Về miền xưa cũ

Hương Khê những ngày trước và sau khi tôi đến luôn xuất hiện trên bản tin thời tiết của VTV với mức nhiệt trên dưới 40 độ. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy mướt mồ hôi, thế nhưng đường lên Hương Khê mùa này vẫn xanh ngút ngát cây rừng, vẫn thoảng hương hoa dịu ngọt và ở đó chưa thật nhiều người biết đến Trung tâm phát triển Hương Bình với không gian khoáng đạt, tĩnh mịch, mát mẻ gợi nhớ một miền xưa cũ…

Khôi phục làng quê và các ngành nghề

Từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào xã Hương Bình, qua mấy ngôi làng, vài cánh đồng là đến Trung tâm phát triển Hương Bình. Xuất hiện đã khá lâu nhưng vẫn chưa thật nhiều người biết về một trung tâm như thế phía trong sự im ắng của những cánh đồng lúa Hương Bình. Từ năm 1995, Hội Huynh đệ Việt Nam tiếp nhận trung tâm Hương Bình từ UBND huyện Hương Khê với mục tiêu đầu tiên là khôi phục laị một làng quê với đầy đủ các ngành nghề đã từng có trong lịch sử. Ngay tại đây sẽ tiến hành thực nghiệm những mô hình môi trường nông nghiệp bền vững. Theo đó việc trồng trọt sẽ được thực hiện theo một qui trình nghiêm ngặt, đảm bảo sản phẩm sạch đồng thời môi trường cũng hoàn toàn trong sạch không bị ô nhiễm bởi các loại hoá chất và rác thải sinh hoạt. Trung tâm Hương Bình là một trung tâm khuyến nông và cũng hướng đến xây dựng một trung tâm văn hóa nông thôn. Chính vì thế ngoài việc mở những lớp tập huấn về các kiến thức canh tác nông nghiệp cho nông dân trong vùng, lãnh đạo Trung tâm còn tập trung xây dựng sao cho Trung tâm trở thành nơi tham quan, nghỉ ngơi cho du khách. Trên diện tích gần 10ha với miên man cây cối và những công trình có ý nghĩa như thư viện, nhà truyền thống, bảo tàng, hồ cá, vườn cây thuốc nam…, Trung tâm là một nơi rất khoáng đạt và đầy hoài niệm. Trung tâm được thiết kế xây dựng rất chi tiết từ những bờ hàng rào, tấm bảng chỉ dẫn cho đến cách sắp xếp khuôn viên cũng đều hợp lý và rất đẹp.

Nơi sưu tầm và lưu giữ hồn xưa

Hiện nay khu bảo tồn truyền thống của Trung tâm đã sưu tầm được 5 căn nhà cổ trong đó lưu giữ những vật dụng gắn bó với đời sống nông nghiệp xưa của người Việt như: chõng tre, áo tơi, cối xay lúa, chày đạp, che ép mật mía. Với những người chưa bao giờ biết đến những vật này thì đó quả là một khám phá thú vị để hiểu thêm về lịch sử và đời sống của người dân Việt một thời. Còn đối với những người đã biết, đã từng gắn bó với nó thì đây là một không gian văn hóa gợi họ nhớ về những kỷ niệm của chính mình. Điều thú vị là sau khi vượt qua một quãng đường xa xôi, bỏ lại sau lưng cáI ồn ào, náo nhiệt của thị thành, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn người ta có thể dễ dàng lấy lại được sự cân bằng, thanh thản trong lòng. Những hàng cau vươn mình trong nắng, những máI tranh mát mẻ gợi cho tôi những kỷ niệm về ngôI nhà cũ nơi làng quê yên ả của mình. Chiếc áo tơi gợi tôi nhớ đến hình ảnh lam lũ của một cụ già trong làng, ngày nắng cũng như ngày mưa cứ khoác lên mình ra đồng vừa chăn trâu vừa làm lụng những việc nhà nông. Ông đã sống trọn đời mình trong không gian ấy, trong điều kiện sống ấy mà không hề biết đến một vật dụng nào của cuộc sống văn minh…Và chiếc che ép mật mía lại gợi những âm thanh văng vẳng mỗi lần làng vào vụ mía. Giờ thì chẳng còn nữa những ruộng mía, chẳng còn nữa âm thanh mùa màng ấy và làng quê như cũng mất hẳn đi một cái gì đó khiến những người gắn bó với nó bỗng thấy chơi vơi… Tôi tin rằng những ngôI nhà ấy, những vật dụng ấy sẽ là điểm gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, giữa những thời kỳ lịch sử của văn hoá Việt... Không chỉ có thế, đi giữa không gian ấy, tôi thật sự thấy mình được hoà vào thiên nhiên khi quanh tôi là những vườn cây hoa lá dập dìu ong bướm, nhất là mùi hương dịu ngọt của loài hoa dẻ rừng bao giờ cũng gợi về rất nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ. Đến đây, du khách còn có thể tận hưởng những phút giây thư giãn bên hồ cá, thậm chí còn có thể cùng bà con cấy cày, gặt hái trên những thửa ruộng trong khuôn viên Trung tâm và đặc biệt là được thưởng thức loại gạo bát xa xưa…

Hiện nay, song song với việc xây dựng cơ sở vật chất của Trung tâm, Hội huynh đệ còn hướng đến các chương trình bảo vệ môi trường, văn hóa xã hội với nhiều nội dung có ý nghĩa như: hỗ trợ nhân dân làm giếng nước sạch, nhà vệ sinh, nhà tắm sạch; xây dựng ký túc xá dành cho trẻ mồ côi, thư viện miễn phí, đào tạo và hướng nghiệp nghề… Mặc dù vậy, ấn tượng đậm nhất trong tôi vẫn là một không gian văn hóa nông thôn nguyên bản. Và quả thật là trung tâm đang ngày càng hiện lên với vóc dáng mềm mại, yên bình, lắng sâu và chắc chắn sẽ làm giàu thêm những tâm hồn đồng thời thức tỉnh những miền ký ức xa xôi mà trong trẻo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast