''Việt Nam coi chống tham nhũng là quốc sách''

Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền nhấn mạnh: "Việt Nam coi việc chống tham nhũng là quốc sách, là sự nghiệp quan trọng liên quan đến sự sống còn của chế độ. Việt Nam đã cam kết và sẽ thực hiện đầy đủ các công việc mà Công ước đã đề ra".

Công ước về chống tham nhũng được ký kết trong Hội nghị chính trị cấp cao về ký Công ước của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức tại Mêhicô từ ngày 9 đến 11/12/2003.

Việt Nam đã cùng đại diện của 95 quốc gia khác ký Công ước này. Công ước đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phê chuẩn tại quyết định ban hành ngày 30/6/2009 và có hiệu lực từ ngày 18/9/2009.

Ảnh minh họa

Công ước gồm 8 chương, 71 điều là một văn bản pháp lý quốc tế quan trọng và về cơ bản, các quy định của Công ước có nội dung phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế. Trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, phù hợp với tinh thần và nội dung của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà Việt Nam đã ký tháng 12/2000.

Khi ký và phê chuẩn Công ước, Việt Nam là một trong 28/35 quốc gia bảo lưu khoản 2, điều 66 về “thủ tục giải quyết tranh chấp”. Việt Nam cũng tuyên bố không bị ràng buộc bởi các “quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp” (điều 20 Công ước) và “quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân” (điều 26) và không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ.

Việc bảo lưu và nội dung tuyên bố của Việt Nam nằm trong khuôn khổ quy định của Công ước và không trái với pháp luật Việt Nam, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật phòng chống tham nhũng nói riêng đồng bộ và hiệu quả.

Mặt khác, việc bảo lưu và tuyên bố của Việt Nam dựa trên nguyên tắc độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp đến công việc nội bộ của quốc gia khác.

Để thực hiện tốt Công ước, theo Tổng Thanh tra, "Đảng và Nhà nước cần có chương trình, kế hoạch rõ ràng, rà soát và hoàn thiện thể chế pháp luật, đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc giám sát, phát hiện những hành vi tham nhũng và động viên những cá nhân dũng cảm tố cáo những tổ chức, cá nhân vi phạm".

Bên cạnh đó, để thực thi Công ước, Việt Nam cũng cần đề ra các giải pháp nhằm giải quyết tốt ba vấn đề: Khắc phục sự yếu kém trong quản lý, giáo dục cán bộ công chức, trong đó quan trọng nhất là giáo dục ý thức tự giác của mỗi cá nhân và rà soát lại những pháp luật, kỷ luật chưa nghiêm.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nội dung quy định của Công ước. Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn lợi ích quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, yêu cầu đặt ra là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Để phù hợp với các yêu cầu thực thi Công ước, thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của pháp luật bao gồm: Trách nhiệm của pháp nhân, các quy định về: hối lộ trong khu vực tư, dẫn độ, giám sát chặt chẽ tài khoản của những người đã hoặc đang giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thành viên trong gia đình hoặc cộng sự thân tín của họ.

Nguồn: TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast