Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn còn nhiều khó khăn

(Baohatinh.vn) - Hết tháng 9/2014, Công ty Điện lực Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và quản lý bán điện 256/262 xã, phường, thị trấn. Việc tiếp nhận, quản lý lưới điện hạ áp nông thôn là điều kiện thuận lợi để ngành điện đầu tư, vận hành lưới điện đảm bảo an toàn, ổn định, song cũng đặt ra không ít khó khăn.

Hệ thống lưới điện xuống cấp

Khi được bàn giao cho ngành điện quản lý, lưới điện ở Đức Lĩnh (Vũ Quang) đã xuống cấp nghiêm trọng, đường dây cũ nát, không đảm bảo chất lượng, cột điện tự đúc, không đúng tiêu chuẩn, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, địa bàn của xã rộng, nhiều nơi dân cư thưa thớt, bán kính cấp điện xa, dẫn đến tình trạng điện yếu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn còn nhiều khó khăn ảnh 1
Hệ thống lưới điện xuống cấp, không đảm bảo chất lượng là tình trạng khá phổ biến tại nhiều địa phương hiện nay.

Ông Phạm Khắc Kính (thôn Tân Hưng) cho biết: “Điện của gia đình rất yếu, chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, thắp sáng, còn muốn phát triển sản xuất, xay xát… thì rất khó. Đơn vị chuyên môn đã nhận quản lý, chúng tôi mong muốn ngành điện chú trọng đầu tư, cải tạo lưới điện để được sử dụng nguồn điện tốt hơn”.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho hay: “Hệ thống lưới điện không đảm bảo lại xuống cấp, đặc biệt, nhiều hộ còn phải dùng chung đồng hồ tổng, rất bất tiện. Xã đã đăng ký về đích nông thôn mới năm nay, song, hiện tiêu chí điện vẫn chưa đạt nên mong muốn Điện lực Vũ Quang tích cực phối hợp với chính quyền đầu tư, nâng cấp lưới điện đảm bảo tiêu chí, kịp về đích đúng tiến độ, nâng cao đời sống người dân”.

Lưới điện nhận bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng là thực trạng chung của huyện Vũ Quang. Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - An toàn Điện lực Vũ Quang cho hay: “Là địa bàn miền núi, địa hình rộng, phức tạp, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Phần lưới điện do dân đóng góp, hợp tác xã điện hay các dự án của địa phương đầu tư đã lâu, trong quá trình khai thác ít được nâng cấp, cải tạo nên không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành, cấp điện”.

Đến nay, Điện lực Cẩm Xuyên đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn 18 xã với gần 30.000 khách hàng. Sau tiếp nhận, “nhiều khu vực không đảm bảo tiêu chuẩn, nguy cơ mất an toàn và thường xuyên xảy ra sự cố, đặc biệt là phần lưới điện hậu các dự án (vốn dân tự đóng góp xây dựng). Theo đó, hệ thống lưới điện chủ yếu dùng cột tre, gỗ; dây nhôm trần cũ nát; công tơ không được niêm phong, kẹp chì đầy đủ, một số không đảm bảo tiêu chuẩn, không kiểm định; nhiều tuyến đường dây bố trí chưa phù hợp; phần lớn các điểm vượt đường không đảm bảo quy trình, quy phạm an toàn điện; đa phần dây dẫn sau công tơ vào các hộ không đảm bảo tiêu chuẩn; điện áp khu vực cuối đường dây, xa trạm biến áp thấp… đang đặt ngành điện trước không ít khó khăn”, Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên - Nguyễn Duy Minh cho biết.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: Lưới điện nông thôn trước đây được đầu tư từ nhiều nguồn: người dân đóng góp, hợp tác xã điện, các dự án tài trợ… nên chắp vá, thiếu đồng bộ, không theo quy chuẩn; thời gian vận hành lâu, lưới đã xuống cấp nghiêm trọng. Song song quá trình mở rộng đường giao thông nông thôn, nhiều đường dây chạy sát nhà dân vừa mất mỹ quan, vừa gây khó khăn trong quản lý, vận hành, dẫn đến trường hợp người dân vi phạm sử dụng điện, gây thất thoát điện và mất an toàn.

Cần nguồn vốn đầu tư lớn

Theo ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - An toàn Điện lực Vũ Quang thì, “Từ khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đơn vị tăng cường đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, tổng mức đầu tư lưới điện toàn huyện đạt 33.464 triệu đồng. Tuy vậy, khối lượng được cải thiện không đáng là bao vì lưới điện xuống cấp nghiêm trọng trong khi đầu tư dàn trải”.

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn còn nhiều khó khăn ảnh 2
Lưới điện nông thôn đang cần nguồn đầu tư rất lớn

Cũng theo ông Thanh, năm 2015, đơn vị sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp lưới điện. Theo kế hoạch sẽ đầu tư mới 30 km, cải tạo 25 km đường dây 0,4 kV với tổng mức đầu tư dự kiến trên 16 tỷ đồng.

“Ngành điện sẽ tập trung chỉnh trang, đầu tư xây dựng lưới điện. Đối với xã có dự án Năng lượng nông thôn 2 (Re II) được đầu tư tối thiểu 750 triệu đồng, xã không có dự án Re II đầu tư 1,5 tỷ đồng, nhờ vậy, đến nay, chất lượng điện, tình hình cấp điện trên địa bàn có khả quan hơn”, ông Nguyễn Duy Minh - Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên cho biết thêm.

Thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư cải tạo các đường dây xuống cấp, thay thế dần các thiết bị điện kém chất lượng, vận hành lâu năm… Tuy vậy, trên thực tế, lưới điện còn nhiều bất cập, cần nguồn đầu tư rất lớn. “Năm 2014, công ty đã tập trung nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn và khối lượng cần đầu tư vẫn còn rất lớn. Song, vấn đề đặt ra là đơn vị phụ thuộc vào nguồn hạch toán của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC), trong khi đặc thù của EVN NPC là mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, cùng một lúc phải phân bổ cho cả 27 đơn vị, do đó, nguồn vốn lại càng khó khăn hơn. Tuy vậy, năm 2015, công ty sẽ chủ động, tranh thủ mọi nguồn vốn và sự quan tâm của UBND tỉnh để đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân”, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast