Cần sự tiếp sức, vào cuộc mạnh mẽ!

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 27,4% của ngành công nghiệp Hà Tĩnh năm nay đang là một thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động sản xuất CN-TTCN rất cần sự tiếp sức, vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ các cấp, ngành liên quan...

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 27,4% trong năm 2013, công nghiệp Hà Tĩnh cần sự tiếp sức, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Hà Tĩnh luôn phải tăng ca, tăng giờ để nâng cao thu nhập và hoàn thành chỉ tiêu giao khoán.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 27,4% trong năm 2013, công nghiệp Hà Tĩnh cần sự tiếp sức, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Hà Tĩnh luôn phải tăng ca, tăng giờ để nâng cao thu nhập và hoàn thành chỉ tiêu giao khoán.

Kết thúc quý I/2013, giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh đạt 1.225,55 tỷ đồng, bằng 14,19% kế hoạch năm và giảm 2,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 73,72 tỷ đồng, giảm 43,47%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 964,05 tỷ đồng, giảm 0,41%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 167,67 tỷ đồng, tăng 20,34%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 20,11 tỷ đồng, tăng 54,47% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, ngoài 2 lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt và cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tương đối ổn định và có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2012 thì một số ngành sản xuất khác đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng quy mô sản xuất bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí là ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, một số nhà máy gạch tuynel tồn đọng lượng hàng lớn do sức mua giảm. Sản lượng gạch nung các loại trong những tháng đầu năm nay đạt 252 triệu viên, bằng 87,66% so với cùng kỳ, đạt 27,4% so với kế hoạch. Nhóm ngành công nghiệp chế biến thủy sản vẫn chưa giải được những khó khăn của năm cũ, cả trong tìm nguyên liệu đầu vào và ổn định đầu ra cho các mặt hàng như tôm, cá, mực...

Theo ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, thời gian qua do nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn rất chậm nên sản xuất và tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm. Thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục, các công trình xây dựng chưa vào vụ, vì vậy, nhiều nhóm hàng có liên quan đến ngành xây dựng như: xi măng, sắt, thép, khai thác đá, cát sỏi... sản xuất giảm, tồn kho vẫn còn ở mức cao. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thì hoạt động sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp thời gian tới đang tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn. Sở Công thương đang tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại để thúc đẩy thị trường; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công, khuyến thương hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, làng nghề phát triển ổn định...

UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về thuế, thu hút đầu tư; tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế chính sách, áp dụng tiến bộ KHKT, đào tạo nguồn lao động có trình độ tay nghề cao, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast