Thủ tướng Thụy Điển từ chức

Thủ tướng Magdalena Andersson tuyên bố từ chức sau khi thừa nhận đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền thất bại trong cuộc tổng tuyển cử.

Thủ tướng Thụy Điển từ chức

Thủ tướng Magdalena Andersson phát biểu trong cuộc họp báo ở Stockholm ngày 14/9. Ảnh: AFP

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 14/9 thông báo từ chức sau khi phe cực hữu giành chiến thắng sít sao trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần trước. “Ngày mai tôi sẽ nộp đơn từ chức, trách nhiệm tiếp tục quá trình chuyển đổi sẽ được dành cho chủ tịch quốc hội”, bà nói.

Phe cánh hữu và cực hữu đối lập giành được 176 trong tổng số 349 ghế quốc hội Thụy Điển, một phần nhờ sự gia tăng số lượng người theo đảng Dân chủ Thụy Điển (SD), trong khi phe trung tả của Thủ tướng Andersson có 173 ghế.

Trong bài đăng trên Facebook ngày 14/9, lãnh đạo SD Jimmie Akesson cảm ơn “những người bạn” khắp đất nước, lưu ý quá trình đàm phán thành lập chính phủ mới sẽ cần nhiều thời gian. “Công việc làm Thụy Điển vĩ đại trở lại bắt đầu từ bây giờ”, ông nói.

Đảng SD có quan điểm chống nhập cư và dân tộc chủ nghĩa, là đảng lớn thứ hai của Thụy Điển sau đảng Dân chủ Xã hội nắm quyền từ những năm 1930.

Vị trí thủ tướng nhiều khả năng sẽ thuộc về lãnh đạo đảng Ôn hòa Ulf Kristersson, vì lãnh đạo SD Jimmie Akesson không thể thống nhất cả 4 đảng để trở thành người đứng đầu chính phủ.

“Tôi sẽ bắt đầu thành lập một chính phủ mới và mạnh mẽ”, ông Kristersson nói trong video đăng trên Facebook, tuyên bố sẽ xây dựng một chính phủ vì Thụy Điển và mọi công dân. “Xã hội đang tồn tại nỗi thất vọng lớn, nỗi sợ bạo lực, lo ngại về nền kinh tế, trong khi thế giới bất ổn, còn phân cực chính trị trong nước quá lớn. Thông điệp của tôi là đoàn kết, không chia rẽ”, ông nói.

Thủ tướng Thụy Điển từ chức

Lãnh đạo đảng Ôn hòa Ulf Kristersson. Ảnh: Postsen.

Thụy Điển có 8 chính đảng có đại diện trong quốc hội, gồm 4 đảng cánh hữu và cực hữu là Ôn hòa, Dân chủ Thụy Điển, Dân chủ Cơ đốc giáo và Tự do. Phe trung tả gồm 4 đảng là Dân chủ Xã hội, Trung tâm, Cánh tả, đảng Xanh.

Đảng Dân chủ Thụy Điển nổi lên từ phong trào “Giữ Thụy Điển cho người Thụy Điển” đầu những năm 1990. Đảng này được bầu vào quốc hội năm 2010 với 5,7% số phiếu, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong mỗi cuộc bầu cử với nỗ lực thúc đẩy hình ảnh.

Lập trường cứng rắn của SD với những vụ xả súng băng đảng đã tạo tiếng vang cho đảng trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, chiến thắng với tỷ lệ sít sao đồng nghĩa chính phủ cánh hữu sẽ nắm quyền lực rất mong manh.

Theo Hồng Hạnh/VnExpress (Reuters/AFP)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast