Việt Nam trong tuần: Kiên quyết xử lý nghiêm tham nhũng

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng.

Tổng Bí thư: Đừng để xảy ra tham nhũng mà phải răn đe trước

Trong các ngày 6-7/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi ý kiến với cử tri Hà Nội (ảnh: Vũ Duy)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi ý kiến với cử tri Hà Nội (ảnh: Vũ Duy)

Tổng Bí thư đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đúng đắn của cử tri trong việc đóng góp, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề thiết thực đối với đời sống hằng ngày của nhân dân. Về vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Xung quanh việc phòng và chống tham nhũng, về vấn đề phòng là đừng để xảy ra mà phải ngăn chặn và răn đe trước, phải có luật pháp, bố trí cán bộ, các cơ quan kiểm tra thanh tra thường xuyên. Hiện nay, Chính phủ làm tiếp cụ thể hóa việc kê khai tài sản, quy định trách nhiệm của người đứng đầu… Về chống, vừa qua Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng cũng đang làm quyết liệt...".

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri tại TP. Hồ Chí Minh

Trong các ngày 2-3/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 3, TPHCM (ảnh: Hoàng Dũng)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 3, TPHCM (ảnh: Hoàng Dũng)

Giải đáp bức xúc của cử tri về vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước nhấn mạnh phòng chống tham nhũng phải làm tốt hơn nữa như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đề ra; mọi người phải cùng tham gia đấu tranh, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã và đang làm quyết liệt.

Đề cập vấn đề án oan sai, Chủ tịch nước cho rằng, tình trạng án oan sai là có. Tại Quốc hội, các đại biểu đã phê phán yêu cầu làm rõ. Các đại biểu và cử tri cũng hoan nghênh các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp không sợ khuyết điểm, dũng cảm nói ra sự thật và đưa vụ án ra xét xử lại, đồng thời xem xét xử lý những cá nhân và cơ quan làm sai.

Xử lý nghiêm tham nhũng - cam kết với các đối tác quốc tế

Phát biểu kết thúc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam diễn ra sáng ngày 5/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết với các nhà tài trợ sẽ thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Trước đó, nói về các mục tiêu trong năm 2014 – 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ sẽ tập trung làm tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được Thủ tướng nhắc tới là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn theo mục tiêu đã đề ra. Việt Nam duy trì tăng trưởng bảo đảm năm 2014 GDP tăng trưởng 5,8%, năm 2015 tăng trưởng 6%, ổn định tỷ giá, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu và giữ đà xuất khẩu tăng trưởng cao như hiện nay.

Chính phủ Việt Nam tập trung tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế có hiệu quả cao, sức cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn, để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả dịp Tết Nguyên đán

Ngày 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, tập trung đánh giá tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay, thống nhất các biện pháp tiếp tục tập trung chỉ đạo và điều hành nền kinh tế trên tinh thần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (ảnh: Thành Chung)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 (ảnh: Thành Chung)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, nhất là đối với hàng hóa nông sản và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên vùng bị tai; tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tai nạn giao thông và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm

Trong thông báo phát đi ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khẳng định không có cơ sở cho việc điều chỉnh tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay cho đến hết năm 2013.

Khẳng định này được Ngân hàng Nhà nước dựa trên những diễn biến tích cực của tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến trên thị trường tiền tệ và thị trường liên ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian vừa qua, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn biến khá ổn định, thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN là 21.100 VND/USD. Vì thế, NHNN đã mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước với số lượng lớn.

Hà Nội thông qua nghị quyết thành lập 2 quận mới

Sáng ngày 6/12, HĐND thành phố Hà Nội đã nghe trình và xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội. HĐND thành phố đã thông qua dự thảo Nghị quyết này với tỷ lệ 93,7% đại biểu tán thành.

Theo Tờ trình do đại diện Sở Nội vụ thay mặt UBND thành phố trình bày, huyện Từ Liêm sẽ được chia tách thành 2 quận là Bắc Từ Liêm (gồm 13 phường) và Nam Từ Liêm (10 phường) trên cơ sở toàn bộ diện tích và nhân khẩu của huyện Từ Liêm hiện nay.

Khu vực phía Nam huyện Từ Liêm hiện nay (Ảnh: Quang Trung)

Khu vực phía Nam huyện Từ Liêm hiện nay (Ảnh: Quang Trung)

Học sinh Việt Nam xếp hạng trên học sinh Anh, Mỹ

Bộ GD-ĐT vừa thông báo kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2012 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 3/12. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, kết quả PISA 2012 của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…

Kết quả trên đã khiến dư luận trong nước và thế giới bất ngờ. Trên các báo, tạp chí, website và mạng xã hội, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh đã có những đánh giá, ý kiến, phản hồi khác nhau. Trong khi nhiều tổ chức, trường học, cá nhân khen ngợi và tự hào về nền giáo dục Việt Nam đã có sự tiến triển rõ ràng thì vẫn có những sự hoài nghi, ngờ vực về đánh giá của kỳ thi này.

Vỡ đê bao, người dân TPHCM khốn khổ vì triều cường

Tối ngày 4/12, một đoạn đê dài hơn 20m trên đường số 42 thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh bất ngờ bị vỡ khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập nặng, phải sơ tán khẩn cấp.

Người dân phải đi lại bằng thuyền do triều cường (ảnh: Nguyễn An)
Người dân phải đi lại bằng thuyền do triều cường (ảnh: Nguyễn An)

Đến rạng sáng 5/12, khi các lực lượng chức năng đang tiến hành vá lại đoạn bờ bao bị vỡ thì bất ngờ triều cường dâng cao khiến nước tuôn xối xả, làm đoạn bờ bao lại vỡ. Hàng trăm hộ dân tiếp tục bị nước nhấn chìm, nhiều người dân không kịp chạy tài sản của mình.

Trong tuần, đỉnh triều ở TPHCM vẫn vượt báo động 3 nên công tác theo dõi, chủ động ứng phó vẫn được Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố duy trì cho đến khi đỉnh triều xuống thấp.

Đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào hồi 12h47', giờ địa phương ngày 5/12 (15h47 phút, giờ Việt Nam).

Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách (ảnh: Bạc Liêu online)

Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ du khách (ảnh: Bạc Liêu online)

Quyết định trên được đưa ra tại Phiên họp Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan.

Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đây là một tin vui cho những người yêu mến văn hoá Việt Nam nói chung và Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng./.

Theo Công Hân/VOV online (tổng hợp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast