Sớm giải quyết cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Nguyễn Viết Bình

(Baohatinh.vn) - Năm 1954, ông Nguyễn Viết Bình (còn gọi là Nguyễn Viết Phụ)* ở thôn Bình Luật, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) hy sinh tại Quảng Trị, được địa phương tổ chức truy điệu, được ghi danh vào bia tưởng niệm, thân nhân được hưởng một số chính sách như thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Theo ông Nguyễn Viết Bình (con), thì cha ông hy sinh trong kháng chiến chống Pháp vào năm 1954 tại Quảng Trị. Lễ truy điệu cha ông do đồng chí Đặng Phúc Việt - Bí thư Chi bộ xã Cẩm Bình cùng toàn thể đảng viên, nhân dân lúc đó tổ chức.

Sớm giải quyết cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Nguyễn Viết Bình ảnh 1

Bày những lá đơn lên bàn, ông Bình (con) đang hướng lên bàn thờ ông Nguyễn Viết Bình mong anh linh cha linh thiêng phù hộ việc cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Ông Nguyễn Trần Miện (thôn Đông Châu, Cẩm Bình), người cùng làm nhiệm vụ với ông Nguyễn Viết Bình ngày trước, xác nhận: “Chỉ đảng viên mới được giao nhiệm vụ gánh tiền. Ở Cẩm Bình có 4 anh em. Tôi đi trước Bình hơn 500m. Chính mắt tôi chứng kiến máy bay Pháp bắn rốc két trúng đồng chí Bình. Địa điểm chúng tôi bị địch oanh tạc và đồng chí Bình hy sinh là làng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Anh em đi cùng Bình đã tiến hành chôn cất và có làm dấu. Sau đó, chúng tôi có tìm kiếm nhưng không thấy”.

Còn ông Trịnh Văn Minh (68 tuổi) bộ đội về hưu, con của ông Trịnh Văn Quang (người cùng đi dân công với với ông Nguyễn Viết Bình, nay đã mất), cho hay: “Lúc còn sống, cha tôi thường kể cho tôi nghe về sự hy sinh của bác Bình. Năm 1954, khi đơn vị cha tôi đang gánh tiền vào miền Nam thì bị máy bay oanh tạc. Bác Bình trúng đạn rốc-két hy sinh, còn cha tôi bị thương. Chính tay cha tôi đã chôn cất bác Bình và làm dấu, nhưng sau đó không tìm được”.

Ông Đặng Phúc Việt - người trực tiếp tổ chức lễ truy điệu ông Nguyễn Viết Bình vào năm 1954, khẳng định: “Trong giấy báo tử ghi rõ “Liệt sĩ Nguyễn Viết Bình” hy sinh khi làm nhiệm vụ, bị máy bay địch oanh tạc. Có ghi là liệt sĩ, chúng tôi mới tổ chức lễ truy điệu theo đúng nghi thức, tôn vinh người hy sinh vì Tổ quốc. Lúc ấy, ban lễ tang gồm tôi, chủ tịch UBND xã, xã đội trưởng, các tổ chức hội, thôn, đại diện gia đình. Lễ truy điệu được tổ chức tại sân vận động xã, toàn bộ đảng viên và nhân dân đều tập trung dự lễ. Sau lễ truy điệu, chúng tôi rước anh linh đồng chí Bình về lập bàn thờ tại gia đình”.

Điều đáng nói, tại “Sổ đăng ký liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp” lưu ở huyện Cẩm Xuyên, ghi rõ: “Nguyễn Văn Bình nhập ngũ 1/1951, hy sinh ngày 13/7/1954”. Và theo thông tin từ chính quyền địa phương, qua 2 lần làm Đài tưởng niệm liệt sĩ xã, đều khắc tên Nguyễn Viết Bình. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm cán bộ chính sách xã Cẩm Bình những năm 1980-1992 thì: “Năm 1985, UBND huyện duyệt danh sách cấp gỗ làm nhà cho liệt sĩ có tên Nguyễn Viết Bình. Các ngày lễ, tết, huyện đều có danh sách cấp quà cho gia đình”.

Ngay như dịp Tết Giáp Ngọ 2014, trong danh sách gia đình thân nhân liệt sĩ của xã Cẩm Bình được tặng quà của Chủ tịch nước do UBND huyện Cẩm Xuyên lập, tại số thứ tự 45 vẫn ghi rõ: liệt sĩ Nguyễn Viết Bình, mức tiền cấp cho gia đình là: 200.000 đồng.

Sớm giải quyết cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Nguyễn Viết Bình ảnh 2

Danh sách liệt sĩ Nguyễn Viết Bình được ghi tại Đài tưởng niệm liệt sĩ xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thắng - cán bộ chính sách xã Cẩm Bình cho biết: “Xã đã chuyển đơn của ông Bình (con) lên huyện và trực tiếp hỏi thông tin nhưng huyện trả lời là không đủ căn cứ để giải quyết”.

Còn ông Nguyễn Như Dũng - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên cho hay: Trong “Sổ đăng ký liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp” được lập vào năm 1972, tại cột nói về sự hy sinh, thông tin về ông Bình không được ghi. Khi được hỏi, liệu có sai sót nào trong quá trình ghi chép, lưu trữ hồ sơ hay không thì ông Dũng trả lời không biết vì ông mới tiếp nhận công việc này từ năm 2009.

Cũng theo ông Dũng, vào năm 1972, cả nước đang tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc ấy, mẹ của người hy sinh đã tạ thế cách đó 2 năm, chỉ còn lại con ông Bình. Do đó, các sai sót về thông tin ông Nguyễn Viết Bình (nếu có) cũng có thể xảy ra.

Ông Dũng cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ xin ý kiến của Sở để gia đình được làm hồ sơ”.

Người phụ trách mảng chính sách người có công của Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trong danh sách lưu tại Sở, ở Cẩm Bình chỉ có tên liệt sĩ là Nguyễn Văn Bình chứ không phải Nguyễn Viết Bình. Hồ sơ Nguyễn Văn Bình hiện tại không có ở Sở và không tìm thấy ở Cục Người có công. Nếu làm thủ tục cấp bằng Tổ quốc ghi công thì phải có ý kiến của Cục bằng văn bản xác nhận việc không có hồ sơ được lưu tại đó. Trong trường hợp này, nếu Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Viết Bình là một (chỉ sai tên đệm) thì phải cần rất nhiều thời gian mới giải quyết được dứt điểm.

Trước sự việc trên, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện, xã, đảng viên và nhân dân thôn Bình Luật đã nhiều lần kiến nghị về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Nguyễn Viết Bình, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, huyện Cẩm Xuyên và Sở LĐ-TB&XH sớm phối hợp giải quyết thấu đáo việc cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Nguyễn Viết Bình, nếu để chậm sẽ rất khó khăn bởi các nhân chứng người thì đã mất, người thì đã ở tuổi “gần đất, xa trời”.

______

(*) Phong tục gọi tên của địa phương: người cha thường lấy tên con đầu lòng để gọi tên mình. Vì thế, khi tham gia dân công hỏa tuyến, ông Nguyễn Viết Phụ ghi là Nguyễn Viết Bình.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast