Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp bao bì Hà Tĩnh khai thác thị trường nội địa

(Baohatinh.vn) - Từng là đơn vị xuất khẩu chủ lực trên địa bàn nhưng trong năm 2019, Công ty CP Sao Mai Hà Tĩnh đã dần “rút chân” khỏi thị trường này vì nhiều yêu cầu khắt khe. Thay vào đó, doanh nghiệp chú trọng sản xuất hàng nội địa để tăng lợi nhuận và tạo thêm nhiều việc làm cho con em địa phương.

Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp bao bì Hà Tĩnh khai thác thị trường nội địa

Xuất khẩu các cuộn manh vải - nguyên liệu dùng để may bao bì sang Thái Lan hiện đang ngưng trệ do đối tác yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng in ấn

Mất thị phần ở Thái Lan

Thái Lan từng là địa hạt tiềm năng của Công ty CP Sao Mai Hà Tĩnh. Theo thống kê của công ty, ước tính mỗi năm, khoảng 60% sản lượng hàng xuất khẩu của đơn vị đi thị trường này. Vậy nhưng, từ cuối năm 2018 đến nay, các đơn hàng xuất sang Thái Lan không còn được duy trì.

Chị Trần Thị Kim Khuyên – nhân viên Phòng Kế hoạch thị trường, Công ty CP Sao Mai cho biết: “Trước đây, công ty chủ yếu xuất các cuộn manh vải – nguyên liệu dùng để may bao bì sang Thái Lan. Khoảng 10 tháng nay, việc xuất khẩu sang Thái Lan không còn được duy trì do nước bạn yêu cầu cao hơn về chất lượng in ấn.

Để đáp ứng được yêu cầu đó, công ty phải đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, trình độ tay nghề của công nhân cũng phải được nâng cao. Vì thiếu nguồn vốn để đầu tư máy móc nên công ty đang phải tạm dừng hợp tác với Thái Lan”.

Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp bao bì Hà Tĩnh khai thác thị trường nội địa

Để tìm lại thị trường Thái Lan, Công ty CP Sao Mai cần đầu tư máy móc, nhất là máy in theo tiêu chuẩn của đối tác

Trước đó, Công ty CP Sao Mai cũng đã từng “để rơi” thị phần xuất khẩu sang Mỹ do các doanh nghiệp bao bì của Việt Nam bị phía Mỹ cho là bán phá giá, gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất bao bì nội địa của Mỹ.

"Để xuất khẩu sang Mỹ, công ty đã từng đạt các tiêu chuẩn: Chứng nhận Halal công nhận quốc tế, chứng nhận ISO 9001:2015, chứng nhận ISO 22000:2005 về tiêu chuẩn quốc tế an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi xuất khẩu sang Mỹ bị đứt gánh giữa đường thì các điều kiện để đạt các chứng nhận này cũng không còn được duy trì. Không có các chứng nhận quốc tế nên việc mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn" - chị Trần Thị Kim Khuyên cho hay.

Sản xuất hàng nội địa chiếm 80%

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu “khó tính”, Công ty CP Sao Mai đã chuyển hướng sang sản xuất hàng nội địa. Từ chỗ sản xuất hàng nội địa chỉ chiếm 50%, hiện nay, tỷ lệ này đã tăng lên 80%.

“Nhu cầu bao bì xi măng, bao gạo của các doanh nghiệp trong nước ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, quy trình sản xuất… của các đối tác trong nước cũng không quá khắt khe. Vì vậy, công ty tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa” – chị Khuyên cho biết thêm.

Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp bao bì Hà Tĩnh khai thác thị trường nội địa

Sản phẩm vỏ bao xi măng của Công ty CP Sao Mai

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Sao Mai đã sản xuất hơn 24,2 triệu bao xi măng và 2,8 triệu bao bì các loại cho thị trường nội địa. Qua đó, công ty đạt doanh thu hơn 142 tỷ đồng và thu về lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng.

Con số này chiếm khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận của công ty trong những tháng đầu năm 2019.

Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp bao bì Hà Tĩnh khai thác thị trường nội địa

Tìm đường về nội địa, Công ty CP Sao Mai duy trì sản xuất ổn định và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động

Với việc chú trọng sản xuất hàng nội địa, Công ty CP Sao Mai đang tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động với mức lương dao động từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo lãnh đạo công ty, mục tiêu của công ty là phát triển song song cả 2 thị trường: nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, những ngày qua, công ty đã mời gọi được một số đối tác bên Canada sang tìm hiểu để đặt vấn đề hợp tác.

Nếu việc hợp tác với Canada thành công, giá trị xuất khẩu của công ty sẽ được nâng lên đáng kể. Vì vậy, hiện tại, công ty đang triển khai các điều kiện để được cấp các chứng chỉ quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast