Vượt ‘Chiến lang 2’, bom tấn Ấn Độ chinh phục quốc tế

“Chiến lang 2” có thể làm mưa làm gió ở thị trường Trung Quốc nhưng thất bại khi chinh phục toàn cầu, trái ngược với hai bom tấn Ấn Độ gần đây là “Dangal” và “Baahubali 2”.

Không chỉ lập kỷ lục trong nước, hai tác phẩm Ấn Độ còn thành công lớn khi vươn ra ngoài biên giới, điều rất hiếm thấy trước đây. Không phải Trung Quốc, Ấn Độ mới là nền điện ảnh khiến Hollywood phải ngưỡng mộ.

Điện ảnh Ấn Độ từ lâu đã được xem là ngành công nghiệp sản xuất phim số một thế giới. Mỗi năm Ấn Độ cho ra mắt khoảng 2.000 bộ phim, cao gấp đôi Hollywood và hơn gấp ba Trung Quốc.

Và khác với hầu hết các nền điện ảnh lớn trên thế giới đều bị Hollywood chinh phục trên sân nhà, với khán giả Ấn Độ những bộ phim “hàng nhà” mới là lý do họ bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim. Tỷ lệ nội địa hóa của phim Ấn lên tới 85%, cao nhất thế giới.

vuot  lang 2 bom tan an do chinh phuc quoc te
Baahubali 2 đang chinh phục thị trường điện ảnh toàn cầu.

Bollywood được xem là ngành công nghiệp sản xuất phim nhiều nhất thế giới. Xếp thứ hai là... Tollywood (với ngôn ngữ Telugu, một trong 6 ngôn ngữ chính ở Ấn Độ, với nhóm dân cư sống ở phía Nam Ấn Độ, tiếp giáp Sri Lanka và Ấn Độ Dương) và thứ ba mới hãy tính đến Hollywood.

Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, điện ảnh Ấn Độ giờ đây không chỉ chinh phục khán giả trong nước hay các nước khu vực Trung Đông, Nam Á nữa mà đã bắt đầu vươn ra thế giới, tấn công Trung Quốc và Bắc Mỹ.

Câu chuyện kỳ diệu về sự thành công toàn cầu của hai bộ phim bom tấn Ấn Độ là Dangal (phim tiểu sử, thể thao) và Baahubali 2 (phim sử thi, thần thoại) đã cho thấy sức mạnh nội tại của nền điện ảnh này.

Và khác với các bộ phim có doanh thu khủng tại thị trường Trung Quốc thường nặng tính giải trí, tuyên truyền nhưng bị đánh giá thấp về chất lượng nghệ thuật, hai tác phẩm Ấn Độ không chỉ được khán giả yêu thích mà còn chinh phục được giới phê bình quốc tế.

Dangal lập kỷ lục phim Ấn toàn cầu

Nhắc đến điện ảnh Ấn Độ, chúng ta dễ bị mặc định trong đầu về những bộ phim dài trên dưới ba tiếng đồng hồ, nội dung sướt mướt, ca hát nhảy múa chiếm gần một nửa thời lượng và cứ... ba phút thì có một màn slow-mo (quay chậm) sốt ruột. Hãy quên dần những định kiến đó đi.

Tất nhiên phim Ấn vẫn dài lê thê, vẫn trên dưới ba tiếng đồng hồ (có như vậy mới làm thỏa mãn công dân của họ) nhưng chúng đang dần dần được thay đổi về “khẩu vị” để chinh phục khán giả quốc tế.

Nói “dần dần thay đổi” có nghĩa là bản sắc của phim Ấn vẫn không mất đi, nhưng đề tài, phong cách thể hiện đã được quốc tế hóa để nâng lên một tầm cao mới.

Dangal, bộ phim thể thao dựa theo một câu chuyện có thật, kể về một ông bố ở làng quê Ấn Độ, tự tay đào tạo huấn luyện hai cô con gái trở thành vận động viên đô vật đoạt Huy chương vàng quốc tế, là ví dụ thành công tiêu biểu nhất.

vuot  lang 2 bom tan an do chinh phuc quoc te
Dangal không có vũ đạo và hát hò tưng bừng.

Dangal không có những màn vũ đạo và hát hò tưng bừng, thay vào đó là những bản nhạc rap và hip hop có vai trò khá quan trọng - dẫn chuyện phim. Phim cũng hạn chế những màn quay chậm kiểu slo-mo hay những câu chuyện ngôn tình sướt mướt tốn thời gian.

Cách kể chuyện phim trực diện, lôi cuốn và hài hước, nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc và khả năng truyền cảm hứng qua những đoạn cao trào khiến Dangal mang hơi hướm của một bộ phim Hollywood. Đây là điều mà ngay cả những bộ phim Hollywood gần đây cũng khó làm được.

Trong khi Chiến lang khích động tinh thần Đại Hán hiếu chiến, Dangal của Ấn Độ đề cao tinh thần dân tộc nhưng hoàn toàn khác hẳn. Đạo diễn Tiwari nói: “Thành công của bộ phim là nhờ khích lệ tinh thần và niềm tự hào dân tộc của người Ấn, là cách bộ phim đánh vào những hủ tục, những quan điểm nhiều định kiến về truyền thống và giới tính của Ấn Độ”.

Nam diễn viên, ngôi sao huyền thoại của Bollywood Aamir Khan là linh hồn của bộ phim này, với vai ông bố Mahavir, một cựu vận động viên đô vật bắt hai cô con gái phải thực hiện giấc mơ dang dở của mình: đoạt huy chương vàng thế giới.

Aamir Khan tăng gần 30 cân cho vai diễn này, thể hiện hình ảnh trong suốt nhiều năm của Mahavir, từ một vận động viên đô vật 6 múi đến một ông bố quá cân. Nhưng hình thức chỉ là thứ chinh phục bên ngoài của Aamir.

Khả năng nhập vai và truyền cảm hứng của anh mới là lý do chính để bộ phim này khiến khán giả lên cơn sốt, như điều anh từng làm được với các bộ phim lập kỷ lục doanh thu nội địa trước đó (Three Idiots, PK...).

Dangal không chỉ là bộ phim ăn khách nhất của Ấn Độ năm 2016 mà sang mùa hè 2017 vẫn tạo cơn sốt tại... Trung Quốc. Ở đất nước láng giềng có dân số tương đương này, Dangal thu về 193 triệu USD tiền vé và hiện đứng thứ 6 trong những bộ phim ăn khách nhất của Trung Quốc năm 2017.

Tại Mỹ, một thị trường mà khán giả gần như từ chối xem phim có phụ đề, Dangal cũng thu được 12 triệu USD. Tổng doanh thu của Dangal đến nay đã vượt 300 triệu USD toàn cầu, trở thành bộ phim Ấn ăn khách nhất mọi thời đại.

Không chỉ thành công về thương mại, Dangal cũng rất được khán giả yêu thích. Trên trang Imdb, điểm của bộ phim này là 8,7/10 (từ 63.000 bình chọn), xếp thứ 74 trong 250 bộ phim hay nhất mọi thời đại và của mọi ngôn ngữ do khán giả chọn.

Giới phê bình của Mỹ cũng dành nhiều đánh giá tích cực cho bộ phim với số điểm trên trang Rotten Tomatoes là 86% .

Kỷ lục của sử thi Baahubali 2

Trong khi Dangal đang vẫn tiếp tục chinh phục khán giả thế giới, tác phẩm sử thi pha thần thoại mới ra mắt hè năm nay của Ấn là Baahubali 2 tiếp tục thắng lợi giòn giã và trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại tại nội địa và đang trên đà chinh phục toàn cầu.

vuot  lang 2 bom tan an do chinh phuc quoc te
Baahubali đề cao niềm tự hào dân tộc.

Bộ đôi Baahubali của Ấn khá giống với trường hợp của hai phần Chiến lang của Trung Quốc. Phần một của hai loạt phim này đều ra mắt năm 2015 và thành công vừa phải, cho đến khi phần hai ra mắt trong năm nay mới thực sự bùng nổ.

Cả hai đều là những bộ phim nặng tính hư cấu, đề cao tinh thần dân tộc, nhưng phim Trung Quốc kích động tinh thần hiếu chiến của Đại Hán thì phim của Ấn Độ lại đề cao niềm tự hào dân tộc qua những bản sử thi giàu bản sắc có sức sống vài ngàn năm.

Baahubali: The Beginning (Sử thi Baahubali: Khởi nguyên) dài 2h 40 phút, kể câu chuyện hai anh em cùng mẹ khác cha phải đấu tranh chống quân xâm lăng để được người mẹ là Nữ hoàng Sivagami chọn một trong hai làm vua của vương quốc Mahishmati.

Nhân vật chính, người anh hùng Baahubali do ngôi sao của Tollywood là Prabhas đóng, người anh trai đối đầu Bhallaladeva do Rana Daggubati thủ vai. Cả hai đều là ngôi sao sáng giá của ngành công nghiệp điện ảnh Tollywood.

Và để tái hiện hình thể cường tráng của những vị dũng sĩ, vị thần trong sử thi Ấn Độ, hai ngôi sao này đã trải qua quá trình tập luyện suốt sáu tháng trời, từ võ thuật đến hình thể. Nam diễn viên Rana Daggubai, vốn xuất thân là một người mẫu, cho biết anh phải tập nghiêm ngặt với một huấn luyện viên võ thuật người Việt Nam có tên là Tuấn.

Hầu hết những cảnh đại chiến trong phim đều được tạo ra bởi kỹ xảo CGI, nhưng chúng rất sinh động và khá chân thực. Thêm vào đó, việc huy động hàng ngàn diễn viên quần chúng trong những cảnh đại chiến cũng được đánh giá cao.

Quan trọng hơn, là tinh thần mà bộ phim muốn truyền tải qua những câu thoại của nữ hoàng Sivagami khi chọn Baahubali lên làm vua của vương quốc. “Phẩm giá của một vị vua, không phải chỉ là số lượng kẻ thù mà anh ta giết, mà còn là số lượng dân thường được anh ta cứu sống. Nếu giết được 100 kẻ thù, anh ta được xem là một chiến binh vĩ đại, nhưng chỉ cần cứu được một người, thì anh ta xứng đáng được coi như một vị thần.”

Với cái kết mở, phần hai có tên Baahubali: Conclusion (Sử thi Baahubali: Hồi kết) ra mắt vào mùa hè năm nay tiếp tục câu chuyện tại sao Baahubali bị giết chết khi đang trị vị vương quốc và câu chuyện tiếp diễn 25 năm sau.

Phần hai dài 2h46 phút, kết hợp cả prequel (phần trước) và sequel (phần sau) để lý giải và hoàn thành bộ phim, một cấu trúc khá tương ứng với phần hai của bộ phim Hollywood kinh điển Bố già.

Được đầu tư kinh phí lên tới 37 triệu USD, phần kỹ xảo của bộ phim được cải thiện đáng kể, nhất là trong các cảnh đại chiến hay những cảnh cận chiến giữa Baahubali và Bhallaladeva. Những cảnh đánh nhau trong bộ phim này vừa rất hấp dẫn về mặt hành động, lại vừa đẹp mắt về mặt thẩm mỹ, phần nào gợi nhớ đến bom tấn 300 của Hollywood.

Khác với Chiến lang dù ăn khách nhưng nhận số điểm trung bình của khán giả và thấp thậm tệ của giới phê bình, cả hai phần của Baahubali đều được đánh giá cao. Phần một có số điểm 8,3/10 trên trang Imdb (từ bình chọn của gần 80.000 khán giả), trong khi phần hai có số điểm 8.6/10 (khoảng 46.000 bình chọn).

Điểm của giới phê bình trên RottenTomatoes của hai tập phim này là 86% và 100%. Không chỉ lập kỷ lục ăn khách nhất mọi thời đại tại Ấn Độ, phần hai cũng chinh phục khán giả quốc tế khi được chọn chiếu mở màn cho LHP Quốc tế Moscow, Nga.

Ra mắt tại Viện Phim Anh và tại Bắc Mỹ, phim thu về hơn 20 triệu USD, là bộ phim nói tiếng nước ngoài thành công nhất ở khu vực này năm nay. Doanh thu toàn cầu của Baahubali 2 cũng xấp xỉ con số 300 và hoàn toàn có thể vượt qua kỷ lục của Dangal nếu được chiếu ở thị trường Trung Quốc.

Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Ấn được chiếu với định dạng 4K High Definition, cho thấy điện ảnh Ấn đã hoàn toàn có thể chinh phục kỹ xảo và kỹ thuật làm phim tân tiến nhất của thế giới.

vuot  lang 2 bom tan an do chinh phuc quoc te
Chiến lang phô trương tinh thần Đại Hán và bị giới phê bình và khán giả quốc tế đánh giá thấp.

Giới phê bình quốc tế dành những lời khen ngợi có cánh cho Baahubali 2. Cây bút Mike McCahill của tờ The Guardian (Anh) chấm điểm bộ phim 4/5 sao và gọi bộ phim là sự kết hợp tài tình giữa những cảnh hành động mãn nhãn và một câu chuyện chân thực chinh phục trái tim người xem.

Simon Abrams, cây bút phê bình của trang RogerEbert.com (chấm điểm Chiến lang 2 với số điểm ¼ sao) cho Baahabali 2 số điểm tuyệt đối 4/4 sao và gọi đây là bộ phim bom tấn kiểu siêu anh hùng có kinh phí lớn mà anh mong chờ, nhưng rất hiếm hoi mới có được.

Không cần khoe khoang hay kích động như Chiến lang, Dangal và Baahabali 2 cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ của nền điện ảnh Ấn Độ.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast