Du lịch Nghi Xuân còn ở dang tiềm năng

một vùng quê non nước hữu tình, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vĩ. Đất và người nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách. Tuy nhiên lợi thế để phát triển du lịch ở đây đều đang còn ở dạng tiềm năng. Trên thực tế doanh thu từ du lịch của Nghi Xuân còn hết sức khiêm tốn

Tiềm năng, nhìn đâu cũng thấy

Nhìn từ góc độ du lịch và so sánh lợi thế vùng, có lẽ ít địa phương nào của Hà Tĩnh được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh thắng đến thế. Nằm trên quốc lộ 1A, phía nam sông Lam, cạnh thành phố Vinh (Nghệ An), huyện Nghi Xuân được bao bọc bởi núi, sông và biển cả, một địa thế " Tam hợp" sơn thủy hữu tình.

Bãi biển Xuân Thành, điểm đến lý tưởng của du khách

Bãi biển Xuân Thành, điểm đến lý tưởng của du khách

Không chỉ được biết đến là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân nổi tiếng với nhiều địa danh kỳ vĩ được tắm đẫm sắc màu huyền thoại và truyền thuyết gắn với quá trình dựng nước và giữ nước. Trong hệ thống di tích, lịch sử văn hóa nơi đây, đặc biệt, độc đáo hơn cả là đền Củi, nơi thờ Liễu hạnh công chúa và tướng Hoàng Mười. Đền Củi nằm trên mái bắc của núi Hồng vươn mình sà xuống sông Lam, dòng sông dịu dàng ôm quanh chân núi để tạo nên cảnh sắc thơ mộng, điểm du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng

Ngược bến Lam Giang, từ cửa Hội nhìn vào bờ nam chúng ta sẽ bắt gặp đình Hội Thống, công trình được xây dựng từ thế kỷ XVII, với những chi tiết điêu khắc, chạm trổ tinh xảo, niềm tự hào của cư dân sông nước. Ngược dòng về Hồng Lĩnh ta lại bắt gặp bến Giang Đình- một di tích nằm trong "Nghi Xuân bát cảnh", nơi Cụ Nguyễn Tiên Điền vẫn thả mình với "Ân tình non nước" Hồng Lam.

Đặc biệt Nghi Xuân còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm cốt cách của con người xứ Nghệ như: Phường ví, Ca Trù, Trò Kiều….Nằm trong dải bờ biển dài 32 km của Nghi Xuân, khu du lich sinh thái biển Xuân Thành được biết đến như một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, đến với Xuân Thành, một địa chỉ của vùng quê văn hóa du khách có thể vừa tắm biển, vừa thăm thú các di tích, thắng cảnh bằng hệ thống giao thông thuận lợi. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn huyện Nghi Xuân có hơn 40 di tích, danh thắng được công nhận, xếp hạng

Khu Lưu niệm Đại thị hào Nguyễn Du

Khu Lưu niệm Đại thị hào Nguyễn Du

Các di tích, danh thắng ở Nghi Xuân đan xen, trong cự li không quá xa cho phép phát triển đa dạng hóa các lọai hình du lịch: Du lịch tâm linh thăm viếng các đền chùa trong đó đền Củi là điểm nhấn; Khu du lịch sinh thái biển Xuân Thành, du lịch văn hóa trong đó lấy không gian văn hóa truyện Kiều làm (đã được hoạch định trong đề án phát triển du lịch chung của tỉnh). Thời gian xây dựng cho một “tour” du lịch trên địa bàn ngắn nhất là một nửa ngày, dài nhất cũng chỉ 2 ngày 3 đêm. Với độ dài của tour như vậy rất phù hợp với du khách từ Thành phố Vinh và các huyện lân cận trong những ngày nghỉ cuối tuần.

Vì Đâu chưa khai thác hết?

Từ bức tranh tự nhiên- xã hội của huyện Nghi Xuân cho thấy Nghi Xuân có những tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch tổng hợp, tạo thế và lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, thực hiện mục tiêu phát triển chung của địa phương. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn đối với những người làm công tác du lịch ở đây đó là tiềm năng …vẫn mãi chỉ là tiềm năng.

Là trọng điểm thu hút khách du lịch của địa phương, thế nhưng sau 15 năm đi vào hoạt động, bãi biển Xuân Thành mãi như nàng công chúa ngủ quên. Do thiếu sự đầu tư bài bản, đồng bộ nên cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hoang sơ và lổm chổm. Mỗi năm khu du lịch được đầu tư từ 10 đến 15 tỷ đồng theo kiểu chắp vá, cái có sau chỉnh trang, sữa chữa cái trước thành ra chất lượng của các cơ sở lưu trú, kinh doanh ở đây còn nhiều phần hạn chế, đó là chưa kể đến kiểu kinh doanh "cụp giật" của các hộ tư thương vốn chưa trải qua lớp học nào về kỹ năng kinh doanh, phục vụ du lịch.

Tình trạng doanh nghiệp thuê đất nhưng không sử dụng còn nhiều khiến không gian nơi đây bị chia rẽ và mất đi tính hài hoà cân đối. Ở Xuân Thành vẫn chưa có doanh nghiệp đủ " máu mặt" nào nhảy vào đầu tư vì thế sản phẩm ở đây không những nghèo nàn, chất lượng phục vụ thấp mà vấn đề quảng bá còn trong diện hẹp

Nhiều đơn vị, các nhân khoanh đất không đầu tư khiến không gian du lịch nơi đây bị cắt xén mất đi tính hài hòa

Nhiều đơn vị, các nhân khoanh đất không đầu tư khiến không gian du lịch nơi đây bị cắt xén mất đi tính hài hòa

Anh Trần Thanh Hồng ở TP Vinh ( Nghệ An) người thường xuyên về tắm biển và nghỉ mát ở khu du lịch biển Xuân Thành vào những dịp cuối tuần cho biết "So với các bãi biển mà tôi từng đi qua thì bãi tắm Xuân Thành có rất nhiều lợi thế để thu hút du khách, nước biển trong xanh, bãi cát thoải và mịn lại có khe nước ngọn bao bọc, hải sản ở đây tươi sống…". Nhưng theo anh Hồng thì Khu du lịch Xuân Thành vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập trong việc nâng cao tính hấp dẫn của điểm đến như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch còn yếu…

Công trình trường đua chó xây dựng dở giang, gây lãng phí tiền của

Công trình trường đua chó xây dựng dở giang, gây lãng phí tiền của

Đa số khách đến tham quan các điểm du lịch văn hóa như Khu lưu niệm Nguyễn Du 1 lần rồi không trở lại, lý do sản phẩm du lịch ở đây còn đơn điệu. Sau khi đi tham quan xong nếu du khách muốn có chỗ nghỉ dưỡng hoặc thưởng thức một loại hình văn hoá truyền thống nào đó hầu như là rất khó

Một thực tại đáng buồn đã tồn tại bấy lâu nay là ở Nghi Xuân là giữa vùng quê văn vật mà chẳng tìm ra đâu ra một loại hình nghệ thuật, văn hoá dân gian để phục vụ khách du lịch ( mặc dù ở đây có đến 2 CLB Ca trù, 2 CLB hát Kiều, và nhiều đội văn nghệ hát xoan, phường ví…nhưng chỉ để phục vụ các hội thảo, khánh tiết.

Chị Đào Thị Tuyến – du kháh đến từ Hà Nội cho biết " Chúng tôi tìm đến quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du với mong muốn được khám phá và chiêm ngưỡng những giá trị văn hoá mà cụ Tố Như để lại, nhưng mỗi lần về đây vẫn chưa thoả mãn được mong ước của mình, điểm nghỉ dưỡng không có, nơi thưởng thức các giá trị văn hoá truyền thống cũng không, hàng hoá lưu niệm thì giản đơn không mang đặc sắc vùng miền"

Ông Lê Duy Việt- phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân:"Những năm gần đây nhận thức về Du lịch tuy có chuyển biến nhưng chưa đầy đủ và nhất quán, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Du lịch số lượng chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu trong giai đoạn mới, trình độ chuyên môn không phải chuyên ngành nên chưa phát huy được vai trò, vị trí của mình"

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast