Kiểm soát chặt thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước

Trước sự “đổ bộ” của mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ kèm theo nguy cơ gian lận cao, sự “kêu cứu” của ngành thép, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan kịp thời vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ.

Nguy cơ "thâu tóm" thị trường của thép ngoại giá rẻ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nguy cơ thâu tóm thị trường của thép giá rẻ từ Trung Quốc

Mới đây, ngành thép tiếp tục “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ trước tình trạng phôi thép nhập khẩu giá rẻ đang ồ ạt tràn vào thị trường trong nước.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết, năm 2015, lượng phôi thép giá rẻ nhập về lên đến gần 1,9 triệu tấn, tăng tới 300% so với năm 2014. Trung bình mỗi tháng nhập khẩu khoảng 150.000 tấn. Từ tháng 12-2015 và tháng 1-2016, lượng phôi thép tiếp tục tăng chóng mặt. Cụ thể, tháng 12-2015 cả nước nhập 317.00 tấn và tháng 1-2016 nhập 340.000 tấn.

Ông Nghiêm Xuân Đa so sánh, số lượng nhập khẩu 2 tháng kể trên cao gấp hơn 3 lần so với thời điểm tháng 1-2015 (chỉ nhập 102.000 tấn).

Trái ngược với sự tăng trưởng về sản lượng, giá phôi thép nhập khẩu lại đang lao dốc mạnh từ mức 451 USD/tấn (tháng 1-2015) xuống 269 USD/tấn (tháng 1-2016). Nghĩa là giảm giá đến hơn 40% chỉ trong vòng 1 năm.

Lãnh đạo Vnsteel than thở, nếu tình trạng nhập khẩu phôi thép được tiếp tục duy trì như vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất và phá sản, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy. Vnsteel khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát phôi thép nhập khẩu, “cứu” các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, Vnsteel và đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải kêu cứu cơ quan quản lý trước sự tấn công của thép ngoại giá rẻ. Tháng 10-2015, VSA đã đưa ra cảnh báo và kiến nghị các bộ, ngành phải có biện pháp quản lý hữu hiệu đối với chiêu phôi thép Trung Quốc “đội lốt’” hợp kim nhằm hưởng ưu đãi thuế và đang tràn vào Việt Nam.

Tạo sân chơi công bằng

Theo Bộ Tài chính, trước nguy cơ gian lận của những mặt hàng thép giá rẻ, sự “cầu cứu” của ngành thép, ngay từ cuối tháng 10-2015 và trong đầu tháng 2-2016 mới đây, Chính phủ liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành phải tăng cường quản lý mặt hàng thép, chống gian lận thương mại, chống bán phá giá, khẩn trương điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp… nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra. Đầu tháng 3-2016, Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Cụ thể, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ tạm thời, lần lượt là 23,3% và 14,2% (dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung), trong khoảng thời gian từ ngày 22-3-2016 đến hết ngày 7-10-2016.

Cùng với biện pháp về áp thuế tự vệ, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành; kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối hàng có xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế 100% và lấy mẫu phân tích theo quy định với thép Trung Quốc (những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được) để xác định chính xác mã số, mặt hàng thuộc diện chống bán phá giá và mặt hàng thép chứa hợp kim bo có nguy cơ gian lận cao…

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast