Tầm vóc công nghiệp Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, nhờ tăng cường quảng bá, kêu gọi xúc tiến đầu tư và có những cơ chế, chính sách hợp lý nên Hà Tĩnh luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án lớn về công nghiệp được triển khai trên địa bàn thời gian qua đã tạo nên gam màu sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà.

Điển hình cho công nghiệp Hà Tĩnh hiện nay là các dự án sản xuất, chế biến gang thép, mà nổi lên là dự án sản xuất gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh, tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 xấp xỉ 10 tỷ USD, công suất 15 triệu tấn/năm. Hiện nay, nhà đầu tư đang đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án theo đúng cam kết. Hàng ngàn tấn thiết bị với trị giá hàng tỷ USD đã được nhập về để sẵn sàng xây lắp, hoàn thiện giai đoạn 1. Đại công trình đang hối hả thi công ngày đêm, phấn đấu trong năm 2015 sẽ có sản phẩm thép bán ra thị trường.

Công nhân tiến hành lắp ráp các tổ máy trong Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (Ảnh tư liệu)

Công nhân tiến hành lắp ráp các tổ máy trong Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh dự án sản xuất gang thép, Tập đoàn FORMOSA còn đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện FORMOSA gồm 10 tổ máy, tổng công suất 1.500 MW. Dự án này được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, phấn đấu đến 2018 sẽ hòa lưới điện.

Cũng tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh đang xây dựng trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng với tổng công suất lên đến 4.800 MW, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Vũng Áng 2, Vũng Áng 3.1, Vũng Áng 3.2 (mỗi nhà máy công suất 1.200 MW). Trong đó, Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hoàn thành, hòa lưới điện vào cuối năm 2013. Theo kế hoạch, trong quý III/2014, Tổ máy số 2 sẽ hòa lưới điện. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, tổng mức đầu tư dự kiến 2,1 tỷ USD đã được Chính phủ, UBND tỉnh giao Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 triển khai đầu tư. Thời gian qua, chủ đầu tư cùng các bộ, ban ngành trung ương, tỉnh phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan, phấn đấu đến quý II/2015 sẽ triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng giai đoạn 2016-2020. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3.1 đang được Tập đoàn Samsung tích cực tìm hiểu đầu tư.

Bên cạnh các dự án có mức đầu tư hàng tỷ USD tại KKT Vũng Áng, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã tích cực kêu gọi, thu hút nhiều dự án khác đầu tư có hiệu quả trên địa bàn. Điển hình là Nhà máy Bia Sài Gòn Hà Tĩnh được đầu tư tại huyện Thạch Hà với tổng mức 480 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 2/2013, với công suất 30 triệu lít/năm (bia chai). Đầu năm 2014, nhà đầu tư tiếp tục lắp đặt hệ thống chiết bia lon với công suất 36.000 lon/h (tương đương 70 triệu lít/năm) và đã chính thức hoàn thành, đi vào sản xuất thương mại vào tháng 4/2014. Sáu tháng đầu năm 2014, nhà máy đã sản xuất, tiêu thụ 17 triệu lít bia, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 210 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước 100 tỷ đồng.

Một dự án khác là Nhà máy Sản xuất cọc sợi của Công ty Vinatex Hồng Lĩnh, quý I/2013 đi vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 14.000 cọc sợi/năm. Đến quý II/2014, Nhà máy đưa vào hoạt động giai đoạn 2, nâng công suất lên 30.000 cọc sợi/năm. Tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên đến 142 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2014, nhà máy sản xuất được 1.435 tấn, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng; GQVL ổn định cho trên 300 lao động.

Một góc Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh
Một góc Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh

Hiện nay, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội đang đề nghị tỉnh cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp dệt may tại TX Hồng Lĩnh với quy mô đầu tư giai đoạn 1 là nhà máy dệt, công suất 4.800 tấn vải/năm; giai đoạn 2 xây dựng dự án nhà máy kéo sợi, công suất 36.000 cọc sợi/năm; 2 nhà máy may với 56 dây chuyền, tổng công suất 10,8 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư của dự án này dự tính lên đến 975 tỷ đồng.

Ngoài những “đại dự án” nêu trên, thời gian qua, ở các địa phương cũng xuất hiện nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp hiệu quả như: Nhà máy Sản xuất rượu và Nước giải khát của HTX làng nghề Văn Lâm (Đức Thọ), tổng đầu tư 30 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất bao bì của Công ty Sao Mai, tại cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; Nhà máy Bê tông công nghệ cao của Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ vận tải Viết Hải tại cụm công nghiệp Phù Việt (Thạch Hà), tổng mức đầu tư 224 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất thuốc Hadiphar của Công ty CP Dược Hà Tĩnh tại cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, tổng đầu tư 289 tỷ đồng…

Có thể khẳng định, công nghiệp Hà Tĩnh thời gian qua thực sự đã có những chuyển biến đáng kể. Những dự án công nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp đã tạo ra giá trị kinh tế và nộp ngân sách đáng kể cho nền kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các nhà máy công nghiệp còn tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong GQVL, an sinh xã hội. Thời gian tới, khi các dự án lớn hoàn thành, đi vào hoạt động, chắc chắn công nghiệp Hà Tĩnh sẽ trở thành điểm nhấn thực sự trong bức tranh kinh tế của tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast