Nhiều khúc mắc trong đền bù đất ở Tân Lộc

(Baohatinh.vn) - Theo phản ánh của bà Phan Thị Lê (xóm Tân Thượng, xã Tân Lộc - Lộc Hà) thì từ năm 2009, sau khi việc chuyển đổi ruộng đất lần 2 hoàn thành, gia đình bà canh tác trên 3 thửa đất tại xứ Con Đầu với diện tích hơn 4 sào. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi chính quyền xã tiến hành thu hồi diện tích đất để phục vụ việc xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn thì bà Lê lại không được đền bù với lý do diện tích đất trên không thuộc quyền sở hữu của bà Lê mà thuộc về một người khác.

Nhiều khúc mắc trong đền bù đất ở Tân Lộc ảnh 1

Diện tích đất bà Lê canh tác từ năm 2009 đến nay đã bị thu hồi để làm trang trại chăn nuôi

Theo tờ bản đồ số 9 về địa điểm vùng đất Con Đầu (xã Tân Lộc) thì 3 thửa đất của bà Lê đang canh tác từ sau chuyển đổi ruộng đất lần 2, năm 2009 là thửa 71, diện tích 605,3 m2; thửa 73 diện tích 452,6 m2; thửa 75 diện tích 1.004,5 m2, tất cả đều thuộc đất bù hệ K (loại đất mà trong quá trình chuyển đổi ruộng đất, những hộ nào nhận phải vùng đất xa, xấu, khó sản xuất thì hội đồng chuyển đổi đất của xóm sẽ bù thêm diện tích đất cho hộ đó. Đất hệ K do hội đồng chuyển đổi đất tự quyết định).

Theo lý giải của bà Phan Thị Lê thì khi chia ruộng đất lần 2, người đứng tên là chồng bà - ông Nguyễn Đình Tuấn được nhận trúng vùng đất giáp ranh với xã Hồng Lộc nên được bù hệ số K. Nhưng sau khi nhận đất xong thì chính quyền thôn tiến hành làm giao thông thủy lợi nên đã lấy một phần diện tích đất ruộng của bà tại các thửa: 35, 49, 50, 51, theo tờ bản đồ số 9. Để bù lại, gia đình bà được nhận 3 thửa đất số 71, 73, 75 để canh tác từ năm 2009 đến nay.

Tuy nhiên, đến khi có chính sách đền bù thuộc dự án chăn nuôi lợn tập trung thì người nhận số tiền đền bù cho 3 thửa đất 71, 73, 75 lại là ông Nguyễn Xuân Thành (người cùng xóm Tân Thượng) mà không phải là bà Phan Thị Lê.

Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc thì 3 thửa đất trên không phải là đất của bà Lê mà là của xã. Đến 28/1/2011, UBND xã đã cho ông Nguyễn Xuân Thành thuê nên khi đền bù, ông Nguyễn Xuân Thành sẽ được nhận.

Ngoài ra, ông Thạch còn khẳng định, khi chuyển đổi ruộng đất năm 2009, ruộng đất của bà Phan Thị Lê không được bù hệ số K vì trong sổ tổng hợp bàn giao đất thực địa của xóm 6 (nay là thôn Tân Thượng) khi gửi lên xã không ghi hệ số K.

Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại là trong khi sổ tổng hợp bàn giao đất thực địa của xóm 6 mà UBND xã Tân Lộc giữ không ghi bù hệ K cho diện tích đất của bà Lê thì sổ tổng hợp bàn giao đất thực địa của xóm 6 mà bà Lê giữ lại có ghi với diện tích 1.000m2. Câu hỏi đặt ra là, sổ tổng hợp bàn giao đất thực địa của xóm 6, bản nào mới chính xác?

Ngoài ra, theo xác nhận của ông Phan Lịnh, nguyên xóm trưởng, Phó ban Chuyển đổi ruộng đất lần 2 năm 2009 và ông Nguyễn Trọng Tuệ, thành viên Hội đồng Chuyển đổi ruộng đất lần 2 thì diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn thuộc vùng ven xã Hồng Lộc nên được bù hệ số K với tỷ lệ 1 ăn 2 (1 sào ăn 2 sào - PV).

Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Thạch, 3 thửa đất số 71, 73, 75 là đất của UBND xã. Câu hỏi đặt ra, tại sao đất của xã nhưng lại để cho bà Lê canh tác từ năm 2009 đến 2014 mà không thu hồi. Đồng thời, khi xã cho ông Nguyễn Xuân Thành thuê 3 thửa đất đó từ năm 2011, tại sao ông Thành không thông báo cho bà Lê mà vẫn để bà canh tác cho đến nay? Liệu có chuyện ông Thành nộp thuế rồi để cho bà Lê canh tác?

Tờ bản đồ số 9 có ghi rõ thửa đất 71, 73, 75 đều là đất BHK (bù hệ K), vậy, nếu đất đó không bù cho gia đình bà Phan Thị Lê thì bù cho ai? Nếu là đất bù hệ K thì tại sao chính quyền xã Tân Lộc lại cho ông Nguyễn Xuân Thành thuê?

Với những khúc mắc nêu trên, đề nghị UBND xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà sớm vào cuộc điều tra, làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng cho những bên liên quan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast