Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê Triển khai tiếp hay dừng?

L.T.S: Sau gần 2 năm triển khai bóc đất tầng phủ, năm 2011, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở huyện Thạch Hà buộc phải tạm dừng do phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội và cả tính khả thi. Từ đó đến nay, vấn đề dừng hay tiếp tục triển khai dự án vẫn chưa ngã ngũ.

Tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022, mỏ sắt Thạch Khê là một trong hai dự án được Bộ Chính trị yêu cầu trước năm 2030 phải hoàn thành việc đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH bền vững để xem xét. Trong chuyến thăm, làm việc tại Hà Tĩnh ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra thực địa vùng mỏ và nhấn mạnh: Dừng hay triển khai đều phải có cơ sở khoa học!

Để cung cấp thêm thông tin và góc nhìn đa chiều về dự án, Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, người trực tiếp tham gia nghiên cứu và tiếp cận nhiều tài liệu về dự án từ những ngày đầu đến nay.

Quá trình nghiên cứu đầu tư dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã có 3 lần phải dừng lại do Liên Xô tan rã, vấn đề kỹ thuật luyện kim và không đảm bảo thời hạn hợp đồng. Trong quá trình này cũng bộc lộ nhiều sai sót. Đặc biệt, việc khoan thăm dò nước ngầm đã được các chuyên gia khuyến cáo, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện…

Video: Giới thiệu về mỏ sắt Thạch Khê.

Ba lần dừng nghiên cứu đầu tư

Từ năm 1964, chuyên gia Nga (từ Nga dùng chung cho Liên Xô trước đây và Nga hiện nay) và Việt Nam phát hiện mỏ quặng sắt ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1978, chuyên gia Nga và Việt Nam đã tiến hành khoan 43.000m thăm dò địa chất. Năm 1985, hoàn thành báo cáo về trữ lượng và chất lượng quặng sắt.

Theo đó, mỏ quặng sắt ở Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chất lượng quặng có hàm lượng Fe cao, hàm lượng kẽm Zn quá cao (xấp xỉ 0,07%), trong khi quặng sắt khác thường có chứa Zn khoảng < 0,01%.

Năm 1987, Viện Khai thác mỏ GIPRORUĐA - TP Saint Petersburg (Nga) chủ trì cùng 2 viện luyện kim Nga và Ucraina lập báo cáo khả thi cho dự án xây dựng nhà máy luyện thép có công suất 1,5 - 2 triệu tấn/năm, sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê. Do Liên Xô rơi vào khó khăn và tan rã nên không tiếp tục Dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê (sau đây gọi tắt là dự án). Đây là lần thứ nhất dừng dự án (năm 1989-1990) và chưa tiến hành lập báo cáo khả thi cho dự án khai thác.

Từ năm 1990-1997, một số công ty của Đức, Nhật Bản, Úc, Mỹ… vào khảo sát. Công ty của Đức khoan 3.000m, đưa về Đức 62 tấn quặng và tiến hành phân tích, đánh giá. Mặc dù không có số liệu từ báo báo của Nga và Việt Nam về hàm lượng kẽm nhưng phía Đức cũng đã đánh giá và phát hiện trong quặng có hàm lượng Zn = 0,07%. Công ty khoan thăm dò của Đức cho rằng, loại quặng có hàm lượng kẽm như vậy không tương thích cho các lò cao ở các nước châu Âu, vì vậy họ đã dừng lại. Những công ty của các nước nói trên cũng không tiếp tục vì công nghiệp của họ chỉ luyện loại quặng có Zn < 0,01%... Đây là lần thứ 2 dừng nghiên cứu dự án (cuối năm 1997, đầu năm 1998) do công nghệ và các yếu tố kỹ thuật, hàm lượng kẽm trong quặng tại mỏ sắt Thạch Khê không phù hợp cho các lò cao ở châu Âu và các nước khác.

Mỏ sắt Thạch Khê nhìn từ ảnh vệ tinh.

Từ năm 1998-2001, các chuyên gia Nga và Việt Nam (Tổng Công ty Thép Việt Nam) đã tiến hành thu thập tài liệu. Đầu năm 2001, đoàn cán bộ Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thăm, làm việc với nhiều cơ sở ở Nga. Từ năm 2002-2004, Viện Các vấn đề điều khiển (IPU) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga chủ trì, cùng với GIPRORUĐA, Viện Luyện kim đen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện Tháo khô mỏ VIOGEM - TP Bengorod, Trung tâm Tuyển khoáng MEKHANOBR - TP Saint Petersburg là các cơ quan đã tham gia lập Báo cáo khả thi nhà máy thép năm 1987, thực hiện Hợp đồng lập báo cáo tiền khả thi cho Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, trong đó có việc lấy mẫu quặng từ mỏ Thạch Khê để tuyển và làm sắt xốp.

Do các số liệu ban đầu để lập báo cáo tiền khả thi chưa đủ (2 lần khoan do Nga và Đức thực hiện, số liệu phục vụ mục đích đánh giá trữ lượng và chất lượng quặng là chính); vì vậy, phía Nga đã đề nghị phía Việt Nam cung cấp hoặc cùng tiến hành khoan thăm dò nước ngầm, thăm dò caster để có số liệu cụ thể; phối hợp lập dự báo thị trường và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)… Tuy nhiên, phía Việt Nam cho rằng không đủ thời gian nên chưa tổ chức khoan. Theo đó, số liệu nước ngầm, caster được tính toán dựa trên cơ sở mô hình của các mỏ tương tự ở Nga.

Sau khi ký kết hợp đồng, báo cáo tiền khả thi được lập. Quá trình thẩm định, Ủy ban Xây dựng Nhà nước Nga cho rằng, báo cáo không có các mục như: đánh giá tác động môi trường, dự báo thị trường, số liệu về nước ngầm, caster; đồng thời khuyến cáo, để lập báo cáo khả thi cho dự án cần có số liệu để thực hiện 3 mục nêu trên…

Tháng 12/2006 - 12/2007, Viện Khai thác mỏ (Nga) chủ trì phối hợp với IPU, VIOGEM, MEKHANONR - CHLB Nga, Viện Khoa học Công nghệ mỏ và luyện kim VIMLUKI, Công ty Thiết kế cảng TEDI - Việt Nam đã lập báo cáo khả thi và được phía Việt Nam phê duyệt. Trong báo cáo khả thi lần này đã có phần dự báo thị trường, ĐTM, xây dựng cảng, nhưng phần khoan thăm dò nước ngầm và caster trong khu vực mỏ vẫn chưa được tiến hành, vẫn sử dụng số liệu từ mô hình năm 2002 và chỉ khoan ngoài biển để phục vụ việc xây cảng, lấn biển.

Trên công trường bóc đất tầng phủ mỏ sắt Thạch Khê. Tháng 9/2010

Tháng 3/2007, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập. Cũng trong năm này, TIC đã tiến hành bóc đất tầng phủ ở Thạch Khê rồi thực nghiệm chạy xe trên cát... Việc triển khai vội vàng này đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý nhất là TIC triển khai công việc khai thác khi chưa có thiết kế kỹ thuật, thậm chí chưa có báo cáo khả thi!.

Ngày 21/12/2017, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có văn bản khẳng định, với công nghệ của Formosa hiện tại thì không thể sử dụng nguyên liệu từ quặng sắt của mỏ sắt Thạch Khê

Từ tháng 10/2010, TIC ký hợp đồng với liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp VIMCC, thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - chủ đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Luyện kim VIMLUKI - Việt Nam và Viện Tháo khô mỏ VIOGEM - CHLB Nga để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho dự án. Công việc này được VIOGEM hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ cho phía Việt Nam vào tháng 10/2011; tuy nhiên, các phần việc còn lại không hoàn thành theo đúng thời hạn. Do hợp đồng lập thiết kế kỹ thuật bị dừng nên dự án cũng bị dừng lần thứ 3 (cuối năm 2011).

Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) do GS, TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch VUSTA dẫn đầu khảo sát hiện trường khu vực mỏ sắt Thạch Khê ngày 19/6/2017.

Cuối năm 2012, TIC đệ trình và thay đổi yêu cầu của dự án (gọi là dự án điều chỉnh), khác với dự án đã có báo cáo khả thi từ năm 2007; lập báo cáo khả thi mới của dự án điều chỉnh (do VIMCC và VIMLUKI thỏa thuận với TIC; không có phía Nga tham gia). Sau khi báo cáo khả thi mới được phê duyệt, VIMCC và VIMLUKI thực hiện tiếp việc lập thiết kế cho dự án điều chỉnh, trong đó lấy toàn bộ phần của VIOGEM cho thiết kế kỹ thuật của dự án cũ đưa vào. Về việc này, VIOGEM không đồng ý và đã có thư giải thích nếu lập thiết kế kỹ thuật mới cho dự án điều chỉnh thì phần công việc của VIOGEM sẽ thay đổi theo các mục và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, ý kiến này của VIOGEM không nhận được câu trả lời. Theo đó, phần thiết kế kỹ thuật của VIOGEM cho dự án cũ được các đơn vị liên quan “bê” vào dùng cho dự án điều chỉnh (!).

Cuối năm 2015, hồ sơ thiết kế kỹ thuật mới do VIMCC, VIMLUKI thực hiện hoàn thành và được Hội đồng thẩm định Nhà nước phê duyệt. Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định, đại diện VIOGEM đã phát biểu về việc dùng các kết quả của VIOGEM cho dự án cũ áp vào thiết kế kỹ thuật mới của dự án điều chỉnh là sai; tuy nhiên phát biểu này không nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi. Sau khi thiết kế kỹ thuật được thẩm định, quy trình cũng nghiễm nhiên được coi như làm đúng từ đầu, mà không đề cập đến các sai sót như: Báo cáo tiền khả thi được lập từ số liệu của mô hình; báo cáo khả thi vẫn thiếu khoan thăm dò nước ngầm, caster...

Đoàn công tác của Hội Kinh tế môi trường Việt Nam khảo sát thực địa khu vực mỏ sắt Thạch Khê (tháng 7/2022).

Những sai sót trong quá trình lập dự án

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê tháng 6/2022.

Từ nhiều năm nay, vấn đề triển khai hay dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhiều tranh luận, ý kiến. Như đã diễn giải ở phần trên, các giai đoạn của quy trình thực hiện đã xảy ra nhiều bất cập, sai sót. Xin hệ thống lại như sau:

Thứ nhất, khi làm báo cáo tiền khả thi: Không khoan thăm dò nước ngầm, không nghiên cứu caster; số liệu về thủy văn, nước ngầm chỉ là từ mô hình. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và dự báo khả năng tiêu thụ, sử dụng quặng cũng không được tiến hành (từ năm 2002 - 2004).
Thứ hai, khi làm báo cáo khả thi, phần dự báo, ĐTM, phía Việt Nam triển khai và phê duyệt, VIMLUKI là đơn vị thực hiện nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này (từ 12/2006 - 12/2007).
Thứ ba, khâu thiết kế kỹ thuật, phần khai thác, ổn định bờ moong chắp vá, chủ yếu là “cắt - dán” trong báo cáo khả thi của Nga (báo cáo chưa xong và dừng lại từ cuối năm 2011).
Thứ tư, quá trình lập báo cáo khả thi cho dự án hiệu chỉnh, trong một số khâu, hồ sơ ghi có chuyên gia nước ngoài nhưng thực tế họ không được tham gia; đơn cử như trường hợp phần tuyển của VIMLUKI...
Thứ năm, sai sót cơ bản nhất khi lập thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh là: thiết kế kỹ thuật phần tháo khô mỏ của Nga làm cho dự án (khai thác đồng bộ từ đầu đến cuối), được các đơn vị phía Việt Nam đem vào dùng cho dự án điều chỉnh là hai nội dung khác nhau, thiếu tính tổng thể. Quá trình thẩm định thì đơn vị thẩm định, hội đồng và các chuyên gia sau này luôn nghĩ là do phía Nga đã làm đúng yêu cầu. Phần tuyển của VIMLUKI cũng vậy, không có sự tham gia của chuyên gia Nga.

Một việc đặc biệt quan trọng khác là từ trước năm 2002 cho đến suốt quá trình nghiên cứu, các chuyên gia Nga, Việt Nam và thẩm định viên của Đức... đều khuyến cáo cần khoan thăm dò nước ngầm, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Cùng với đó, thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh (như đã phân tích ở trên) có thể nói là không có giá trị khoa học...

Hoang mạc hóa ngày càng chèn lấn cuộc sống của người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê

Cán bộ xã Thạch Khê và thôn Thanh Lan kiểm tra tình hình sạt lở bờ mong mỏ sắt Thạch Khê.

Vướng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê nên các nhà hàng dọc bãi biển Thạch Hải chỉ mang tính thời vụ...

Người dân các xã bị ảnh hưởng sống lam lũ trong khổ cực, thiếu thốn đủ bề suốt thời gian dài.

Năm 2010, Tập đoàn Kobe của Nhật Bản được cấp phép đầu tư Nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam. Năm 2013-2014, Tập đoàn Kobe đã thuê tư vấn là Công ty SRK Consulting Pty Ltd (công ty tư vấn của Úc) nghiên cứu khả năng khai thác mỏ Thạch Khê. Trên cơ sở tài liệu do Kobe cung cấp từ nguồn của TKV, các tài liệu của Nga về mỏ sắt Thạch Khê, các thông tin về địa chất, tài nguyên, địa chất thuỷ văn và các lĩnh vực môi trường..., Công ty SRK đã tiến hành đánh giá và đưa ra kết luận: “Dựa trên việc xem xét lại Phân tích những tồn tại đã được thực hiện trên các tài liệu do Kobe cung cấp, SRK khuyến nghị rằng nên đưa Dự án Thạch Khê trở lại mức nghiên cứu tiền khả thi (PFS).”