Việt Nam là “thỏi nam châm” hút FDI ở ASEAN

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar năm ngoái tăng đến 38%, minh chứng cho việc các công ty đa quốc gia rõ rành đã nhìn thấy được các cơ hội đầu tư ở thị trường AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN), Nikkei trích dẫn một báo cáo mới ra, cho biết.

viet nam la thoi nam cham hut fdi o asean

Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, phụ trợ cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Tuy vậy, theo Nikkei, bức tranh tổng thể vẫn kém phần tươi sáng.

Báo cáo Đầu tư ASEAN 2016 (ASEAN Investment Report 2016) vừa được Ban thư ký ASEAN cùng Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) 2016 được tổ chức vào hôm qua (6/9) tại Lào, cho biết: tổng vốn FDI đổ vào khối ASEAN năm 2015 đã giảm 8% so với năm trước đó, xuống mức 120 tỷ USD. Đầu tư từ khối Liên minh châu Âu (EU) giảm 20%, xuống chỉ còn 20 tỷ USD. Con số này từ Mỹ là 12,2 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2014.

viet nam la thoi nam cham hut fdi o asean

Giám đốc đầu tư James Zhan của UNCTAD công bố Báo cáo Đầu tư ASEAN 2016 tại Vientiane, Lào vào hôm qua. (Ảnh: Nikkei)

Nhìn vào mặt tích cực, nguồn vốn FDI vào ASEAN từ các nước như Nhật Bản đã tăng 11% trong năm ngoái, lên 17,4 tỷ USD, Trung Quốc là 8,2 tỷ USD, tăng 17%. Trong khi vốn FDI từ Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng nhất, với 107%, lên 1,3 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất được nhìn thấy ở nhóm 4 quốc gia CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), với 38%. Tổng nguồn vốn FDI đổ vào nhóm CLMV trong năm 2015 là 17,4 tỷ USD, từ mức 12,6 tỷ USD năm 2014. Tỷ trọng FDI của nhóm CLMV trong khu vực tăng từ mức 10% năm 2014, lên 14% năm 2015.

Việt Nam dẫn đầu nhóm 4 nước CLMV, sau khi thu hút được 11,8 tỷ USD giá trị các khoản đầu tư từ nước ngoài trong năm ngoái, tăng 28%. Myanmar theo sau với 2,8 tỷ USD, tăng 211%. Lào tăng 71%, đạt mức 1,2 tỷ USD. Vốn FDI đổ vào Campuchia trong năm ngoái tiếp tục “đi ngang”, duy trì ở mức 1,7 tỷ USD.

Báo cáo của ASEAN hôm qua cũng lưu ý đến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong các khoản đầu tư từ các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam những năm vừa qua, dẫn đầu bởi các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và LG.

“Để tiếp tục giảm chi phí của các bộ phận cũng như đầu vào sử dụng trong những chiếc điện thoại di động, Samsung khuyến khích các công ty con và các doanh nghiệp gia công Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, hoạt động gần các nhà máy lắp ráp của hãng” báo cáo cho biết.

Samsung cũng đang ra sức lôi kéo các doanh nghiệp ngoài Hàn Quốc, như các nhà cung cấp đến từ Nhật Bản, Đức, Anh cũng như các công ty Việt Nam, mạnh dạn đầu tư vào đất nước này. Báo cáo của ASEAN cho biết: “Ít nhất 97 công ty ở Việt Nam đang cung cấp các linh kiện và phụ tùng cho Samsung”.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Nikkei Asian Review.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast