Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, thay đổi diện mạo nông thôn

(Baohatinh.vn) - Sáng 3/7, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban dân vận Trung ương - Trưởng BCĐ đề án 61 Trung ương Hà Thị Khiết và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 61–KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, thay đổi diện mạo nông thôn ảnh 1
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, thay đổi diện mạo nông thôn ảnh 2

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Hội Nông dân tỉnh cần tham mưu kiện toàn lại BCĐ cấp tỉnh; khẩn trương hoàn thiện cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề

5 năm thực hiện Kết luận 61 đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ lao động nông thôn, phát triển KT-XH. Hiện, tổng quỹ hỗ trợ nông dân các cấp hội đạt 1.939,202 tỷ đồng. 5 năm, quỹ giúp trên 380.000 lượt hộ tham gia các nhóm hộ trong các mô hình SXKD với số vốn quay vòng trên 5.200 tỷ đồng, xây dựng 2.807 mô hình liên kết sản xuất.

Đến 30/12/2014 có 549.891 hộ vay vốn Ngân hàng NN&PTNT để đầu tư sản xuất với dư nợ gần 19.461 tỷ đồng, 2.285.448 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ 41.803 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành, hội tích cực phối hợp cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi… trả chậm; hỗ trợ nông dân tiếp cận KHKT, thông tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hướng dẫn nông dân phát triển KTTT, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo sản phẩm giá trị.

Xây dựng NTM, nông dân hiến 24 triệu m2 đất, góp trên 2 ngàn tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công làm mới, sửa chữa trên 1 triệu km đường giao thông nông thôn, 1,4 triệu km kênh mương nội đồng, hàng ngàn nhà văn hóa thôn, ấp, bản…

5 năm, các cấp hội tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 1.684.265 lượt nông dân, kết nạp trên 2 triệu hội viên mới; chú trọng củng cố tổ chức hội, nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên; xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp, giám sát, phản biện xã hội.

Tuy vậy, công tác tuyên truyền Kết luận 61, quyết định 673 của một số địa phương chưa sâu rộng, thực hiện chậm, hiệu quả thấp, tỷ lệ cấp huyện cấp kinh phí cho quỹ hộ trợ nông dân còn thấp. Đến 20/6/2015, 9 tỉnh, thành chưa cấp bổ sung ngân sách cho quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; 11 tỉnh, thành chưa bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân; đời sống cư dân nông thôn tuy được cải thiện song còn nhiều khó khăn…

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Hiện, tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân trong tỉnh là 13,38 tỷ đồng, doanh số cho vay 5 năm đạt 28 tỷ đồng với 1.920 lượt hộ vay; tổng dư nợ do Hội phối hợp uỷ thác là 2.636 tỷ đồng với 85.350 hộ vay còn dư nợ; hội viên vay vốn theo chính sách xây dựng NTM với 156 tỷ đồng, xây dựng trên 7.000 mô hình thu nhập 100 triệu đồng trở lên, tăng hộ SXKD giỏi lên 83.861 hộ.

Hội trực tiếp xây dựng 1.553 mô hình kinh tế, 175 câu lạc bộ, 2.106 tổ tự quản “ba không”, 2565 lớp tập huấn KHKT; phối hợp tổ chức 854 lớp dạy nghề, kết nạp mới 5.045 hội viên. Nông dân Hà Tĩnh góp hàng trăm tỷ đồng, hàng chục ngàn ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...

Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu thông tin nhanh về tình hình thực hiện Kết luận 61 tại địa phương, đi sâu thảo luận và đề nghị Ban chỉ đạo 61 tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các ngành, địa phương; bổ sung quỹ hỗ trợ nông dân, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm tại vùng sản xuất tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bố trí kinh phí cho dạy nghề lao động nông thôn, quan tâm xây dựng dự án quy hoạch quản lý dân di cư tự do đảm bảo an ninh nông thôn…

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, thay đổi diện mạo nông thôn ảnh 3
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề nghị Nhà nước cần có cơ chế mạnh hơn cho việc phát triển kinh tế KTTT để nông dân tiếp cận kinh tế thị trường; có chính sách thỏa đáng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, làm đầu kéo giúp nông dân xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm; đề nghị Chính phủ đẩy nhanh chương trình đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh tạo điều kiện cho Hội Nông dân thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh biểu dương các bộ, ngành, địa phương phối hợp Hội Nông dân triển khai nghiêm túc, đồng bộ Kết luận 61, góp phần quan trọng thực hiện nghị quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong quá trình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, cơ chế chính sách, quyết định 673… tạo hành lang pháp lý để các cấp hội triển khai. Chính phủ ghi nhận kiến nghị của đại biểu và sẽ chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện cơ chế chính sách, tìm thêm nguồn lực triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong phong trào xây dựng NTM, người dân trở thành chủ thể, xây dựng các sản xuất chuỗi giá trị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, đào tạo hội viên nông dân trở thành người nông dân kiểu mới, tổ chức sản xuất quy mô hiện đại; vận động nông dân chủ động tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, tích cực xây dựng NTM…

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương – Trưởng BCĐ đề án 61 Trung ương Hà Thị Khiết nhấn mạnh: Đề án 61 đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Ban chỉ đạo Trung ương ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh, sớm ban hành báo cáo chính thức, đi vào xây dựng chương trình kế hoạch cho 5 năm tới.

Hội nghị đã thống nhất trình 5 bài học kinh nghiệm bước đầu sau 5 năm thực hiện. Theo đó, từng địa phương, bộ ngành phải nghiên cứu, vận dụng thực hiện hiệu quả. Tùy vào tình hình thực tiến, Hội Nông dân chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương phương án thực hiện phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh khẳng định: Hà Tĩnh thực hiện khá tốt Đề án 61, trong đó đánh giá cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận 61 và 673 của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt từ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện.

Theo đó, Hội Nông dân tham mưu kiện toàn lại BCĐ cấp tỉnh; khẩn trương hoàn thiện cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; các ngành theo trách nhiệm của mình giúp Hội Nông dân hoàn thiện kế hoạch, đẩy mạnh phát triển KTTT, liên kết sản xuất chuỗi giá trị.

Các ngành cũng cần tham mưu cho tỉnh hàng năm bố nguồn lực bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, xúc tiến thành lập quỹ hỗ trợ nông dân cho 9 huyện còn lại trong năm 2015; MTTQ tỉnh phối hợp nâng cao vai vai trò giám sát, phản biện xã hội, nâng cao năng lực cán bộ hội...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast