Niềm vui nơi miền quê mới

Hiện tại các khu tái định cư Kỳ Lợi, Kỳ Liên đã có hàng trăm hộ di dời lên định cư…

Đến với khu tái định cư Kỳ Liên, Kỳ Lợi (Kỳ Anh) những ngày này mới thấy được niềm vui của bà con nơi đây. Trong không khí nhộn nhịp của miền đất mới, tiếng xe, máy gấp gáp của nhà thầu đang hoàn tất những phần việc cuối cùng của khu tái định cư, xen lẫn với tiếng cười rộn rã của các hộ dân cùng nhau xây cất nhà cửa.

Người dân ở khu tái định cư Kỳ Lợi giúp nhau xây dựng nhà mới.
Người dân ở khu tái định cư Kỳ Lợi giúp nhau xây dựng nhà mới.

Ghé nhà ông Nguyễn Xuân Miễn- một trong những hộ dân vừa di dời lên khu tái định cư Kỳ Liên, dù đang bận bịu với công việc lau dọn nhà cửa song ông Miễn vẫn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi: “Tuy phải dời dọn đến nơi ở mới, nhường chỗ cho dự án luyện cán thép, lọc hóa dầu của Tập đoàn Formosa, song gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây đều rất phấn khởi, tất cả vì dự án, vì sự phát triển chung của tỉnh.” So với nơi ở cũ, có thể khẳng định rằng ở khu khu tái định cư này tốt hơn rất nhiều. Hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, đường giao thông, hệ thống thoát thải còn hiện đại hơn cả thành phố ấy chứ - ông Miễn bộc bạch.

Cạnh nhà ông Miễn, hộ gia đình ông Hoàng Thế Song cũng đang tất bật dọn dẹp nhà mới, khi thất có khách đến thăm nhà, ông Song không dấu nổi niềm vui: “Quá trình đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án Formosa, gia đình tôi được đền bù gần 500 triệu đồng. Lên đây, sau khi trừ chi phí xây cất nhà cửa, sắm sửa một số vật dụng trong gia đình cũng còn dư hơn trăm triệu đồng. Vợ chồng đã có lương hưu nên số tiền còn lại tôi dự định gửi tiết kiệm để về sau dưỡng già. Còn 2 đứa con mới học nghề xong, sắp tới sẽ vào làm việc một trong những nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng, coi như tạm ổn. Các chú xem, điện, đường, nước sạch... đầy đủ cả, chẳng thiếu thứ gì, hiện đại còn ăn đứt thị trấn huyện Kỳ Anh ấy chứ”.

Bà Lê thị Tâm - xóm Tân Phúc Thành 2 (xã Kỳ Lợi) tâm sự: “Ngay sau khi nắm vững những thông tin về dự án bồi thường, cùng các chính sách đặc thù mà Đảng và nhà nước ban hành cho các hộ thuộc diện di dời ở Kỳ Lợi, hầu hết các hộ dân vùng bị ảnh hưởng đều thống nhất di dời. Người dân tại đây cũng ý thức rằng đây là dự án lớn của quốc gia, của tỉnh nhà, sau khi đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi mạnh cơ cấu lao động, xã hội, ngành nghề và kinh tế của địa phương.

Qua tiếp xúc với chúng tôi, ai cũng thừa nhận, nơi ở mới đẹp hơn, đàng hoàng hơn so với quê cũ. Bởi vậy, ai cũng cảm thấy thoải mái và hào hứng với cuộc sống mới. Bên cạnh đó, với những chính sách ưu tiên đặc biệt và những giải pháp nhằm ổn định cuộc sống trước mắt cũng như về lâu dài đang được các cấp chính quyền điạ phương triển khai một cách khoa học, hợp lý càng làm cho người dân cảm thấy yên tâm, tin tưởng hơn.

Dẫu còn nhiều bộn bề nhưng cuộc sống mới ở các khu TĐC đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Dẫu còn nhiều bộn bề nhưng cuộc sống mới ở các khu TĐC đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Ông Nguyễn Văn Bổng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh- Chủ tịch Hội đồng đền bù và giải phóng mặt bằng dự án Pormosa, cho biết: Để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân khi di dời lên khu tái định cư, thời gian qua, cùng với việc tiến hành áp giá đền bù nhà cửa, ruộng vườn một cách thoả đáng, các cấp chính quyền liên quan đã ban hành hàng loạt chính sách có tính ưu đãi đặc biệt cho bà con, ví như, đối với nam trên 60 tuổi và nữ trên 50 tuổi thuộc diện di dân tái định cư trong vùng dự án sẽ được cấp mỗi người 15kg gạo/1tháng trong vòng 5 năm. Ngoài ra, những hộ gia đình nào xung phong di dời đợt đầu sẽ được hỗ trợ tiền vận chuyển, tiền thưởng… Bên cạnh đó, các giải pháp mang tính chiến lược như mở trường đào tạo nghề cho con em vùng dự án vào học, sau đó về làm việc trong các khu công nghiệp. Đặc biệt huyện Kỳ Anh đang tiến hành rà roát quỹ đất trên địa bàn, phân chia cho bà con sản xuất, kinh doanh…

Để giúp các hộ dân di dời an toàn và có hiệu quả, ngoài việc hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát và giao cho các cấp hội chuẩn bị đón tiếp nhân dân và hộ dân tổ chức thực hiện, huyện còn phân công các thành viên đến từng hộ gia đình, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác đền bù GPMB, tổ chức họp với các hộ dân phải di dời để sớm lựa chọn, thống nhất các bước tiến hành, đồng thời thống kê chuẩn xác nguồn nhân lực để cùng với các cấp các ngành có chiến lược đào tạo nghề lâu dài cho người dân thuộc vùng dự án. Có thể nói, tất thảy những nỗ lực của các cấp ủy chính quyền đã và đang tạo ra những triển vọng về một sự đổi thay mới của người dân khu tái định cư.

Tổng diện tích các khu tái định cư Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương và Kỳ Lợi và Kỳ Thịnh trên 170ha. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn bởi những điều kiện khách quan đưa lại như thời tiết thất thường… song khối lượng thi công các khu tái định cư đến thời điểm này ước đạt trên 85%. Hiện, Tập đoàn xây dựng Xuân Thành (đơn vị tổng thầu) đang tập trung trên 600 công nhân cùng hơn 500 xe máy các loại, gấp rút hoàn thiện một số hạng mục còn lại như hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng nền đường nội vùng... Dự kiến, đến cuối tháng 3-2010 nhà thầu sẽ bàn giao khoảng 1.500 lô đất/1863 hộ phải di dời lên các khu tái định cư trên.

Rời khu tái định cư khi nắng chiều đã nhạt, từng vệt khói bếp trắng vươn lên trong ráng chiều, ánh điện bừng sáng lung linh trên quê hương mới báo hiệu một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn cho người dân nơi miền đất mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast