Cần có thái độ dứt khoát trong GPMB dự án nâng cấp đê La Giang

Dự án nâng cấp đê La Giang có tổng chiều dài gần 20 cây số, liên quan đến hàng trăm hộ dân ở Đức Thọ và Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Hiện dự án lại đang bị ách tắc tại một khu vực dài chưa đầy 2 cây số bởi 42 hộ dân. Nguyên nhân là do người dân yêu cầu được đền bù tới tận chân đê, trong khi Ban quản lý dự án và chính quyền địa phương lại khẳng định đây là phần đất thuộc hành lang bảo vệ đê...

Đê La Giang có tổng chiều dài 19,213 km đi qua địa phận huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng gần 30 vạn dân cư với 35.000ha đất canh tác của các huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc và một phần huyện Thạch Hà. Dự án nâng cấp đê La Giang có tổng mức đầu tư gần 970 tỷ đồng, trong đó chi phí cho xây dựng hơn 750 tỷ đồng, bồi thường GPMB trên 50 tỷ đồng, chi phí tư vấn và chi phí khác hơn 38 tỷ đồng, rà phá bom mìn gần 2,6 tỷ đồng, nguồn dự phòng126 tỷ đồng.

Tập đoàn Xuân Thành đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đê La Giang.
Tập đoàn Xuân Thành đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đê La Giang.

Đê La Giang sẽ được tôn tạo, nâng cấp cao trình lên cấp II, dự kiến sẽ đào đắp 1.782.500m3 đất đá, đổ 75.000m3 bê tông và sử dụng 2.000 tấn thép. Hiện nhà thầu (Tập đoàn Xuân Thành) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công tại nhiều vị trí. Thế nhưng, tại vị trí K16+50 đến K18+50 đoạn qua địa bàn xóm 14 phường Trung Lương (thị xã Hồng Linh) lại đang bị ách tắc bởi 42 hộ. Nguyên nhân là người dân yêu cầu được đền bù tới tận chân đê, trong khi Ban quản lý dự án và chính quyền địa phương lại khẳng định đây là phần đất thuộc hành lang bảo vệ đê.

Thời gian qua, đã có hàng chục cuộc làm việc giữa các hộ dân trong diện GPMB tại K16+50 đến K18+50 thuộc địa bàn phường Trung Lương làm việc với Hội đồng đền bù GPMB dự án nâng cấp đê La Giang thị xã Hồng Lĩnh. Tuy vậy, tất cả các hộ dân li ên quan đều bảo lưu quan điểm không chịu di dời nếu dự án không đền bù trên phần đất tiếp giáp với chân đê mà những hộ dân này cho là phần đất thuộc quyền sở hữu của họ. Những tờ quyết định cấp đất được chính quyền xã Trung Lương viết tay từ năm 1992 là cơ sở để người dân khẳng định diện tích đền bù phải tiếp giáp với chân đê chứ không phải cách chân đê từ 22 -25 mét như quy định của pháp lệnh đê điều.

Bà Nguyễn Thị Nhị - xóm 14 xã Trung Lương - thị xã Hồng Lĩnh (một trong những hộ còn vướng mặt bằng thuộc dự án nâng cấp đên La Giáng) lý giải: “Chúng tôi sinh sống ở đây từ bao đời nay và đã được các cấp chính quyền sở tại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi. Có phải ăn nhờ ở đậu, hay đất đai lấn chiếm trái phép đâu, không lý do gì chúng tôi không được Nhà nước đền bù.”

Những lập luận trên đây sẽ là rất thuyết phục nếu chỉ căn cứ thuần túy vào những tờ quyết định cấp đất của chính quyền xã Trung Lương lúc bấy giờ. Vậy nhưng 42 hộ dân xóm 14 phường Trung Lương vì một lý do nào đó đã không biết đến bản quy hoạch sử dụng đất mà chính quyền xã Trung Lương công bố vào năm 1992, đồng thời với việc ra các quyết định cấp đất. Nội dung quy hoạch nêu rõ: Phần đất ở cách chân đê 22 -25 mét người dân được phép sản xuất nhưng không được trồng cây lâu năm, xây dựng công trình kiến trúc và không được đền bù khi giải tỏa. Như vậy có nghĩa phần đất mà người dân đòi hỏi đền bù thực chất là phần diện tích thuộc hành lang đê.

Ông Đặng Phi Hùng -Phó Chi cục quản lý đê điều và PCLB tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Thời hạn cuối cùng cho công tác GPMB dự án nâng cấp đê La Giang mà UBND tỉnh giao là ngày 20-5-2010. Bởi vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền thị xã Hồng Lĩnh và xã Trung Lương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác GPMB. Nếu mọi chuyện vẫn ách tắc chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng triển khai các thủ tục cần thiết để tiến hàng cưỡng chế.”

Rất có thể ngay từ đầu đã có một sự nhầm lẫn nào đó của người dân về đất vườn và đất hành lang đê. Song, ngay cả khi được tuyên truyền, giải thích các hộ dân vẫn không đồng ý. Điều này đã gây khó dễ cho Ban quản lý dự án và chính quyền địa phương. Vào thời điểm hiện tại, mọi công việc trên đoạn đê này hầu như không thể triển khai.

Cả tuyến đê dài gần 20 cây số, liên quan đến hàng trăm hộ dân lại đang bị ách tắc tại một khu vực dài chưa đầy 2 cây số chỉ với 42 hộ dân bị ảnh hưởng không chịu nhận tiền đền bù. Để dự án được triển khai đúng kế hoạch, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản cho hàng chục vạn hộ dân trên địa bàn, rất cần sự “vào cuộc” mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy chính quyền thị xã Hồng Lĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast