Người dân cần một lối đi

(Baohatinh.vn) - Dự án nâng cấp QL 15A đoạn từ TP Hà Tĩnh đến xã Phúc Đồng (Hương Khê) có chiều dài 33 km được khởi công từ cuối năm 2010 với tổng mức đầu tư 680 tỷ đồng. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng đã nối liền huyết mạch giao thông từ thành phố với các địa bàn phía Tây của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.

Tuy nhiên, do yêu cầu kỹ thuật, một số đoạn trên tuyến đường này được hạ cốt, dẫn đến tình trạng nhà ở của một số hộ dân ở xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) rơi vào tình trạng “chênh vênh” trên vách núi. Mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các cấp, ngành liên quan có phương án giải quyết, hỗ trợ người dân nhưng xem ra, tất cả vẫn phải “chờ”.

Trong quá trình thi công, cốt đường được hạ xuống nên hiện nay, sân vườn nhà của một số hộ dân cao hơn mặt đường hơn 3m
Trong quá trình thi công, cốt đường được hạ xuống nên hiện nay, sân vườn nhà của một số hộ dân cao hơn mặt đường hơn 3m

Ngôi nhà của gia đình ông Dương Quốc Hồng ở xóm 3, xã Ngọc Sơn trước đây nằm ngang với mặt đường cũ, có cửa ngõ ngay sát mép hành lang. Trong quá trình thi công, cốt đường được hạ xuống nên hiện nay, sân vườn nhà ông Hồng cao hơn mặt đường hơn 3m, muốn vào nhà chỉ có cách “bắc thang lên trời”. Trước thực trạng đó, từ giữa năm 2013, ông Dương Quốc Hồng đã làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện Thạch Hà (đơn vị thực hiện tiểu dự án GPMB quốc lộ 15A thuộc địa bàn huyện - P.V) đề nghị xem xét, hỗ trợ.

Trên cơ sở đơn kiến nghị của ông Dương Quốc Hồng, Sở GTVT (đại diện chủ đầu tư) đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND huyện Thạch Hà và UBND xã Ngọc Sơn nhiều lần tổ chức kiểm tra thực địa, thống nhất phương án xử lý. Tại địa bàn xóm 3, ngoài hộ ông Dương Quốc Hồng còn có 3 hộ là bà Nguyễn Thị Hiệp, ông Võ Trọng Thuận và Võ Hồng Tuyên cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Xét đề nghị của UBND huyện Thạch Hà và ý kiến đề xuất của Sở GTVT, ngày 27/2, UBND tỉnh đã có Công văn số 704/UBND-GT1: đồng ý chủ trương hỗ trợ kinh phí để vuốt nối đường bê tông lên xuống cho các hộ nêu trên (chiều rộng 3m) từ nguồn kinh phí GPMB của dự án. Đồng thời, giao trách nhiệm cho: “UBND huyện Thạch Hà chỉ đạo Hội đồng bồi thường, GPMB huyện phối hợp với chính quyền địa phương tính toán kinh phí hỗ trợ, trình thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định”.

Thế nhưng, sau gần 2 tháng, việc hỗ trợ vuốt nối đường bê tông lên xuống cho các hộ dân này vẫn chưa được triển khai. Ông Dương Quốc Hồng trình bày: Mấy năm nay gia đình không có lối đi, phải đi đường vòng qua một phần đất của người khác, nay nghe nói có hỗ trợ làm đường vuốt nối mà mãi chẳng thấy đâu. Khoảng cách từ nhà ra đến hành lang quốc lộ 15A chỉ hơn 8m trong khi chiều cao là 3,5m, không biết khi làm đường vuốt nối với độ dốc như thế có đi lại được không. Ông Hồng mong muốn: Các cấp, ngành cần xem xét, có cơ chế hỗ trợ cho gia đình ông được san ủi, bóc đất vườn làm lại căn nhà khác để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Ngô Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, GPMB dự án nâng cấp QL 15A huyện Thạch Hà cho biết: Nhiệm vụ của huyện là GPMB trong mốc do chủ đầu tư bàn giao. Nhà ông Dương Quốc Hồng không thuộc diện GPMB nên không bồi thường, di dời, giải tỏa. Lẽ ra trách nhiệm chính trong việc xem xét, thực hiện hỗ trợ cho các gia đình nói trên thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư vì không nằm trong mốc GPMB. Ông Ngô Văn Tân thừa nhận phần lỗi trong việc chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ làm đường vuốt nối. Nguyên nhân là do chưa có nguồn kinh phí và huyện đã có công văn xin ý kiến của UBND tỉnh cho hỗ trợ bằng tiền nhưng chưa thấy trả lời.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tùng - Giám đốc BQL dự án xây dựng giao thông, Sở GTVT cho biết: Việc vuốt nối đường bê tông lên xuống là khả thi và nguồn hỗ trợ sẽ được lấy từ kinh phí GPMB. Vấn đề là đến nay, huyện Thạch Hà chưa thực hiện trách nhiệm tính toán kinh phí, trình hồ sơ để Sở thẩm định, đề xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chủ trương đã thống nhất, trách nhiệm và giải pháp xử lý đã được giao, thế nhưng, đến thời điểm này, các hộ nói trên vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng để làm đường vuốt nối. Điều ông Dương Quốc Hồng và một số hộ dân mong mỏi là các cấp, ngành cần xem xét, tính toán lại để có cơ chế, chính sách hợp lý hơn, tạo điều kiện cho họ được di dời, sửa chữa lại nhà để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast