Xóa lò gạch tuynel - cần lộ trình bền vững (Bài cuối): Ngập ngừng chuyển đổi công nghệ

(Baohatinh.vn) - Theo lộ trình phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ, sau năm 2015, tất cả công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn ngân sách phải sử dụng 100% vật liệu không nung, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng 50% vật liệu không nung. Đây được xem như một thử thách đối với các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn. Nếu không xây dựng được phương án chuyển đổi hợp lý, nhiều nhà máy sẽ đứng trước bờ vực phá sản.

>> Xóa lò gạch tuynel - cần lộ trình bền vững (Bài 1): “Khát” nguyên liệu sản xuất

Theo tính toán, với công suất 450 triệu viên/năm, mỗi năm, các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn phải sử dụng hơn 600.000 m3 đất sét, tiêu tốn hàng chục nghìn tấn than; đồng thời, thải ra môi trường một khối lượng lớn khí CO2. Lượng khí CO2 thải ra môi trường khi gặp trời mưa sẽ tạo ra axit, gây ô nhiễm môi trường và tác động đến sức khỏe, tài sản của người dân.

Xóa lò gạch tuynel - cần lộ trình bền vững (Bài cuối): Ngập ngừng chuyển đổi công nghệ ảnh 1

Mặc dù gạch không nung đã xuất hiện trên thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi thói quen sử dụng truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hậu Thành cho rằng, lộ trình chuyển đổi, sử dụng gạch tuynel sang vật liệu không nung sẽ hạn chế việc tiêu tốn hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, vừa qua, tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh lộ trình sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, song, Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương có nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu không nung phong phú, thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất gạch không nung. Vì vậy, về cơ bản, Hà Tĩnh sẽ thực hiện theo lộ trình đã được xây dựng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau quá trình chuyển đổi từ sản xuất gạch bằng đốt thủ công sang sử dụng công nghệ tuynel, hàng chục nhà máy sản xuất gạch tuynel đã mọc lên khắp nơi, có nhà máy đã hoạt động hơn 10 năm, nhưng cũng có nhà máy mới xây dựng trong vòng 2, 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, vòng đời khấu hao, sinh lời của mỗi nhà máy trung bình 20 năm. Do đó, mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp (DN) khi chuyển đổi sang công nghệ mới không hề nhỏ.

Ông Trần Đình Quảng - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Sông La - Nhà máy Gạch tuynel Tùng Ảnh (Đức Thọ) cho biết, kinh phí đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung khoảng 30 tỷ đồng. Tại các thành phố lớn, nhu cầu xây dựng các khu chung cư và công trình sử dụng vốn ngân sách khá lớn, còn ở Hà Tĩnh, nhu cầu đó không nhiều, các sản phẩm gạch chủ yếu sử dụng trong xây dựng dân dụng, tỷ lệ sử dụng gạch không nung ở tỉnh ta vì thế đang ở mức khiêm tốn. Làm một phép tính đơn giản về hiệu quả khi chuyển đổi từ công nghệ tuynel sang gạch không nung, DN chắc chắn sẽ nhận phần thiệt.

Cũng với quan điểm trên, Giám đốc Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ - Hoàng Văn Long khẳng định: “Chuyển đổi mô hình sản xuất thì dễ, nhưng thay đổi tập quán sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng rất khó. Gạch không nung loại thường không đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, còn gạch không nung cao cấp thì giá cao. Thêm vào đó, loại gạch này có đặc điểm hút ẩm, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Hà Tĩnh, sản phẩm sẽ khó tìm được chỗ đứng trên thị trường”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện gạch xây không nung xuất hiện trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu sản xuất thủ công bán cơ giới, công nghệ đơn giản, phần lớn là do các hộ tự sản xuất với chất lượng thấp, phục vụ các công trình dân sinh; tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 30-40 triệu viên/năm. Bên cạnh đó, do sản lượng gạch tuynel đang tồn kho khá lớn, giá lại thấp hơn gạch không nung nên người tiêu dùng lựa chọn gạch tuynel như một giải pháp tối ưu.

Cũng theo ông Trần Hậu Thành, để chuẩn bị cho lộ trình sử dụng vật liệu không nung, Sở Xây dựng đã tổ chức các buổi hội thảo, tham quan, giới thiệu công nghệ sản xuất gạch không nung cho các DN trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn lực, khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế nên các DN vẫn chưa sẵn sàng để đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới.

Chia sẻ với chúng tôi về lộ trình sử dụng vật liệu không nung, các DN hoạt động trên lĩnh vực sản xuất gạch tuynel đều đồng tình với quan điểm chuyển đổi của Nhà nước. Tuy nhiên, do số vốn của DN bỏ ra để xây dựng các nhà máy sản xuất gạch tuynel khá lớn, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường xây dựng ảm đạm, quá trình thu hồi vốn diễn ra ì ạch, các DN mất dần khả năng tái đầu tư. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đồng hành cùng DN, tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tạo “cú hích” để tiếp cận công nghệ sản xuất mới.

Cùng với đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, thuê đất, vốn vay…; khuyến khích sử dụng gạch xây không nung trong xây dựng công trình. Đồng thời, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi DN, người dân nhận thức rõ ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng gạch xây không nung.

Sau một quá trình dài phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Xu hướng phát triển cho những năm sắp tới đã được định hình bằng việc áp dụng công nghệ sản xuất mới. Để đảm bảo lợi ích cho DN, tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động, thiết nghĩ, các cấp chính quyền cùng DN cần thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, khó khăn trong quá trình xây dựng, phát triển hệ thống nhà máy sản xuất gạch tuynel để tìm giải pháp thích ứng với lộ trình phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast