Tiết lộ chuyện "sống để dạ chết mang theo" của Phạm Xuân Ẩn

Hôm 23/1 tại Đường sách TP.HCM, GS Larry Berman sẽ công bố một số thông tin “chưa từng được tiết lộ” về cuộc đời nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn theo di nguyện của chính ông Ẩn rằng: "Chỉ được công bố sau khi tôi chết".

Tiết lộ chuyện "sống để dạ chết mang theo" của Phạm Xuân Ẩn ảnh 1

GS Larry Berman, tác giả cuốn sách X6 - Điệp viên hoàn hảo, trong buổi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ sáng 22-1 tại khách sạn Continental - Ảnh: Thanh

Giáo sư Larry Berman, tác giả quyển sách nổi tiếng X6 - Điệp viên hoàn hảo viết về cuộc đời nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, vừa trở lại TP.HCM với một trong những việc quan trọng là đọc duyệt kịch bản bộ phim truyền hình 30 tập về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn.

Ông dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi xoay quanh những gì còn chưa nói về Phạm Xuân Ẩn trong cả sách và phim...

* Được biết ông vừa duyệt qua kịch bản bộ phim truyền hình về Phạm Xuân Ẩn, ông thấy thế nào? Và với bộ phim này người xem sẽ biết thêm những gì mà ở quyển sách X6 - Điệp viên hoàn hảo chưa nói?

- Thật ra về bộ phim này tôi chưa thể nói gì nhiều, vì lát nữa đây tôi sẽ còn qua Công ty Cát Tiên Sa để thảo luận chi tiết thêm về bộ phim, và sẽ đề cập tại buổi nói chuyện vào chiều 23-1 tại Đường sách TP.HCM.

Nhưng tôi có dịp xem qua kịch bản 30 tập bộ phim này và hoàn toàn rất vui, bởi vì bộ phim này giống như một sự tái hiện đầy đủ và chi tiết về cuốn sách của tôi, nội dung phim bám rất sát với góc nhìn của tôi về Phạm Xuân Ẩn. Và tôi hi vọng bộ phim này sẽ sớm có giấy phép và được phép ra mắt công chúng.

Điều tôi hi vọng nhất khi bộ phim này ra đời là khán giả Việt Nam khi xem phim sẽ có góc nhìn cụ thể và hình dung ra một tình yêu rất lớn của ông Phạm Xuân Ẩn dành cho cả Mỹ và Việt Nam.

Phạm Xuân Ẩn từng đi học ở Mỹ và cảm nhận về nền văn hóa giáo dục của Mỹ. Nhưng hai tình yêu lớn của Phạm Xuân Ẩn dành cho hai quốc gia này lại bị chia cắt bởi một cuộc chiến. Và tôi hi vọng trong tương lai gần, cả hai quốc gia sẽ tiến đến một mối quan hệ hợp tác hữu nghị và toàn diện.

* Trong bản gốc quyển sách ông có đưa ra chi tiết rằng từ năm 1972, Phạm Xuân Ẩn có đưa ra nhận định về những nguy cơ đến từ Trung Quốc, đó là những cảnh báo gì?

- . Tôi hi vọng trong lần tái bản quyển sách sắp tới, tôi sẽ viết một lời đề từ mới, trong đó có đề cập rằng vào năm 1972 sau khi tổng thống Nixon đến Trung Quốc, mọi thứ trở nên khó khăn với ông Phạm Xuân Ẩn hơn một chút bởi vì khi đó ở Việt Nam hiện diện rất nhiều đặc vụ của Trung Quốc.

Và tôi rất muốn những báo cáo của ông Ẩn về Trung Quốc thời kỳ đó được đưa vào cuốn sách này. Nhưng chừng nào những tài liệu này vẫn chưa được thông qua bởi chính quyền Việt Nam thì tôi nghĩ mình không nên nói, không được phép nói.

* Được biết ông có ý định tìm nhà sản xuất để bắt tay làm một bộ phim điện ảnh về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, vì sao sau một bộ phim truyền hình 30 tập, ông vẫn đeo đuổi làm thêm một phim điện ảnh về Phạm Xuân Ẩn?

- Hiện tại thì 30 tập phim truyền hình vẫn chưa được ra mắt, nhưng tôi đang rất muốn bộ phim sẽ được cấp phép và được chiếu, như vậy bộ phim sẽ mang về một nguồn tài chính không nhỏ để tôi có thể dùng nguồn tài chính này đầu tư vào bộ phim nhựa dành cho ông Ẩn.

Bởi vì cuộc đời ông Ẩn quá vĩ đại, và tôi nghĩ rằng nó nên được kể lại dưới dạng phim điện ảnh, có thể là một bộ phim được quay ở Việt Nam, lấy bối cảnh Việt Nam, nhưng có sự tham gia của Hollywood. Và đó sẽ là một bộ phim về chiến tranh, về hòa bình, về tình bằng hữu, về tình yêu của Phạm Xuân Ẩn dành cho hai quốc gia.

Tôi nghĩ rằng tất cả những nội dung đó và cả cuộc đời hoạt động của ông Ẩn là đủ tầm để làm một bộ phim như vậy.

* Và ông đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng này chưa?

- Hiện giờ đã có hai kịch bản, một được viết ở Mỹ, sẽ đem về Việt Nam làm phim, nhưng như vậy sợ rằng không có đủ kinh phí, và hơn nữa thị trường phim Việt Nam đang chuộng phim giải trí, e rằng người ta không mặn mà lắm với một bộ phim về chính trị như vậy.

Và kịch bản thứ hai tôi mong đợi nhất là được viết từ Việt Nam, sau đó được quay tại Việt Nam, nhưng nó sẽ là một phim đẳng cấp quốc tế, đủ sức để tham gia các liên hoan phim quốc tế.

Ước mơ của tôi là bộ phim này có thể dự giải Oscar và đoạt giải “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” (cười).

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast