đông Khê, năm 1950. Nguồn: VnExpress

Trước tình thế cấp bách đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị mở rộng BCH Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”.

Vang vọng khí thế ngày Toàn quốc kháng chiến ảnh 3

Bộ đội từ sân bay tiến vào trung tâm Mường Thanh, tháng 4/1954. Nguồn: VnExpress

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một luồng gió thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc, tạo sức mạnh, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và vào 20h ngày 19/12/1946, tại Hà Nội, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu bảo vệ thủ đô với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngày 19/12/1946 trở thành ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc ta hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, một lần nữa được khơi dậy, phát huy cao độ và tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn. Đặc biệt, quân và dân thủ đô Hà Nội đã chiến đấu không tiếc máu xương, của cải để bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ an toàn về chiến khu. Cùng với thủ đô Hà Nội, các tỉnh, thành từ 3 miền Bắc, Trung, Nam đã đứng lên chiến đấu, làm tiêu hao sinh lực địch và khẩn trương xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.

Vang vọng khí thế ngày Toàn quốc kháng chiến ảnh 4

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội rước ảnh Hồ Chủ tịch đi tuần hành trên những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm giữa tiếng hoan hô vang dội của quân, dân năm 1954. Nguồn: VnExpress

69 năm trôi qua nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sự nghiệp xây dựng CNXH còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, nước Việt Nam giàu mạnh sẽ ngày càng khẳng định thế và lực trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast