Bốn mùa biển gọi…

Nếu đã một lần ra biển, đứng trước mênh mông trùng khơi hẳn ai cũng nhận về trong tâm thức mình những cảm xúc riêng tư về biển. Hà Tĩnh với gần 140km bờ biển chạy dọc từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh - là nơi ẩn chứa trầm tích văn hóa của nhiều vùng quê. Và trong tiếng sóng biển đêm ngày rì rầm kể chuyện quê hương, ở mỗi bãi biển ta lại tìm thấy những thẳm xanh thanh khiết không lời, những hào hiệp ngang tàng của gió, những kiên định của nghìn đời sóng vỗ lẫn sự oai phong của những tảng đá giữa trời… để hiểu thêm những giá trị ngàn đời biển cả…

Bãi biển Thiên Cầm
Bãi biển Thiên Cầm

Trong gần 140km chiều dài bờ biển, Hà Tĩnh tự hào là nơi có nhiều bãi biển đẹp, bằng phẳng, cát trắng mịn màng và đặc biệt gắn liền với nhiều huyền tích lịch sử, văn hóa. Đó cũng chính là lợi thế để du lịch biển Hà Tĩnh thu hút du khách lẫn các nhà đầu tư. Có đi hết các bãi biển, các khu du lịch biển của Hà Tĩnh mới hiểu được sự ưu ái mà đất trời ban tặng cho miền đất nghèo Hà Tĩnh. Mới hiểu hết những giá trị của biển cả. Với vẻ đẹp tiềm ẩn, với những đặc sản nổi tiếng, với những huyền tích lịch sử gắn với nhiều di tích, nhiều lễ hội văn hóa tâm linh, các vùng biển Hà Tĩnh đã thật sự hấp dẫn khách du lịch trong suốt 4 mùa.

Trong danh mục những lễ hội truyền thống của Hà Tĩnh, Nghi Xuân là nơi còn lưu giữ nhiều lễ hội gắn liền với biển cả nhất. Các lễ hội ấy kéo dài từ đầu năm đến tháng 5 âm lịch. Mở đầu là lễ hội cầu ngư ở làng Động Gián (Cương Gián), tiếp đến là lễ hội đua thuyền giữa các làng biển với nhau, vào 3/2 âm lịch, ngư dân ở làng Hội Thống (Xuân Hội) lại tạm gác những chuyến đi biển của mình và tập trung tổ chức lễ hội thờ thần và cầu ngư, đến tháng 5 âm lịch là lễ hội sỹ, nông, công, thương của xã Xuân Thành. Các lễ hội này đều được tiến hành rất trang nghiêm trên biển thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân đối với thần biển và cầu mong các vị thần tiếp tục phù hộ cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy thuyền…

Lễ hội chèo cạn ở Cẩm Nhượng
Lễ hội chèo cạn ở Cẩm Nhượng

Ngoài những lễ hội đậm tính văn hóa ấy, với bãi biển Xuân Thành tuyệt đẹp, mùa hè cũng là lúc Nghi Xuân bắt đầu mùa du lịch biển. Bãi biển Xuân Thành kéo dài hơn 5km, nước biển ở đây có độ mặn vừa phải, bãi rất thoải với hệ thống dịch vụ ngày càng được mở rộng. Cùng với làng ca trù Cổ Đạm, khu di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, bãi biển Xuân Thành đang ngày càng trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách. Đến vùng biển Nghi Xuân, ta còn được thưởng thức các món đặc sản rất nổi tiếng được làm từ con moi. Thường vào buổi trưa, trên mặt biển nổi lên một vùng nước màu hồng di chuyển dần ngoài xa vào bờ, ấy là moi về. Người dân nơi đây đã dùng con moi chế biến ra nhiều loại thức ăn, nước chấm rất ngon mang hương vị đặc biệt. Ngon nhất là moi luộc ăn với bánh đa. Thứ đến là ruốc moi, có thể dùng làm gia vị cho nhiều món ăn. Và nhiều nhất là moi khô dùng để chế biến rất nhiều món ăn trong mùa đông.

Hấp dẫn khách du lịch mùa hè nhất có lẽ là bãi biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), nằm cách TP Hà Tĩnh khoảng 20 km về phía đông nam. Sử sách và truyền thuyết kể lại, xưa kia vua Hùng đi kinh lý vào phía nam và có nghỉ chân lại ở ngọn núi Kỳ La (tên cũ của Thiên Cầm). Ban đêm vua nằm nghỉ nghe tiếng sóng biển rì rào hợp với tiếng thông reo như những tiếng đàn trời thánh thót bên tai và đã đặt cho địa danh nơi đây là "Thiên Cầm" tức là "đàn trời". Câu thơ: "Ðịa danh kỳ thú Thiên Cầm/Núi non, danh thắng Vua Hùng đặt tên" chính là được bắt nguồn từ đó. Quả thật như vậy, dường như chỉ có ở Thiên Cầm du khách mới có thể nghe những âm thanh tuyệt diệu của tiếng gió biển, tiếng sóng vỗ và tiếng lá reo vọng vào vách núi tạo thành những bản nhạc du dương. Cách chân núi không xa là chùa Yên Lạc cổ kính vẫn còn giữ một báu vật nổi tiếng - "Thập điện diêm vương". Thiên Cầm cũng được đại dương ban tặng cho nhiều đặc sản như chim Cu Kỳ, tôm hùm, mực ống và đặc biệt là sản phẩm nước mắm, ruốc moi Cẩm Nhượng thơm ngon nổi tiếng cùng các loại cá, mực khô do các HTX trong vùng sản xuất...

Thiên Cầm ngày nay tuy đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách cả nước vào các dịp hè nhưng vẫn mang đậm nét hoang sơ với không khí trong lành, thoáng đãng, với những ngư dân hiền hậu, thật thà yêu biển bằng tình yêu rất lạ kỳ. Ngư dân nơi đây còn duy trì nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tổ chức lễ hội chèo cạn (hạ thủy), đua thuyền, cầu ngư vào dịp đầu xuân hàng năm. Chèo cạn là lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người dân vùng biển Cẩm Nhượng nhằm cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh các nghi thức cúng thần linh, ngư dân còn biểu diễn các điệu múa bông, chèo cạn nhằm thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh vùng sông nước, đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất và hưởng thụ nét văn hóa của cha ông ta từ xưa để lại.

Biển Thạch Hải - Thạch Hà

Biển Thạch Hải - Thạch Hà

Ngược ra phía Bắc đến huyện Thạch Hà là bãi biển Thạch Hải nguyên sơ và thanh bình. So với Thiên Cầm, Thạch Hải đẹp không kém cạnh gì và cũng gắn liền với nhiều di tích lịch sử. Đến Thạch Hải, ngoài tắm biển và thưởng thức các đặc sản biển, ta còn có cơ hội du lịch sinh thái Quỳnh Viên với nhiều khe suối, hang động đẹp như: khe Mưa Dông, ao Tăm, hang ông Duông, hang Lòn, hang Hớp… Qua Quỳnh Viên, đến núi Nam Giới là đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi- một di tích văn hóa nghệ thuật nổi tiếng đã được nhà nước xếp hạng với kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thế kỷ XV (năm 1447). Hàng năm vào dịp đầu tháng 5 âm lịch là bà con các xã lân cận và du khách thập phương lại cùng hẹn nhau về dự lễ hội Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Đó là lễ hội tâm linh, đậm dấu ấn vùng sông nước, là dịp để bà con bày tỏ lòng thành cảm tạ công ơn của Đại vương, cảm tạ các vị thần linh đã phù hộ cho trời yên, biển lặng, cuộc sống thái hòa…

Xuôi vào phía Nam, ngày nay các bãi biển cũng đang được khai thác khá mạnh mẽ. Bãi biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh) tuy chưa được thu hút du khách thập phương nhưng lại là điểm đến của nhiều người dân trong tỉnh bởi đặc sản cu kỳ nổi tiếng và những ghềnh đá oai hùng, nghiêm trang rất lạ. Đặc biệt vùng biển Vũng Áng ngày càng thu hút du khách bởi đặc sản mực nhảy và những đêm ngắm những thuyền câu mực nhấp nháy ánh đèn như một “thành phố ánh sáng” lấp lánh đẹp một cách huyền hoặc trên biển. Dọc quốc lộ 1A, từ Đèo Con vào Đèo Ngang là một bãi biển rất đẹp với làn nước xanh ngắt và cát trắng mịn màng. Ở đó đã hình thành khu sinh thái Đèo Con Kyoto rộng hơn 16 héc ta, là khu du lịch hiện đại với tổng thể khu nghỉ ngơi, giải trí hấp dẫn và độc đáo, mới lạ tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách mỗi khi qua vùng đất này. Và vượt qua sức hấp dẫn đó, ngày nay, khách thập phương còn tìm về vùng biển Kỳ Anh ngày một nhiều hơn để dự lễ hội tâm linh đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.

Năm 2010 này, bà con vùng biển Hà Tĩnh đón nhận niềm vui mới khi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng chính thức khởi công. Ngoài những lợi ích về kinh tế, rõ ràng tuyến đường đó sẽ tôn thêm vẻ đẹp cho bờ biển Hà Tĩnh và là cơ hội để tiềm năng du lịch biển của Hà Tĩnh được khai thác triệt để hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast