Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân "kêu cứu"!

(Baohatinh.vn) - Vừa qua, một số hộ dân ở tổ dân phố 10, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) “kêu cứu” khi bị thu hồi nhiều héc-ta đất để xây hồ điều hòa Bắc Hồng nhưng không nhận được bất cứ một khoản đền bù, hỗ trợ nào - dù đây là diện tích họ khai hoang hơn 30 năm trước...

Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân “kêu cứu”!

Theo ông Phan Đình Dạ, những cây mít người lớn ôm không xuể này đã được gia đình trồng cách đây trên 30 năm sau khi vào đây khai hoang lập trại.

Ông Phan Đình Dạ (SN 1942) phản ánh: “Năm 1978, tôi đến khu vực này khai hoang để làm lán trại phát triển kinh tế và đến năm 1982 thì dựng nhà ở đây. Toàn bộ diện tích này gia đình tôi sử dụng ổn định, không tranh chấp và được UBND thị trấn khi đó cho phép nhưng do quá lâu nên giấy tờ bị hư hỏng, thất lạc.

Khi kiểm kê, gia đình tôi có khoảng 4 ha đất trồng cây ăn quả, keo, bạch đàn... nhưng họ chỉ đo phần vườn có hàng rào bảo vệ trâu bò nên chỉ được 1,3 ha. Ngày 9/8/2018, phường Bắc Hồng có thông báo yêu cầu di dời, thu dọn mà không đền bù bất cứ một đồng nào vì cho rằng đây là đất do phường quản lý...”.

Trước tình hình này, ông Dạ bức xúc: "Công sức bỏ ra khai hoang hàng chục năm nay, toàn bộ tài sản, thu nhập đều nằm ở đây cả. Bây giờ bảo thu hồi mà không đền bù thì chúng tôi biết ở đâu, đi đâu và sinh sống bằng gì? Hơn nữa, giờ con cái đã ở riêng, hai vợ chồng thì đã gần 80 tuổi, vợ tôi lại tai biến phải đi xe lăn, bây giờ bị chặt phá, thu hồi hết như thế liệu đã hợp lý, hợp tình?".

Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân “kêu cứu”!

Ông Phan Đình Dạ chỉ ranh giới phân định phần đất khai hoang, sử dụng hợp pháp gần 40 năm nay của gia đình ông, nay bị dự án thu hồi mà không đền bù.

Tương tự, ông Phan Đình Thám cũng rất bức xúc: "Tôi và anh trai là Phan Đình Thịnh bị thu hồi 11.500 m2 đất và nhiều cây cối để làm hồ điều hòa, trong đó của tôi là 3.500 m2. Đây là diện tích đã được khai hoang cùng thời điểm với ông Dạ và hiện vẫn còn đơn xin khai hoang có xác nhận, đồng ý của ông Chủ tịch UBND thị trấn Hồng Lĩnh tại thời điểm năm 1982.

Những lần trước, khi lấy đất ở khu vực này để làm đường, làm bãi để xe, chúng tôi vẫn được đền bù. Nhưng dự án này, khi về kiểm đếm, chúng tôi không được thông báo, chỉ khi bàn giao mặt bằng thì mới kêu chúng tôi ra và nói đây là đất của phường, không đền bù nên chúng tôi không đồng ý...".

Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân “kêu cứu”!

Khu vực trước đây phân chia ranh giới phần đất giữa hộ ông Phan Đình Dạ với ông Phan Đình Thám, nay đã bị đơn vị thi công san ủi.

Làm việc với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng tỏ ra “tiền, hậu bất nhất”. Ban đầu, vị này nói qua các văn bản, tài liệu có liên quan để khẳng định là đất của phường quản lý; nhưng ngay sau đó lại thừa nhận rằng “qua thực tế hiện trường và trao đổi với những người lãnh đạo tiền nhiệm thì các hộ này đã vào ở từ hàng chục năm nay và chắc chắn là trước những năm 1993, không có tranh chấp”.

Khi được hỏi về cơ sở xác lập quyền quản lý của địa phương, ông Toàn đưa ra hợp đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng giữa ông Dạ với Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh?!

Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân “kêu cứu”!

Căn nhà kiên cố được vợ chồng ông Phan Đình Dạ làm cách đây 20 năm, hiện đã bị cô lập hoàn toàn do xây dựng công trình hồ điều hòa nhưng vẫn không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào.

Nói về hợp đồng giao khoán này, ông Dạ khẳng định: "Ngày 22/4/1994, tôi có hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh nhận bảo vệ hơn 300 cây bạch đàn, nay cây đã chặt bán từ lâu chứ không phải nhận giao khoán rừng và cũng không ghi diện tích bảo vệ, chỉ ghi số lượng cây. Một số cán bộ lâm trường thời đó cũng đã chứng nhận cho tôi đã vào ở tại đây 12 năm rồi mới ký hợp đồng bảo vệ cây với Ban. Mặt khác, tại cuộc họp ngày 6/8/2018, đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ cũng khẳng định phần đất của chúng tôi là đất khai hoang, sản xuất, không do đơn vị quản lý...".

Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân “kêu cứu”!

Phần xác nhận của Chủ tịch UBND thị trấn Hồng Lĩnh cho hộ ông Phan Đình Thám khai hoang năm 1982, khi đó chính quyền thị trấn mới thành lập, chưa có con dấu...

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đình Thám cho biết thêm: “Tại thời điểm năm 1994, chúng tôi có được mời lên ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp nhưng chúng tôi không ký. Vì chúng tôi là đất khai hoang, đã được chính quyền chấp thuận, đất đó đã là tài sản của chúng tôi nên chẳng có lý do gì để ký hợp đồng nhận khoán.".

Để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi đã liên lạc và đề xuất làm việc với ông Nguyễn Thái Diễn - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Hồng Lĩnh (người trực tiếp phụ trách công tác đền bù, GPMB của dự án) nhưng vị này tỏ ra lo lắng và tìm cớ thoái thác...

Không được đền bù khi bị thu hồi đất, người dân “kêu cứu”!

Đơn vị thi công đang triển khai xây dựng các hạng mục của dự án này...

Dự án hồ điều hòa Bắc Hồng được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt theo Quyết định số 1702 ngày 11/4/2018, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng & công nghiệp Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện trên phần diện tích 4,83 ha, có 7 hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng. Ngày 30/8/2018 đã bắt đầu triển khai xây dựng...

Chủ đề Giải phóng mặt bằng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast