Hết xăng, Sri Lanka hủy họp Quốc hội để hạn chế đi lại không cần thiết

Ngày 23-6, các quan chức Chính phủ Sri Lanka cho biết Quốc hội nước này đã hủy các cuộc họp còn lại trong tuần để tiết kiệm nhiên liệu.

Hết xăng, Sri Lanka hủy họp Quốc hội để hạn chế đi lại không cần thiết

Người và xe xếp hàng dọc một con phố để chờ mua xăng dầu của tập đoàn xăng dầu Ceylon ở Pugoda, Sri Lanka ngày 23-6 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, Sri Lanka đang gặp khủng hoảng kinh tế thảm khốc, nguồn cung xăng dầu vốn đã khan hiếm của quốc đảo này hiện hầu như cạn kiệt.

Thiếu ngoại tệ nghiêm trọng khiến các nhà nhập khẩu không còn khả năng trả tiền mua thực phẩm, xăng dầu và thuốc men. Trong khi đó lạm phát tăng cao và tình trạng mất điện thường xuyên đã khiến cuộc sống của 22 triệu dân ở Sri Lanka - quốc gia Nam Á trở nên khốn khổ.

Các nhà lập pháp đã quyết định không tổ chức các phiên họp còn lại trong tuần, các ngày 23 và 24-6 để tránh sử dụng xăng dầu không cần thiết. Trước đó, nhà chức trách cũng cho đóng cửa trường học và một số cơ quan chính quyền địa phương vì lý do tương tự.

Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết lô hàng xăng dầu lẽ ra sẽ cập cảng trong ngày 23-6 đã đến trễ. Ông kêu gọi những ai có xe nên cắt giảm việc đi lại để giảm bớt nhu cầu về nhiên liệu.

Trả lời các phóng viên ở Colombo, ông nói: “Chỉ một lượng xăng có hạn sẽ được phân phối tới các cây xăng trong hôm nay (23-6) và ngày mai (24-6), trong khi đó có rất nhiều người đã xếp hàng chờ nhiều ngày để đổ xăng”.

Ngày 22-6, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết nền kinh tế của nước này đã đến mức “sụp đổ hoàn toàn”.

“Chúng ta đang đối diện với một tình huống nghiêm trọng hơn rất nhiều việc bị thiếu nhiên liệu, khí đốt, điện và thực phẩm”, ông Wickremesinghe nói. Sri Lanka đã vỡ nợ khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD vào tháng 4-2022 và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế để xin một gói cứu trợ. Có thể cần vài tháng thì khoản tiền này mới được thông qua.

Ngoài ra, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản để thu hút thêm tài trợ từ nước ngoài nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Theo Báo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast