Từ câu nói của Bộ trưởng, ngẫm về du lịch Việt

Nhìn tổng thể bản đồ du lịch thế giới, Việt Nam đứng hạng 40 về lượng khách quốc tế, sau các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 17/11, khi được hỏi "Bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: "Tôi không dám trả lời mà xin nhường lại nhiệm kỳ sau".

Câu nói ban đầu tưởng hài hước, nhưng sau đó nhanh chóng được chú ý vì nếu Bộ trưởng còn không biết và không dám trả lời, thì ai sẽ là người nắm tình hình du lịch Việt Nam. Và hiện tại nước ta đang đứng ở đâu trên bản đồ du lịch thế giới?

So với Thái Lan, Singapore, Malaysia thì Việt Nam đứng chót

Trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2014, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, nhìn chung đã có sự suy giảm nhẹ đối với tổng thu từ khách du lịch ở khu vực Đông Nam Á. Số lượng khách du lịch tăng nhưng chi tiêu của khách lại không tăng.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhường câu trả lời tình hình du lịch cho người kế thừa nhiệm kỳ sau. Ảnh: TD

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhường câu trả lời tình hình du lịch cho người kế thừa nhiệm kỳ sau. Ảnh: TD

Trên bản đồ du lịch thế giới, Việt Nam được xếp hạng 40 về lượng khách quốc tế đến, đứng sau các nước lân cận như Malaysia (hạng 12), Thái Lan (hạng 14), Singapore (hạng 25) và Indonesia (hạng 34). Còn nếu tính riêng về tổng thu từ du lịch quốc tế, Việt Nam có thứ hạng 36 trên thế giới.

Tổ chức du lịch thế giới UNWTO đưa ra số liệu để dễ dàng hình dung. Trong năm 2014, lượng khách du lịch quốc tế đến Malaysia là 27,4 triệu, Thái Lan là 24,8 triệu, Singapore là 11,9 triệu, Indonesia là 9,4 triệu thì Việt Nam là 7,9 triệu khách. Tổng thu theo đó cũng xếp thứ tự là 21,8 tỷ USD cho Malaysia, 38,4 tỷ USD cho Thái Lan, 19,2 tỷ USD cho Singapore, 9,8 tỷ USD cho Indonesia và 7,3 tỷ USD cho Việt Nam.

Biểu đồ về lượng khách quốc tế đến và tổng thu từ khách quốc tế của các nước trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Biểu đồ về lượng khách quốc tế đến và tổng thu từ khách quốc tế của các nước trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Việt Nam - trên đà một đi không trở lại

Với lượng khách 7,9 triệu khách trong năm, du lịch Việt Nam cung cấp việc làm cho gần 1,6 triệu người lao động, nhưng con số này tăng hay giảm lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là con người.

Nhiều danh hiệu "mỹ miều" được dành tặng cho đất nước hình chữ S đến từ các tờ báo uy tín, tổ chức trên thế giới... Tạp chí Forbes của Mỹ từng chọn Việt Nam vị trí thứ 3 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới nên tham quan năm 2015, Hà Nội được tạp chí Travel & Leisure chọn đứng vị trí thứ 7 trong top 10 thành phố châu Á, Tripadvisor chọn Đà Nẵng đứng đầu danh sách điểm du lịch đáng đến năm 2015...

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, tuy nhiên chưa đủ để khiến khách quay trở lại. Ảnh: dulichvietnam

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, tuy nhiên chưa đủ để khiến khách quay trở lại. Ảnh: dulichvietnam

Thế nhưng, những danh hiệu này không đủ để kéo khách quay trở lại và đưa du lịch Việt Nam đuổi kịp với các nước láng giềng. Nhiều vụ việc "lùm xùm" của du lịch Việt liên tục bị đưa lên mặt báo quốc tế, các trang web du lịch thế giới và nhận lại phản ứng từ du khách. Đó là việc khách tây bị mất cắp đồ ngay khi xuống sân bay, rồi khách đang ngủ trên xe giường nằm thì bị trộm ipad, iphone đặt trên người; bị ép trả tiền chuộc cho máy ảnh đánh rơi trong hang; đánh giày bắt khách trả gần 900.000 đồng chỉ cho vài mũi khâu ở phố cổ, rạch túi xách trong các lễ hội ẩm thực...

Thậm chí, một số khách từng đến Việt Nam còn khẳng định rằng "Người Việt xem khách không khác gì trụ ATM biết đi" và "chúng tôi sẽ không bao giờ quay lại Việt Nam". Đây là những vấn đề nhan nhản và hiển nhiên diễn ra từ năm này đến tháng nọ, nhưng chưa bao giờ được xử lý triệt để và mạnh tay.

Đại biểu Phạm Thị Hải cũng nói rằng Việt Nam hiện giờ không thể lấy Thái Lan làm chuẩn nữa mà chỉ có thể so được với Lào, Campuchia. Năm 2000, Campuchia chỉ có 400.000 lượt khách, năm 2014 đã tăng gấp 10 lần. Còn Lào từ 700.000 lượt khách tăng lên 4 triệu, gấp 6 lần, trong khi Việt Nam xuất phát điểm năm 2000 là 2 triệu thì đến năm 2014 chỉ đạt gần 8 triệu, tăng 4 lần.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh: "Với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch, những gì đã cố gắng thì cố gắng rồi. Chưa đạt được mong muốn của Quốc hội tôi xin chịu trách nhiệm và truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp".

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast