Xác định rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (3/6), Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cùng các đoàn Trà Vinh, Bắc Ninh và Quảng Nam tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Võ Kim Cự phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Võ Kim Cự phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Tại phiên thảo luận, các vị đại biểu tập trung cho ý kiến về: Phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội; số lượng đại biểu, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội; cơ cấu tổ chức và việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cơ quan thuộc Quốc hội và Tổng thư ký Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan Văn phòng giúp việc cho Đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành phố.

Các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết, những yêu cầu, quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật như đã nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đa số ý kiến cho rằng, dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, có tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản và bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của dự thảo Luật cũng như các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức đều đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc giải trình, tiếp thu và thuyết minh cụ thể.

So với Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã kế thừa và luật hóa nhiều quy định từ nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan; bố cục của Luật đã có sự điều chỉnh lớn, các điều luật đã được đặt tên để dễ theo dõi, áp dụng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu tổng kết để bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, điều kiện bảo đảm để bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Tham gia thảo luận về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng: Sửa đổi Luật lần này là cơ hội tốt cho việc thay thế, bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện tố nhất cho việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống cơ quan quyền lực trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự thảo luật còn có một số quy định về số lượng đại biểu của một nhiệm kỳ là không quá 500 đại biểu; về tỷ lệ đại biểu chuyên trách, về địa vị pháp lý của đoàn ĐBQH... là chưa chặt chẽ và phù hợp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo, UBTVQH cần nghiên cứu không nên quy định cứng tổng số đại biểu không quá 500 người như dự thảo mà giao cho Hội đồng bầu cử quy định số lượng đại biểu của mỗi nhiệm kỳ;

Quy định rõ địa vị pháp lý, tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố; tăng cường đại biểu chuyên trách và luật cần có quy định tiêu chuẩn đại biểu chuyên trách (tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách phải cao hơn tiêu chuẩn của ĐBQH kiêm nhiệm) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của ĐBQH chuyên trách. Đồng thời, thống nhất cao với dự thảo luật đã quy định rõ Văn phòng Đoàn ĐBQH là cơ quan giúp việc cho Đoàn ĐBQH; đề nghị cần quy định thành lập Ban dân nguyện của Quốc hội để tham mưu, giúp việc cho Quốc hội về công tác dân nguyện.

Nhấn mạnh về chất lượng của đại biểu Quốc hội, đại biểu Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và đại biểu Trần Ngọc Tăng thống nhất với ý kiến các đại biểu phát biểu trước đó và đề nghị: Không vì cơ cấu thành phần mà xem nhẹ chất lượng đại biểu, đây là nguyên tắc và yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của quốc hội. Mặt khác, đề nghị xác định rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH, mối quan hệ của đoàn ĐBQH với các cơ quan của quốc hội và quan hệ với cấp uỷ, chính quyền địa phương. Cần xác định Văn phòng Đoàn ĐBQH là cánh tay nối dài của Văn phòng Quốc hội nhằm nâng cao tính chuyên môn hoá, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Việc quy định Văn phòng Đoàn ĐBQH trong dự thảo luật lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức hoạt động của Văn phòng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước theo một mô hình thống nhất, chấm dứt tình trạng như lâu nay mỗi địa phương tổ chức bộ máy văn phòng theo một kiểu và hoạt động tham mưu, giúp việc chưa thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast