Giá vàng hôm nay: Lao dốc dưới lực đẩy của đồng USD

Giá vàng thế giới lại quay đầu giảm nhanh xuống quanh 1.310 USD/oz, thấp nhất gần 1 tuần, dưới sức ép của đồng USD vốn đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Giá vàng SJC cũng tiếp tục giảm nhẹ trong sáng nay.

Đồng USD tiếp tục tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt, trừ yên Nhật, trong phiên giao dịch hôm qua, phiên tăng thứ 2 liên tiếp nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa trong năm nay và có thể thực hiện lần tăng đầu tiên vào tháng 3 tới. Trong khi đồng tiền chung châu Âu đang chịu áp lực chốt lời mạnh sau khi tăng lên cao nhất 3,5 tháng cũng hỗ trợ thêm cho đà tăng của đồng USD.

Đồng bạc xanh phục hồi lập tức đẩy giá vàng thế giới lao dốc xuống quanh 1.310 USS/oz – thấp nhất kể từ ngày 4/1. Hiện giá vàng kỳ hạn tháng 2 đang dừng ở 1.311,8 USD/oz; giá vàng giao ngay cũng rơi xuống quanh 1.310 USD/oz.

Giá vàng thế giới lao dốc kéo giá vàng SJC cũng tiếp tục giảm thêm trong sáng nay, song mức độ là khá nhẹ. Do giảm chậm hơn nên hiện giá vàng SJC lại nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới lên 650 nghìn đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI trong 7 ngày qua

Theo đó sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ giảm nhẹ giá mua bán vàng SJC 20.000 đồng/lượng xuống 36,38 – 36,58 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI cũng giảm giá bán ra vàng SJC 20.000 đồng/lượng xuống còn 36,53 triệu đồng/lượng, song giảm giá mua vào tới 70.000 đồng/lượng xuống 36,43 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng Rồng Thăng Long sáng nay được niêm yết ở mức 35,83 – 36,28 triệu đồng/lượng, có nghĩa chỉ thấp hơn vàng SJC khoảng 300.000 đồng/lượng; giá vàng PNJ ở mức 36,06 – 36,46 triệu đồng/lượng.

Thời gian gần đây, mức độ biến động của giá vàng trong nước là khá nhẹ, thậm chí giá vàng SJC vẫn giảm ngay cả khi giá vàng thế giới tăng. Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia về vàng cho biết là do hiện nhu cầu vàng vật chất trong nước là rất yếu ớt.

Tại buổi họp báo mới đây của NHNN Việt Nam, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng đánh giá, từ đầu năm 2017 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. Vì vậy thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng bước đầy được chuyển hoá để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Quay trở lại với thị trường vàng thế giới, nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng thế giới đang chịu khá nhiều áp lực.

Hiện đồng USD đang có xu hướng phục hồi nhờ kỳ vọng Fed tăng lãi suất và thậm chí có thể tăng nhanh hơn khi chính sách cắt giảm thuế của Mỹ đẩy tăng trưởng và làm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cao hơn.

Trong khi, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu đã đẩy tăng khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư, khiến họ quay lưng lại với các tài sản an toàn trong đó có vàng.

Chưa hết, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có xu hướng dịu bớt với cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong khi các điểm nóng địa chính trị khác cũng không có diễn biến gì mới. Điều đó đã lấy mất đi một chỗ dựa lớn cho vàng.

Xem ra giá vàng thế giới đã quay lại với cơn bĩ cực.

Theo Thời báo Ngân hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói