Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ

(Baohatinh.vn) - Báo Hà Tĩnh cuối tuần thực hiện chuyên đề "Giới trẻ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" nhân kỷ niệm 83 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2014). Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chị Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn xung quanh vấn đề này.

- Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh đoàn, chị đánh giá như thế nào về lối sống, ứng xử văn hóa của ĐVTN hiện nay?

Đạo đức, lối sống văn hóa của thế hệ trẻ là kết quả giáo dục tổng hợp của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội đồng thời là sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân.

Tuổi trẻ Hà Tĩnh quyên góp ủng hộ quân và dân đảo Trường Sa
Tuổi trẻ Hà Tĩnh quyên góp ủng hộ quân và dân đảo Trường Sa

Có thể nói, thế hệ trẻ hiện nay phần đông là những con người năng động, sáng tạo, có kiến thức, có hoài bão và lý tưởng, khát vọng vươn lên. Họ có cách ứng xử tích cực, phù hợp với đạo lý dân tộc, kế thừa và phát huy tốt các giá trị truyền thống cũng như chuẩn mực xã hội. Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu thanh niên, hiện nay, trên 60% thanh niên sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội, trung thực, lành mạnh và có văn hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ giới trẻ có hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực, có biểu hiện xuống cấp về lý tưởng, đạo đức và lối sống. Đây cũng là thực trạng được tổ chức đoàn hết sức quan tâm trong thời gian qua.

- Nhìn chung, một bộ phận giới trẻ hiện nay yêu thích những gì mới mẻ, “độc” và “lạ” nên không còn mấy hứng thú và có phần xa rời văn hóa truyền thống. Vậy theo chị, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan: quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng khiến không ít thanh niên bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai. Đó còn là sự tác động những mặt trái của kinh tế thị trường; sự phát triển nhanh chóng của internet; sự lợi dụng, chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Về mặt chủ quan: một bộ phận ĐVTN thiếu ý thức phấn đấu, sa sút về đạo đức, hời hợt về chính trị, có lối sống thực dụng, xa rời các giá trị truyền thống. Công tác giáo dục của Đoàn còn những hạn chế nhất định: chưa tác động đến tất cả các đối tượng thanh, thiếu niên, kết quả đạt được thiếu bền vững, hình thức giáo dục chưa thực sự phong phú và phù hợp, chưa theo kịp tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng của ĐVTN.

Tuy nhiên, đông đảo lực lượng thanh niên có ý thức trách nhiệm cao trong việc bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) của dân tộc. Ngày càng có nhiều đội thanh niên tình nguyện tẩy xóa các vết bẩn trên cột cờ, bóc gỡ biển quảng cáo trái quy định, ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh… tại các khu lưu niệm, di tích lịch sử, văn hóa. Không ít thanh niên, học sinh có ý thức khôi phục các DSVH của quê hương như ví giặm, ca trù với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ dân ca, ca trù trong các trường học.

- Tỉnh đoàn Hà Tĩnh có những hoạt động, chương trình gì để hướng ĐVTN có lối sống, ứng xử phù hợp với đạo lý cũng như thêm yêu văn hóa dân tộc?

Hà Tĩnh là địa phương giàu truyền thống cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân kiệt xuất và cũng là cái nôi của nhiều DSVH. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa và ý thức bảo vệ, bảo tồn các DSVH luôn được các cấp bộ đoàn hết sức quan tâm. Chẳng hạn như việc ĐVTN tham gia hưởng ứng bình chọn Vịnh Hạ Long trở thành DSVH thế giới, tham gia bảo tồn và phục hồi các làn điệu dân ca ví, giặm, ca trù; huy động nguồn lực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình văn hóa; phát huy tối đa giá trị giáo dục tại các địa chỉ đỏ do Đoàn quản lý như Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm anh hùng Lý Tự Trọng…

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên thông qua các hoạt động như: sinh hoạt đoàn, hội, nói chuyện truyền thống, hành hương về địa chỉ đỏ; đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa; tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; huy động nguồn lực để thực hiện các công trình, phần việc cụ thể góp phần tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Đẩy mạnh triển khai đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2013-2020” gắn với cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đoàn viên thông qua việc thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Bí thư T.Ư Đoàn về xây dựng tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên trong việc đào tạo nghề, học nghề; tăng cường đầu tư, xây dựng các nhà văn hóa thôn, xã, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm vui chơi, giải trí lành mạnh để ĐVTN có môi trường giao lưu, trao đổi, học tập, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc.

(thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast