Khi an toàn giao thông nằm ở ý thức giới trẻ

Thống kê của Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho thấy số người chết do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất ở độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi (chiếm 49% số người chết). Trước thực trạng báo động về ý thức tham gia giao thông của một bộ phận thanh thiếu niên, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường phối hợp với các ban, ngành nhằm xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ, tiến tới đẩy lùi TNGT.

Thanh niên “nhờn” luật

Một tiếng rít rợn người của cái thắng xe ngay trước câu gắt: "Đui à, ông kia?". Nhìn người đàn ông lắc đầu, vội vã bước đi, tôi chợt chạnh lòng: sao các bạn trẻ lại có thể hành xử với người đáng tuổi cha chú mình như thế được khi họ không vi phạm luật? Với văn hóa ứng xử như vậy thì làm sao họ ý thức được việc chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông. Tôi chợt liên tưởng đến một trào lưu có lúc thịnh hành của giới trẻ trên Facebook: chụp ảnh các vụ tai nạn đẫm máu rồi đăng trên Facebook không phải vì mục đích cảnh báo mà vì câu khách. Có lẽ khi đăng những bức ảnh trên, những bạn trẻ này không nhận thức được hậu quả đau lòng mà TNGT gây ra!

Thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở ba... khi tham gia giao thông. Ảnh internet

Thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở ba... khi tham gia giao thông. Ảnh internet

Điều mà chúng tôi khẳng định là thanh niên chẳng ai không biết và không hiểu sự nguy hiểm của việc phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông có thể gây chết người, tai nạn, cản trở giao thông, thiệt hại về kinh tế, đẩy nhiều gia đình vào ngõ cụt. Song thay bằng việc thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ thì không ít trường hợp thanh, thiếu niên Hà Tĩnh hiện vẫn ngang nhiên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, đèo bốn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng và phóng xe như bay trên các tuyến đường. Cá biệt, có trường hợp gây ra tai nạn giao thông nhưng không xin lỗi, chở người bị nạn tới bệnh viện mà quay lưng bỏ chạy hay đổ vấy trách nhiệm cho người bị nạn.

Thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy TNGT chủ yếu xảy ra trên đường bộ, năm 2012 có 274 vụ tai nạn giao thông thì có 273 vụ diễn ra trên đường bộ, số người chết do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn nhất ở độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi (chiếm 49% số người chết). Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn cho biết: “Cùng với sự phát triển kinh tế ở mức cao, nhu cầu đi lại của người dân và số lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh nhưng ý thức của người dân, đặc biệt là ý thức của giới trẻ vẫn còn kém. Vào các dịp lễ tết, thanh niên đi làm ăn xa, sinh viên về quê ăn tết đông, tai nạn giao thông hầu hết tập trung vào những đối tượng này. Bên cạnh đó, lực lượng cưỡng chế mỏng và sự phối hợp giữa các lực lượng chưa triệt để cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng TNGT”.

Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm trật tự ATGT, thời gian qua, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và tổ chức nhiều hoạt động tham gia đảm bảo trật tự ATGT, cấp phát tài liệu, tổ chức các cụm pa nô tuyên truyền, đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền về ATGT, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các phương tiện truyền thông…

Từ năm 2008 đến nay, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thi tuyên truyền về ATGT, biên tập và phát hành đĩa DVD “Một ngày ở Bệnh viện Chợ Rẫy”, “Đội tuyên truyền thanh niên về an toàn giao thông”, "Cẩm nang công tác an toàn giao thông", “Kịch bản truyền thông về an toàn giao thông”, “Thanh niên gương mẫu đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”, “Đội tuyên truyền thanh niên về an toàn giao thông”, “ATGT vì hạnh phúc của bạn” và “Hành trình khó quên”.

Cổng trường ATGT trường THCS Nguyễn Du (TP.Hà Tĩnh)

Cổng trường ATGT trường THCS Nguyễn Du (TP.Hà Tĩnh)

Nhiều mô hình, hoạt động của tuổi trẻ Hà Tĩnh tham gia giữ gìn trật tự ATGT đã thu hút đông đảo sự tham gia của thanh thiếu nhi và được người dân đồng tình ủng hộ. Các đội hình thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông được xây dựng đã và đang hoạt động ổn định, có hiệu quả như: “Cổng trường Xanh - Sạch - Đẹp, trật tự an toàn giao thông”, “Em yêu đường sắt quê em”, “Điểm giao cắt đường bộ, đường sắt an toàn”, “Bến đò ngang an toàn”. Năm 2012, 100% trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tiến tới xây dựng mô hình này tại 100% các trường THCS và Tiểu học.

Hội thi lái xe ATGT của Huyện đoàn Hương Khê

Hội thi lái xe ATGT của Huyện đoàn Hương Khê

Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tổ chức cuộc thi viết “Thanh niên Hà Tĩnh với ATGT”, ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT với Hội LHPN tỉnh và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4. Trước sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục ý thức chấp hành ATGT cho giới trẻ. Năm 2012, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT. Việc xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ những năm qua đã góp phần làm giảm thiểu số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Vẫn còn nhiều nỗi lo!

Mặc dù đã có nhiều hội thi, nhiều mô hình, nhiều hoạt động của tuổi trẻ Hà Tĩnh nhằm cải thiện văn hóa giao thông trong giới trẻ, góp phần làm giảm thiểu số vụ TNGT trên địa bàn trong thời gian qua nhưng thực tế hiệu quả mang lại từ công tác tuyên truyền chỉ như “muối bỏ bể”. TNGT vẫn không ngừng xảy ra, nhiều đoàn viên thanh niên vẫn thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông.Anh Nguyễn Thế Hoàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Hiện nay Ban thường vụ Tỉnh đoàn đang xây dựng Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2013 – 2017” với nhiều nội dung thiết thực. Việc xây dựng văn hóa giao thông trong đoàn viên thanh niên (đối tượng đông đảo, chiếm 30% dân số tỉnh) sẽ góp phần xây dựng một Hà Tĩnh văn minh, đẩy lùi dần TNGT”. Để xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ đạt hiệu quả thiết thực cần sự chung tay của cả cộng đồng. Trước hết, mỗi gia đình cần giáo dục con em nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATGT và các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh tay hơn với các trường hợp vi phạm luật giao thông.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast