Đà chiến thắng của Donald Trump bắt đầu đổi chiều?

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo các ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng tránh gây căng thẳng khi tranh cử, không lăng mạ và chắc chắn không nên viện tới bạo lực chống lại những người Mỹ khác. Phát biểu của ông Obama đưa ra sau khi xung đột nổ ra giữa những người ủng hộ và phản đối ông trong một cuộc vận động tranh cử ở Chicago hôm 12.3.

Chia rẽ và xung đột

Phát biểu tại một cuộc gây quỹ của đảng Dân chủ ở Dallas hôm 12.3, ông Obama cho rằng các ứng cử viên "cần tập trung làm sao để việc tranh cử trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải lăng mạ hoặc đe dọa tại các cuộc tranh cử, cũng không tạo ra các sự cố, không chia rẽ theo chủng tộc và lòng tin". Không chỉ có Tổng thống Obama tỏ ra lo ngại với sự cạnh tranh khi tranh cử khiến các ứng cử viên có thể có những phát biểu cực đoan, nhất là tỷ phú bất động sản Donald Trump. Nhiều đối thủ của ông Trump cùng những người khác đã cáo buộc ông sử dụng những từ ngữ đễ gây bùng nổ.

Xung đột tại cuộc vận động tranh cử của Trump ở Chicago hôm 11.3 nổ ra hơn một tiếng đồng hồ trước khi sự kiện chính thức bắt đầu, và tiếp tục cho tới khi cuộc mít tinh bị buộc phải hủy do các quan ngại về an toàn - theo giải thích của ekip Donald Trump. Ngày tiếp theo 12.3, Trump vận động ở Ohio, một trong những bang chủ chốt sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào 15.3. Sự cố cũng xảy ra tại cuộc vận động này khi một người đàn ông tìm cách vượt qua hàng rào an ninh và chạy lên sân khấu Trump đang đứng.

Anh ta nhanh chóng bị khống chế, bị bắt giữ và cáo buộc gây mất trật tự, hành xử gây sợ hãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Trump đã gây nhiều tranh cãi khi đi vận động cử tri. Ông có quan điểm chống người nhập cư một cách mạnh mẽ và hứa xây một bức tường dọc theo biên giới với Mexico để chống nhập cư bất hợp pháp. Bình luận về quan hệ giữa người Hồi giáo và nước Mỹ đầu tuần trước, ông nói: "Hồi giáo ghét chúng ta".

Xung đột tại cuộc mít tinh của Trump ở Chicago.

Xung đột tại cuộc mít tinh của Trump ở Chicago.

Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News sau khi sự kiện tranh cử ở Chicago bị hủy, ngôi sao truyền hình thực tế đã phủ nhận việc ông xúi giục sự chia rẽ: "Tôi đại diện cho một nhóm lớn những người có nhiều bất bình. Có sự giận dữ mạnh mẽ ở cả hai phía". Ông cũng chống chế rằng thực ra đã có một âm mưu được lên kế hoạch đe dọa đến an toàn của ông tại cuộc tranh cử ở Chicago chứ không chỉ đơn giản là xung đột giữa những người ủng hộ và phản đối ông. Ông cáo buộc những người phản đối quấy rối người ủng hộ ông, chà đạp quyền được lên tiếng của ông, thậm chí dọa sẽ kiện họ.

Không rõ có phải những phát biểu gây chia rẽ của Trump khiến đường đi nước bước của ông bắt đầu không thuận lợi? Đà chiến thắng của ông liệu có bắt đầu đổi chiều khi tối 12.3, ông thua nặng trong các đại hội chọn ứng viên của đảng Cộng hòa ở Washington DC và bang Wyoming? Tuy nhiên ông vẫn giành thắng lợi ở lãnh thổ Guam của Mỹ.

Trump có thể gây "xung đột giữa các nền văn minh"

Các sự cố tại những cuộc tranh cử gần đây nhất của Trump đã khiến nhiều người lo ngại. Thống đốc Ohio John Kasich nói rằng tỷ phú bất động sản đã tạo ra một "môi trường độc hại": "Không có chỗ cho một nhà lãnh đạo quốc gia giày vò trên nỗi sợ hãi của những người sống ở đất nước chúng ta". Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói ông dự định ủng hộ người được chỉ định, nhưng "mỗi ngày lại thấy khó khăn hơn".

Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz cáo buộc Trump "tạo ra một môi trường chỉ khuyến khích kiểu nói chuyện bẩn thỉu", và kêu gọi các ứng cử viên "đem thông điệp thống nhất đưa chúng ta lại gần nhau hơn là chia rẽ", "thay vì thổi bùng lên sự thù hận, chúng ta nên đưa mọi người lại gần nhau". Từ phe đối lập, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders - người bị Trump cáo buộc rằng những người ủng hộ ông Sanders đã tham gia gây sự ở cuộc tranh cử tại Chicago, đã lên tiếng bảo vệ những người ủng hộ ông: "Những gì người ủng hộ của chúng tôi phản ứng là với một ứng cử viên mà thực tế đã khuyến khích bạo lực theo nhiều cách".

Thậm chí, từ các nước, cũng có nhiều người lên tiếng quan ngại về ứng cử viên đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua của đảng Cộng hòa. Hôm 11.3, Trung tướng Dhahi Khalfan, quan chức an ninh hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, cảnh báo rằng sẽ có "sự xung đột giữa các nền văn minh" nếu Trump trở thành tổng thống và khi ấy ông sẽ đối mặt với lãnh đạo nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi.

Báo chí trong khu vực cũng chỉ trích bình luận của ông Trump về Hồi giáo tuần trước. Tờ Daily Star của Lebanon nói rằng, ý nghĩ "một người không có hiểu biết về địa lý, lịch sử và thần học lại có thể vươn tới Phòng Bầu Dục thật đáng sợ và vô cùng đáng lo ngại". "Một Nhà Trắng của Trump có thể gây hại với người dân Mỹ, nhưng với tư cách là tổng chỉ huy của đất nước quyền lực nhất thế giới, tầm với của ông ấy sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người khác" - tờ báo nhấn mạnh.

Trước đó, Reuters hôm 7.3 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cũng cho biết, nhiều nhà ngoại giao từ Châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Á đã nhiều lần than phiền với các đồng nghiệp Mỹ một cách không chính thức về những phát biểu "đầy thù hằn" và "mang tính khiêu khích" của nhà tỷ phú Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết, việc các nhà ngoại giao các nước tỏ ra lo ngại, dù chỉ là trao đổi riêng về một ứng cử viên đang tranh cử là điều rất hiếm xảy ra. Nhiều người Mỹ lo rằng Mỹ sẽ ngày càng bị cô lập nếu Trump lên nắm quyền, và lo ngại về viễn cảnh "nước Mỹ chỉ lo lắng cho lợi ích của mình" - một quan chức NATO nói với Reuters.

Theo Lao động

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast