Đầu tư công trung hạn: Lộ trình mới, cách làm mới!

(Baohatinh.vn) - Thay vì xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm, cùng với cả nước, Hà Tĩnh bắt tay xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Để đáp ứng thực tiễn đồng thời chủ động nguồn lực từng bước thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, tỉnh đã tập trung triển khai các bước xây dựng, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp đột xuất dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 3/2016.

Đầu tư công trung hạn: Lộ trình mới, cách làm mới! ảnh 1
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho mục tiêu phát triển TP Hà Tĩnh lên đô thị loại 2 và TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh đạt đô thị loại 3. Trong ảnh: Một góc thị xã Hồng Lĩnh. (Ảnh: Quang Vinh)

Căn cơ trong xây dựng phương án

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được xác định là cơ sở để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Bởi vậy, gần 5 tháng nay, kế hoạch này đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi của các sở, ngành, địa phương; tổ chức thảo luận tại nhiều cuộc họp và được BTV Tỉnh ủy cho ý kiến lần đầu vào 12/1/2015.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh cho rằng: Phương pháp, bước đi trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này thực sự là cuộc cách mạng trong tư duy xây dựng kế hoạch nguồn lực. Chưa bao giờ việc phân bổ nguồn đầu tư được thực hiện cho một chu kỳ dài, dựa trên những nguyên tắc rất cụ thể, đặc biệt là được công khai, lấy ý kiến rộng rãi như lần này. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, nhu cầu đầu tư cho các mục tiêu, nhiệm vụ rất lớn nên đòi hỏi ngành kế hoạch phải tập trung cao nhất trí tuệ và các cấp, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm chia sẻ, góp ý với tinh thần dồn nguồn lực cho những mục tiêu chung của toàn tỉnh.

Qua quá trình xây dựng, tiếp thu, chỉnh sửa, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được UBND tỉnh hoàn thành với phương án phân bổ đảm bảo khoa học, khách quan và tính chủ động, linh hoạt. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, ngoài nguồn vốn được trung ương phân bổ 10.077,832 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu, nguồn trái phiếu chính phủ trên 819 tỷ đồng và vốn ODA hơn 1.760 tỷ đồng, thì ngân sách tỉnh dự kiến sẽ đầu tư cho các mục tiêu phát triển là trên 8.722 tỷ đồng.

Theo ý kiến của phần lớn các sở, ngành tham gia thảo luận tại các cuộc họp, mặc dù nguồn tăng thu đưa vào cân đối ngân sách còn hạn chế (2.279,5 tỷ đồng) nhưng đây là nguồn lực ổn định để đầu tư cho các mục tiêu phát triển, tránh được việc “vỡ trận” ngân sách, đảm bảo tính an toàn, khả thi cao nhất.

Dự án cấp nước KKT Vũng Áng thành công nhờ nguồn lực xã hội hóa và kết hợp nguồn đầu tư công. Ảnh: Bá Tân
Dự án cấp nước KKT Vũng Áng thành công nhờ nguồn lực xã hội hóa và kết hợp nguồn đầu tư công. Ảnh: Bá Tân

Khách quan, minh bạch trong phân bổ nguồn vốn

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển theo quy định, Sở KH&ĐT đã dự kiến phân bổ cụ thể từng nguồn vốn: ngân sách trung ương, địa phương, ODA, trái phiếu chính phủ. Phương án phân bổ đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia, từng lĩnh vực, địa phương, sở, ngành và dự án cụ thể đã được bàn bạc công khai, phân tích, góp ý một cách khách quan, minh bạch.

Quan điểm chung là nguồn đầu tư công phải tập trung trước hết cho việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản, ưu tiên các công trình chuyển tiếp, công trình thiết yếu đối với đời sống nhân dân và việc thực hiện các mục tiêu trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng, để thực hiện được điều này trong điều kiện nguồn đầu tư có hạn, phải hạn chế tối đa đầu tư mới, thậm chí, mạnh dạn cắt giảm hoặc dừng các dự án chuyển tiếp không thực sự cần thiết. Nếu vẫn thực hiện đầu tư dàn trải thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng có những dự án sau 5 năm không bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành và như vậy sẽ gây lãng phí, kém hiệu quả.

Nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển tỉnh nhà. Đây cũng là thực tế khó khăn chung của toàn quốc khi con số nợ công của Việt Nam đã chạm trần. Lúc này, việc triển khai các giải pháp hiệu quả để xã hội hóa các nguồn lực đầu tư thực sự trở nên cấp thiết.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định, dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng việc xã hội hóa nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công tư - PPP là con đường tất yếu. Tỉnh đã bố trí nguồn vốn với tinh thần đáp ứng 100% yêu cầu về nguồn hỗ trợ xã hội hóa đầu tư. Theo đó, vốn đầu tư của Nhà nước sẽ mang tính kích hoạt nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra là các ngành, địa phương phải nắm bắt được lợi thế riêng của mình trong thu hút đầu tư, chủ động tìm kiếm, tiếp cận các doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn. Chỉ với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong xã hội hóa nguồn lực mới tạo được sức bật mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast