Làng nghề xây xong rồi... bỏ đó!

HTX làng nghề mây tre đan Ngọc Lâm, xã Đức Lâm là mô hình đầu tiên của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) về phát triển HTX dịch vụ, làng nghề sản xuất mây tre đan xuất khẩu. Năm 2008, HTX này được đầu tư xây dựng nhà xưởng mây tre đan với tổng kinh phí hơn 530 triệu đồng. Sau khi nhận bàn giao công trình (11/2008) HTX đi vào hoạt động được 6 tháng. Từ đó đến nay, công trình này không được sử dụng, mặc nhiên nằm phơi mình trong mưa nắng...

Ông Nguyễn Đức Thuận – Chủ nhiệm HTX cho biết, công trình này xây dựng xong rồi… bỏ đó là vì HTX thiếu kinh phí sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân dẫn tới HTX mất khả năng tài chính là do khâu đào tạo tay nghề cho hội viên!

Nhà xưởng xuống cấp nghiêm trọng, sân biến thành nơi phơi rơm rạ

Nhà xưởng xuống cấp nghiêm trọng, sân biến thành nơi phơi rơm rạ

Tim hiểu kỹ vấn đề này chúng tôi được biết, trước khi xây dựng nhà xưởng để đi vào hoạt động, năm 2007, HTX làng nghề mây tre đan (lúc này đang là một bộ phận trong HTX nông nghiệp của xã Đức Lâm) đã được dự án IMPP của tỉnh hỗ trợ kinh phí gần 100 triệu đồng để đào tạo tay nghề cho hội viên. Đã có 60 hội viên là người trong xã Đức Lâm được các nghệ nhân ở Chương Mỹ (Hà Nội) đào tạo thành nghề. Sản phẩm đầu tay của họ là hơn 06 lô hàng với nhiều chủng loại khác nhau đã được bán ra thị trường thu về hơn 60 triệu đồng.

Mọi chuyện đang “xuôi chèo mát mái” với một HTX, một hướng đi mới nhiều triển vọng của người dân Đức Lâm còn đầy khó khăn thì bỗng dưng mọi việc như “nước dội vào lửa” khi chính quyền huyện, xã can thiệp vào việc đào tạo tay nghề đợt hai cho hội viên.

Theo quy định của dự án IMPP, chỉ có những người dân thuộc vùng hưởng lợi của dự án mới được cấp kinh phí để đào tạo nghề, song không hiểu sao trong đợt đào tạo lần hai do HTX tổ chức, huyện Đức Thọ và xã Đức Lâm đã cho 45 học viên của lớp học là người ở xã khác (không thuộc diện ưu tiên của dự án) tham gia lớp học.

Ông Nguyễn Đức Thuận – Chủ nhiệm HTX than thở: Khi dự án IMPP phát hiện ra việc trên đã không thanh toán kinh phí đào tạo cho các đối tượng này, trong lúc đó thì mọi kinh phí cho lớp đào tạo này HTX đã bỏ ra thanh toán hết. Vì thế, cho nên bao nhiêu vốn liếng để mua nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng hóa đã “trôi” theo lớp đào tạo nghề lần thứ hai này. Không có vật liệu sản xuất, nhà xưởng đành đóng cửa, hội viên đã được đào tạo nghề mới đành trở về với nghề ... cũ !

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thuận – Chủ tịch UBND xã Đức Lâm thừa nhận việc cho các đối tượng ở các xã khác không thuộc diện ưu tiên của dự án tham gia lớp đào tạo là sai quy định, xã vẫn biết điều này song do huyện chỉ đạo xuống nên chúng tôi phải cho 45 đối tượng nói trên tham gia lớp đào tạo nghề.

Máy móc hoen rỉ, "đắp chiếu" nằm trong kho.

Máy móc hoen rỉ, "đắp chiếu" nằm trong kho.

Chúng tôi đến khu nhà xưởng vào một buổi trưa nắng gắt, hơn nửa tỷ đồng của tỉnh đầu tư vào đây chỉ được sử dụng vỏn vẹn có 6 tháng, bây giờ thành một khu vực hoang hóa, lãng phí vô cùng. Nhà kho im ỉm, sân trở thành nơi phơi rơm rạ, cửa số bằng kính vỡ toe toét, máy móc cái thì bá mạng nhện, cái thì nằm lẫn trong đống rơm rạ, nhà xưởng bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng…

Thiết nghĩ: đây không chỉ là vấn đề lãng phí tiền của trong xây dựng mà xa hơn nó còn là vẫn đề xây dựng, phát triển các HTX – một thành phần kinh tế cơ bản trong nền kinh tế hiện nay như thế nào để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả lâu dài.

Không lẽ cứ xây dựng nhà xưởng xong rồi… bỏ đó, đào tạo nghề mới xong rồi lại trở về… nghề cũ, như ở HTX làng nghề mây tre đan Ngọc Lâm ở huyện Đức Thọ!?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast