Khi cụm công nghiệp không được lấp đầy

(Baohatinh.vn) - Thực tiễn đã khẳng định vai trò to lớn của cụm công nghiệp (CCN) trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ lấp đầy trong tổng diện tích có thể cho thuê ở các CCN mới chỉ đạt 38%. Quy hoạch chưa sát thực tiễn, ngân sách đầu tư nhỏ giọt, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng dở dang, lãng phí tiền tỷ ở không ít CCN.

Cụm công nghiệp - động lực phát triển kinh tế (Bài 2):

>> Cụm công nghiệp - động lực phát triển kinh tế (Bài 1): Sức sống mới cho sản xuất, kinh doanh

Quy hoạch thiếu thực tiễn

Cụm sản xuất CN-TTCN Bắc Quý (TP Hà Tĩnh) được thành lập từ năm 2005, có diện tích 10 ha (nay điều chỉnh xuống còn 5 ha). Ngay sau khi thành lập, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký và đến năm 2009 đã có 7 doanh nghiệp (DN) đăng ký thuê đất và đầu tư SXKD với tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tuy nhiên, với xu thế phát triển nhanh của thành phố, vị trí nằm gần trung tâm thành phố của CCN-TTCN Bắc Quý lại trở thành “lợi bất cập hại” đối với các DN cũng như người dân sống xung quanh CCN này.

Từng là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, CCN-TTCN Bắc Quý trở thành “lợi bất cập hại”, buộc TP Hà Tĩnh phải đề xuất đến năm 2020 đưa ra khỏi quy hoạch CCN toàn tỉnh.
Từng là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, CCN-TTCN Bắc Quý trở thành “lợi bất cập hại”, buộc TP Hà Tĩnh phải đề xuất đến năm 2020 đưa ra khỏi quy hoạch CCN toàn tỉnh.

Một giám đốc DN chế biến gỗ trong CCN nói: “Chúng tôi lỡ đầu tư nhà xưởng, thiết bị nên phải cố bám, nhưng đúng là ở đây có nhiều bất lợi. Khó khăn lớn nhất chính là việc vận chuyển hàng bởi phải sau 23h, các xe tải lớn mới có thể ra, vào thành phố. Ngoài ra, hệ thống thoát thải chưa đảm bảo nên ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi”.

Trong 7 DN hoạt động trong CCN-TTCN Bắc Quý có 3 DN sản xuất đồ mộc và 4 DN sản xuất các mặt hàng: sơn, in ấn, giấy Krap, cơ khí. Đây là những ngành nghề đòi hỏi việc xử lý môi trường, thoát thải rất nghiêm ngặt, trong khi đó cho đến nay, hệ thống xử lý nước thải tại CCN-TTCN này vẫn chưa có. Ở thời điểm hoạt động sôi động, CCN này từng là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của thành phố.

Những vướng mắc, bất cập đó là nguyên nhân quan trọng khiến các DN hoạt động tại CCN Bắc Quý không phát huy được hiệu quả SXKD, nhiều đơn vị đi vào ngõ cụt. Từ thực tế này, UBND thành phố đề xuất đến năm 2020 đưa CCN-TTCN Bắc Quý ra khỏi quy hoạch CCN toàn tỉnh.

CCN Vũ Quang nằm trên địa bàn xã Sơn Thọ (giáp ranh thị trấn Vũ Quang) có diện tích 42 ha. Sau hơn 1 năm thành lập, hệ thống hạ tầng của CCN vẫn ngổn ngang. Ông Lê Thanh Nghị - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vũ Quang cho biết, đến thời điểm này, nguồn ngân sách các cấp đã đầu tư 20 tỷ đồng cho đền bù và san lấp mặt bằng. Nguồn kinh phí này mới chỉ đủ để san lấp 15 ha mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu để thu hút đầu tư. Tuy vậy, đến nay, cũng chưa có DN nào đăng ký vào hoạt động ở CCN này.

Qua tìm hiểu, một số nhà đầu tư cho rằng, CCN này chỉ có lợi thế gần đường Hồ Chí Minh và vùng nguyên liệu (nếu đầu tư chế biến gỗ), còn nếu đầu tư ngành nghề khác thì lại bất lợi vì cách xa các thị trường lớn như TP Hà Tĩnh, Vinh. Ngoài ra, CCN này đã đi trước thực tiễn những bước khá dài khi người dân huyện miền núi đang sản xuất thuần nông và trên địa bàn chưa hề có ngành nghề sản xuất, chế biến nào.

Đầu tư nhỏ giọt, vào cuộc chưa đồng bộ

Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim (Lộc Hà), diện tích 5,3 ha với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Bộ Công thương, tỉnh và huyện. Sau hơn 1 năm triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, đến nay, CCN đã cơ bản hoàn thành, dự kiến, cuối quý 1/2014 sẽ tổ chức cho người dân vào hoạt động sản xuất. Mặc dù đã có nhiều hộ sản xuất, chế biến nước mắm, ruốc, nướng cá, phơi cá, kho đông lạnh... đăng ký hoạt động, nhưng phần lớn là đăng ký để giữ chỗ, còn việc hoạt động sản xuất trong cụm đang là điều phải cân nhắc.

Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim (Lộc Hà) đã cơ bản hoàn thành phần hạ tầng, tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ nên khó khăn trong việc kêu gọi các hộ SXKD vào hoạt động.
Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim (Lộc Hà) đã cơ bản hoàn thành phần hạ tầng, tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ nên khó khăn trong việc kêu gọi các hộ SXKD vào hoạt động.

“Nghề chế biến hải sản đòi hỏi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng CCN này lại không có hàng rào nên chỉ một cơn gió cấp 5, cấp 6 là cát bụi bay vào lấp đầy trong cụm. Đặc biệt, CCN lại nằm ngay cạnh bờ biển, trong khi phía trước chưa có hệ thống kè chắn sóng nên vào mùa mưa bão nguy cơ mất an toàn cao. Đầu tư nhà xưởng vào đây chẳng khác nào “trứng treo đầu gậy” - bà Trần Thị Vân - Phó Chủ nhiệm HTX Chế biến nước mắm Thọ Vân nói.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng BQL CCN Lộc Hà thừa nhận, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng CCN chưa được đồng bộ, hiện còn thiếu hệ thống hàng rào, cổng, đường trục chính vào khu CN. Về vấn đề kè chắn sóng, huyện cũng đang lập dự án và kêu gọi đầu tư.

Mặc dù được xác định là cơ sở hậu cần trọng điểm cho KKT Vũng Áng nhưng đến thời điểm này, Kỳ Anh cũng chưa có CCN-TTCN nào ra hình hài. Trong số 2 CCN được quy hoạch, đến nay, chỉ mới có CCN Kỳ Hưng đang được nhà đầu tư triển khai san lấp mặt bằng, còn CCN Kỳ Ninh vẫn đang nằm trên… giấy. CCN Kỳ Hưng có tổng diện tích gần 49 ha, do Công ty TNHH TM&ĐT Lợi Châu đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Ngay sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tháng 4/2013), DN đã chi tiền đền bù đầy đủ cho người dân (gần 29 tỷ đồng) và hỗ trợ địa phương gần 500 triệu đồng xây dựng nghĩa trang.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hoa - phụ trách quản lý dự án thì, hiện địa phương vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch cho công ty. Trên phần đất dự án vẫn còn vướng 113 ngôi mộ chưa di dời nên chúng tôi không thể triển khai đồng bộ san lấp mặt bằng. Ngoài ra, quy hoạch đường giao thông vào CCN huyện Kỳ Anh đến nay vẫn chưa có nên công ty phải mượn tạm đường dân sinh để vận chuyển vật liệu. Chậm tiến độ thi công, DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN phải đương đầu với không ít khó khăn. Thực trạng ở CCN Kỳ Hưng là kết quả của sự phối hợp vào cuộc thiếu đồng bộ giữa nhà đầu tư và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương, việc đầu tư phát triển CCN cũng như kêu gọi các DN vào hoạt động trong CCN thời gian qua gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế kéo dài thì nguyên nhân chính vẫn do chủ quan. Một số địa phương chưa quyết liệt trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án; quản lý CCN còn lúng túng; công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện còn hạn chế. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa rõ nét, chưa đủ mạnh đối với CCN; đồng thời, khi hướng dẫn nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương vẫn còn theo ý muốn của chủ đầu tư nên việc định hướng cho nhà đầu tư vào cụm đã được quy hoạch còn hạn chế.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast