Cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa được Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tại huyện Hương Khê.
Dù không đạt giải cao tại cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa do LĐLĐ tỉnh tổ chức nhưng với Lê Thị Nghĩa – làm việc tại Công ty TNHH Hoàng Ngọc (Hương Khê) thì phần thưởng đáng quý nhất là những kiến thức pháp lý thu được qua lần tham dự này.
Chị Nghĩa tâm sự: “Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp công đoàn và lãnh đạo đơn vị, tôi và các bạn được tiếp cận với những nội dung pháp luật để từ đó có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Hội thi đã tạo nên một sân chơi bổ ích, lý thú”.
Đây là một trong những hình thức PBGDPL hiệu quả nhất mà LĐLĐ tỉnh đã triển khai trong thời gian qua. Bằng các chủ đề thiết thực, NLĐ không chỉ nắm vững các kiến thức pháp lý cần thiết mà còn có cơ hội thể hiện và vận dụng trong thực tiễn lao động, sản xuất.
“Qua các hội thi, các cấp công đoàn đánh giá được trình độ, nhận thức pháp lý của NLĐ để có kế hoạch, giải pháp tuyên truyền hữu hiệu. Đồng thời, đây cũng là cuộc “sát hạch” để NLĐ và người sử dụng lao động kiểm tra, soát xét lại việc áp dụng các cơ chế, chính sách và pháp luật trong hoạt động của đơn vị mình”, Phó ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Lê Nữ Ái Chi cho biết.
Một trong những hình thức PBGDPL nhằm chuyển tải pháp luật đến với NLĐ là thông qua các buổi đối thoại, trao đổi trực tiếp. Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên dành thời gian cho NLĐ đặt các câu hỏi và trả lời trực tiếp cho NLĐ và ngược lại, báo cáo viên đặt ra những câu hỏi tình huống để NLĐ củng cố kiến thức cũng như vận dụng vào những trường hợp vướng mắc gặp phải. Trong điều kiện hoạt động đặc thù ở các doanh nghiệp, việc lựa chọn thời điểm tổ chức tuyên truyền cũng hết sức linh hoạt, không làm ảnh hưởng đến thời giờ sản xuất của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là thông qua hoạt động truyền thông trực tiếp tại đơn vị, chủ doanh nghiệp và NLĐ đều được tiếp thu những kiến thức pháp luật vô cùng hữu ích.
Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức tốt “Ngày pháp luật“. Trong các cuộc sinh hoạt pháp luật, Văn phòng Tư vấn pháp luật phối hợp với các ban của LĐLĐ tỉnh tổ chức cho cán bộ, công chức cơ quan đối thoại trực tiếp về những vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Các ý kiến đều được trả lời thỏa đáng, giúp cho cán bộ, công chức cơ quan có kiến thức sâu hơn về hiểu biết pháp luật để tham mưu, chỉ đạo cơ sở hoạt động có hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, có 1.609 công đoàn cơ sở đã lồng ghép tổ chức được hơn 400 cuộc tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật… với gần 19.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, những hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, công tác nêu gương người tốt, việc tốt, hoặc lồng ghép vào các hội nghị, hội họp, giao ban trong cơ quan và hình thức hội thi, thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề, xây dựng và sử dụng tủ sách pháp luật… cũng được các cấp công đoàn lựa chọn áp dụng thực hiện hiệu quả.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Thị Hải Yến cho biết: LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn các cấp không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền. Bằng các hình thức lồng ghép, sân khấu hóa và đối thoại trực tiếp, pháp luật được chuyển tải đến với công nhân, viên chức, lao động một cách hiệu quả nhất. Từ đó, trang bị cho công nhân, viên chức, lao động những kiến thức pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật.