Nâng cao vai trò hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Cuối tháng 10/1930, tổ chức Nông hội đỏ Hà Tĩnh (tiền thân của Hội Nông dân ngày nay) được thành lập. Các cấp hội nông dân tỉnh ngày càng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có 239.436 hội viên, đạt tỷ lệ tập hợp hơn 86%. Hội viên, nông dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, triển khai có hiệu quả 3 phong trào thi đua do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát động.

Kỷ niệm 85 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2015)

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng tham quan mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát tại xã Thạch Văn – Thạch Hà
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng tham quan mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát tại xã Thạch Văn – Thạch Hà

Nổi bật là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các cấp hội đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành cho hội viên, nông dân vay vốn, cung ứng vật tư; tổ chức tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành để phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX. Nhờ đó, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, làm giàu cho gia đình và quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ban thường vụ hội nông dân các cấp chỉ đạo ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề, tập huấn, cho vay vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp... Hàng năm, trực tiếp đào tạo nghề cho 1.200 người, phối hợp đào tạo nghề 3.510 người; mở 3.012 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 290.400 lượt hội viên, nông dân. Đặc biệt, hội nông dân nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng No&PTNT cho 82.632 hộ vay 2.664 tỷ đồng; cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 20,5 tỷ đồng.

Các cấp hội cũng đã tuyên truyền cho hội viên, nông dân tiếp cận các chính sách trong xây dựng NTM với số tiền 156 tỷ đồng, cung ứng trả chậm 8.600 tấn phân bón, 50.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, đảm bảo chất lượng... Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư SXKD, xây dựng mô hình trang trại, gia trại, sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy, hải sản, trồng cây ăn quả, rau - củ - quả trên đất cát hoang hóa ven biển với quy mô lớn, giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có 83.861 hộ đạt danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi”, trong đó, có 407 hộ SXKD giỏi cấp T.Ư; 5.527 hộ cấp tỉnh; 17.108 hộ cấp huyện, thành phố, thị xã và 60.819 hộ cấp xã, phường, trị trấn.

Nâng cao vai trò hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới ảnh 2
Gia đình chị Thái Thị Xuân (Sơn Thọ - Vũ Quang) là một trong nhiều mô hình chăn nuôi lợn liên kết hiệu quả do Hội Nông dân tỉnh xúc tiến.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng xã điểm NTM, cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, phát động phong trào “3 không”. Bên cạnh đó, phối hợp với Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên mục “Xây dựng NTM”, hội thi “Nông thôn ngày mới”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực xây dựng NTM... Các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp ngày công, đất đai, nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, trường học, trạm y tế khang trang; xây dựng nhiều khu dân cư NTM kiểu mẫu, làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh nhà.

Thực hiện phong trào nông dân tham gia đảm bảo QPAN, các cấp hội tích cực phối hợp chính quyền, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ đảm bảo QPAN trong tình hình mới. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, vận động hội viên, nông dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ, tổ hòa giải, tổ nhân dân tự quản, giữ gìn trật tự địa phương; tăng cường phòng chống tội phạm, ma túy; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng...

Phong trào nông dân Hà Tĩnh từng bước phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con nông dân phát huy các nguồn lực nhằm tận dụng và khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tổ chức hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, thu hút ngày càng đông nông dân tham gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 262 cơ sở hội và 2.106 chi hội, tỷ lệ tập hợp hội viên đạt trên 86%. Hàng năm, có 80% chi hội được xếp loại vững mạnh và khá, không có chi hội yếu kém.

Phát huy kết quả đạt được trong 85 năm qua, các cấp hội nông dân Hà Tĩnh tiếp tục đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và chương trình xây dựng NTM, thực hiện tốt Kết luận 61 của Ban Bí thư T.Ư về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast