Tái hiện vùng giải phóng Củ Chi

Củ Chi - một huyện ngoại thành của TP.HCM nơi đây được ví như “Đất thép thành đồng” trong chiến tranh chống Mỹ.

Để vinh danh chiến công oai hùng và cũng là những bài học sống động nhắc nhở con cháu hôm nay không được quên quá khứ, Ban Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã tái hiện lại vùng giải phóng Củ Chi, tái hiện lại cuộc sống, những sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt đời thường của nơi đây trong vùng chiến tranh.

Đại tá Trần Văn Tâm, Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cho biết, từ khi được thành lập Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã đón tiếp và phục vụ hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Vì vậy, việc tái hiện vùng giải phóng Củ Chi là một nhu cầu khách quan và cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam và du khách nước ngoài cảm nhận đầy đủ về cuộc sống, cách sinh hoạt, lao động sản xuất... của người dân trong vùng giải phóng.

Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi được xây dựng trên diện tích khoảng 38,5 ha gồm có 5 không gian thể hiện lại quang cảnh con người, cuộc sống chiến đấu của nhân dân Củ Chi trong vùng giải phóng thời kỳ 1961-1975. Trong đó Không gian I tái hiện Củ Chi sau Đồng khởi (1961-1964), quang cảnh làng quê Củ Chi còn xanh tươi, cuộc sống sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường và sôi động khí thế cách mạng. Du khách khi bước vào khu giải phóng là gặp hình ảnh của người nông dân nơi đây với sinh hoạt rất đời thường: làm nghề tráng bánh, nấu rượu, chăn nuôi hay như làm nghề đan lát, trạm thông tin xã, hay như quang cảnh tăng gia sản xuất trong vùng giải phóng, có tượng trâu, người; quang cảnh chợ vùng giải phóng có quán cà phê, hủ tiếu, tiệm hớt tóc...

Không gian II tái hiện thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ (1965-1968), xóm làng, tài sản ruộng vườn bị phá, quân dân Củ Chi bắt đầu cuộc sống chiến đấu, nên phải chuyển xuống lòng đất. Những mô hình trong Không gian II là quang cảnh cuộc họp của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định để triển khai chỉ thị thành lập “Vành đai diệt Mỹ” trên đất Củ Chi, như hầm bảo vệ, hội trường, bếp Hoàng Cầm... Bên cạnh đó, có mô hình thể hiện quang cảnh vành đai diệt Mỹ.

Ông Trần Văn Tâm cho biết: Ban quản lý đang triển khai xây dựng Không gian III, IV, V; mỗi một không gian là thể hiện cho từng thời kỳ chiến tranh mà quân dân Củ Chi phải chống trả lại với những đợt tiến công của kẻ thù. Mỗi một không gian bao hàm những nét lịch sử của chiến tranh, nhưng cũng thể hiện sức sống mãnh liệt của nhân dân nơi đây.

Các doanh nghiệp cũng như ý kiến của các nhà chuyên môn về văn hóa, di tích lịch sử đều khẳng định, Địa đạo Củ Chi là một kỳ tích chiến tranh của quân dân Củ Chi nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung mà không một đất nước nào có được. Vì vậy, chính những người làm du lịch và những thế hệ hôm nay cần phải làm sao để cho mỗi du khách quốc tế đến đây hiểu về một vùng đất xưa kia không một tiếng gà có thể cất lên được, nhưng chính dưới lòng đất sự sống, cuộc sống của nhân dân Củ Chi vẫn sinh hoạt như không có chiến tranh xảy ra. Đó chính là mục đích của sự tái hiện lại lịch sử cho cuộc sống hôm nay.

Nguồn: Văn Hóa Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast