Nguồn lực lớn từ đầu tư nước ngoài vào địa bàn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Phát triển kinh tế đối ngoại cùng với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã giúp Hà Tĩnh mở rộng cánh cửa thu hút nguồn lực lớn từ các kênh vốn đầu tư nước ngoài. 5 năm qua, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thắt chặt đầu tư công, tổng vốn đầu tư xã hội ở Hà Tĩnh tăng 8,5 lần so với 5 năm trước và nguồn đầu tư từ nước ngoài chiếm trên 75% là con số minh chứng cho những chiến lược đối ngoại kinh tế, xúc tiến đầu tư của Hà Tĩnh.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2015 - 2020 (bài 33):

>> Hà Tĩnh vươn ra biển lớn

Nguồn lực lớn từ đầu tư nước ngoài vào địa bàn Hà Tĩnh ảnh 1
Tuyến đường giao thông nội đồng tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên do Cơ quan phát triển Canada tài trợ.

“Trải thảm đỏ” bằng chính sách cởi mở

Chiến lược kinh tế đối ngoại của Hà Tĩnh được gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cùng với ban hành và triển khai những chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư. Triển khai Đề án số 25/ĐA-UBND ngày 25/1/2013 của UBND tỉnh về tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, các nhóm giải pháp đã tập trung cho việc cải thiện môi trường đầu tư với quan điểm Hà Tĩnh sẵn sàng “trải thảm đỏ” đón đối tác.

Theo đó, “tỉnh đã tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính; ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách; từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; đảm bảo ổn định chính trị, xã hội để nhà đầu tư yên tâm khi đến với Hà Tĩnh” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT) Nguyễn Phùng Quang cho biết.

Đồng hành với nhà đầu tư để đi đến kết quả cuối cùng của đối ngoại kinh tế, tỉnh ta đã kiên trì và quyết liệt trong quá trình GPMB, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng các chính sách ưu đãi và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. “Chính sách Hà Tĩnh luôn có sự ưu đãi tối đa cho các nhà đầu tư như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN)... Tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý giải quyết mặt bằng sạch cho DN, trong đó, các dự án lớn được ưu tiên. Đối với các thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện tối đa về mặt thủ tục với quan điểm phục vụ DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận, tranh thủ các nguồn đầu tư ODA, NGO cũng đồng thời được quan tâm nhằm thu hút các nguồn lực cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện hạ tầng vùng khó khăn, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho người nghèo. “Các nhà tài trợ đặc biệt quan tâm đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và năng lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ dự án. Hà Tĩnh đã thuyết phục được các nhà tài trợ bởi sự đồng hành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ngay từ khi lập dự án đến suốt quá trình thực hiện và tính chuyên nghiệp cao của đội ngũ cán bộ trong việc đảm bảo tính hiệu quả và mục tiêu xuyên suốt của mỗi dự án” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển khẳng định.

Nguồn lực lớn từ đầu tư nước ngoài vào địa bàn Hà Tĩnh ảnh 2
Dấu ấn rõ nét của bức tranh đầu tư nước ngoài đó là dự án FDI lớn nhất Việt Nam - Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa Đài Loan đã hoàn thành giai đoạn 1 theo đúng tiến độ cam kết. Trong ảnh là trên công trường lò cao số 1 Dự án Formosa

Hút nguồn lực lớn

Nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công, Hà Tĩnh vẫn huy động được tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội gần 290.000 tỷ đồng, tăng 24,74% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng 75,79% chính là nguồn lực quyết định cho sự bứt phá trong phát triển KT-XH của tỉnh. 5 năm qua, Hà Tĩnh đã thu hút được 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng nguồn vốn đạt 175.682 tỷ đồng. Hà Tĩnh được xếp thứ 6 trong cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đã mời gọi được các nhà đầu tư đến từ 11 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Dấu ấn rõ nét của bức tranh đầu tư nước ngoài đó là dự án FDI lớn nhất Việt Nam - Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA Đài Loan đã triển khai đồng loạt các hạng mục và chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 1 theo đúng tiến độ cam kết. Từ dự án “lõi” này, KKT Vũng Áng đang dần phát triển thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nơi có cảng biển nước sâu và trung tâm công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo là luyện thép và nhiệt điện. Ở đây đang thu hút 400 DN với tổng vốn đăng ký gần 17 tỷ đô la, thu hút hơn 40.000 lao động thuộc 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trong cả nước. Trong giai đoạn 2011-2014, khu kinh tế này đã nộp ngân sách 14.526 tỷ đồng và dự kiến năm 2015 là trên 10.000 tỷ đồng. Môi trường xây dựng, SXKD sôi động ở đây đã lan tỏa, tác động đến tất cả các lĩnh vực KT-XH trên toàn tỉnh, là đầu tàu tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh.

Song song với thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, 4 năm qua, tỉnh ta đã tranh thủ được nguồn viện trợ ODA khá lớn mặc dù kênh vốn này đang dần thu hẹp ở Việt Nam. Giai đoạn 2011-2014, Hà Tĩnh đã thu hút hơn 30 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động. Các tổ chức đã tài trợ trên 260 chương trình, dự án, chủ yếu đầu tư các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, môi trường, chống biến đổi khí hậu và viện trợ khẩn cấp.

“Nguồn đầu tư ODA hơn 2.000 tỷ đồng dành cho các dự án ở lĩnh vực nông nghiệp trong 5 năm qua đã ưu tiên cho những vùng khó khăn, hướng tới cộng đồng, vì phúc lợi xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo sự đồng đều giữa các vùng miền, đưa nền KT - XH tỉnh nhà phát triển bền vững - Trưởng ban Quản lý các dự án ODA ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast