Hãy sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan!

(Baohatinh.vn) - Mạng xã hội, bản chất của nó chưa bao giờ là xấu. Thế nhưng, qua tay người dùng, mỗi tài khoản mang một sắc màu, cá tính khác nhau. Khai thác và sử dụng mạng xã hội như thế nào để nó thực sự là công cụ hữu ích và làm cho con người nâng tầm về văn hóa là điều cần bàn.

>> Mạng xã hội - “con dao hai lưỡi”

Hãy sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan! ảnh 1

Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh tổ chức diễn đàn "học sinh, sinh viên với văn hóa sử dụng các trang mạng xã hội".

Giới trẻ lệch lạc

Theo thống kê mới nhất của Facebook, Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người sử dụng mạng xã hội này, trong đó, 3/4 người dùng độ tuổi từ 18-34. Đối tượng sử dụng Facebook nhiều nhất, thường xuyên nhất và bị ảnh hưởng nhất là giới trẻ, trong đó, chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Em L.T.T. - học sinh lớp 12 Trường THPT Thành Sen tâm sự: “Mới đầu, em tham gia Facebook chỉ là cho có phong trào để kết nối bạn bè, sau lại thành thói quen. Mỗi lần mở điện thoại mà không vào Facebook tán gẫu lại cảm thấy bứt rứt không yên. Đôi khi vào Facebook chỉ là viết những điều không đâu, hay đăng những bức ảnh “tự sướng” rồi ngồi chờ like hay comment”.

Em còn tiết lộ, trên mạng xã hội có hiện tượng lập nhóm, hội để bêu xấu, công kích lẫn nhau. Lúc đầu chỉ là những nhóm fan của ca sỹ này, diễn viên nọ, hay là CLB bóng đá ưa thích… để ủng hộ thần tượng hay cổ vũ cho đội bóng của mình, về sau dẫn đến ghen tỵ, bêu xấu nhau bằng những ngôn từ chợ búa, thậm chí, còn hẹn nhau để “ăn thua”.

Ở lứa tuổi dễ bị kích động, dễ bắt chước, không ít bạn trẻ tự làm hại mình khi không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ. Đã có những vụ việc thương tâm khi một vài học sinh phải quyên sinh hay trở nên trầm cảm chỉ vì mạng xã hội. Tháng 6/2015, một nữ sinh ở Đồng Nai đã tự tử vì xấu hổ sau khi bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng xã hội. Trước đó, một nữ sinh ở Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị bạn cùng lớp ghép ảnh nhạy cảm và tung lên Facebook. Một nữ sinh Đà Nẵng khác cũng mua thuốc an thần về uống nhằm tự tử trước những lời đồn đại từ bạn bè trên Facebook...

Mới đây, trên Facebook của một thanh niên Hà Tĩnh đăng tải video quay lại hiện trường một vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn và bị rất nhiều người chỉ trích vì vô cảm, không cứu giúp mà còn quay video “khoe” lên mạng xã hội. Giới Facebook Hà Tĩnh lại xôn xao với clip của 2 nữ sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Nhằm gây sự chú ý để được nổi tiếng, 2 bạn này đã “bám đuôi” một người già đi xe máy và nói những lời lẽ thô tục. Đáng chê trách là 2 bạn trẻ này ghi lại hành động phản cảm của mình và đăng lên Facebook nhằm “câu like”. Hành động của 2 nữ sinh bị cộng đồng mạng lên án dữ dội và ngay sau đó đã phải “đóng cửa” Facebook...

Hãy sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan! ảnh 2

Mỗi cá nhân, mỗi nhóm phải tự xây dựng hình ảnh đẹp cho riêng mình và nhắc nhau ý thức sử dụng mạng mạng xã hội có văn hóa

Hãy dùng mạng xã hội có văn hóa!

Những công dụng của mạng xã hội là không thể chối bỏ nhưng những “mảng tối” của nó cần phải xóa bỏ. Chúng ta không thể cấm giới trẻ sử dụng mạng xã hội, nhưng phải quan tâm và định hướng phát triển cho con em sử dụng có văn hóa. Thay vì những clip nữ sinh đánh hội đồng bạn học, bạn nữ chụp hình gợi cảm đưa lên mạng, hoặc “rao” tình trên Facebook… người dùng nên chia sẻ những tấm gương, kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống để người khác noi gương.

Thay vì thành lập trên mạng xã hội những nhóm hội như: “Hội những người ngu mà tỏ ra nguy hiểm”, “Hội những thằng thích hút thuốc lào”, “Hội những người thích cướp LX để đi chơi với người yêu”… nên có những nhóm hội về gia đình để gắn kết tình thân, nhóm hội trong trường học để chia sẻ kinh nghiệm học tập, trao đổi thông tin từ thiện, đặc biệt là nêu những tấm gương điển hình... Theo đó, mỗi cá nhân hãy xem mạng xã hội là phương tiện để chiếm lĩnh tri thức, cập nhật thông tin, lưu giữ kỷ niệm, liên lạc với người thân, bạn bè.

Bàn về vấn đề này, ông Phan Tấn Linh - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết: “Mỗi cá nhân, tổ chức cần đề ra cho mình một nguyên tắc và làm sao để tận dụng tối ưu những thành quả của công nghệ, hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy của nó. Đặc biệt, đối với lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô cần có định hướng, điều chỉnh, nhắc nhở để học sinh ý thức được những nguy cơ của việc sử dụng mạng xã hội, những nguy hiểm khi chia sẻ thông tin và suy nghĩ của bản thân lên các trang mạng này”.

Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, hiện nay, một số nhà trường đã ban hành quy định đối với học sinh khi tham gia mạng xã hội. Đây là việc làm rất hay và cần thiết nhằm định hướng cho học sinh tránh xa những mặt tiêu cực từ Facebook, sử dụng mạng xã hội đúng cách. Ngoài ra, nhà trường có thể liên kết và mời công an, những chuyên gia tư vấn, chuyên gia tâm lý tổ chức các buổi trao đổi với học sinh, cung cấp cho các em những thông tin pháp lý và thực tế để cảnh báo, giúp các em sử dụng mạng xã hội theo hướng có lợi nhất.

Để quản lý các mạng xã hội nói riêng và hoạt động internet nói chung, thời gian qua, Bộ Thông tin – Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản. Nhìn chung, các văn bản này nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc quản lý của các cơ quan chức năng chứ chưa quan tâm đến lợi ích và khuyến khích, hướng dẫn những người sử dụng mạng xã hội phát triển theo hướng lành mạnh. Bởi vậy, bên cạnh việc ban hành những văn bản quản lý hành chính, quan trọng hơn cả là xây dựng một thế giới mạng lành mạnh. Trong môi trường mạng xã hội, việc giáo dục từ phía gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có tác dụng tích cực hơn cho giới trẻ khi xây dựng phong cách ứng xử có văn hóa giữa người với người. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm phải tự xây dựng hình ảnh đẹp cho riêng mình và nhắc nhau ý thức sử dụng mạng mạng xã hội có văn hóa!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast