90% học sinh đạt loại giỏi, sao cha mẹ lại lo lắng?

90% học sinh đạt điểm giỏi, xuất sắc, nhưng con số đó đã nói đúng chất lượng giáo dục hiện nay hay chưa?

Những ngày này, trên Facebook cá nhân của các phụ huynh ngập tràn hình ảnh về kết quả học tập của con mình. Tổng kết năm, điểm thi Toán, Văn và các môn phụ của con toàn 9-10 điểm. Học sinh giỏi nhiều quá! Như thế này cũng đáng vì giáo dục của Việt Nam vừa được đánh giá là đã vượt qua cả Anh, Mỹ kia mà.

90% học sinh đạt loại giỏi, sao cha mẹ lại lo lắng? ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Thế nhưng, phía sau những tự hào ấy là những lo lắng không thể giấu giếm của nhiều người làm cha, làm mẹ. Con học giỏi, lẽ ra phải mừng chứ sao lại lo lắng? Chuyện ngược đời này đã xuất hiện nhiều năm nay ở Việt Nam và có lẽ bây giờ lại trở nên trầm trọng hơn. Hàng loạt cách tranh cãi về cách giáo dục hiện nay không còn ý nghĩa với con số 90% học sinh bậc tiểu học và con số gần tương đương với bậc trung học cơ sở đều được xếp loại học tập khá, giỏi. Tỷ lệ học sinh giỏi cao như vậy thì còn gì để bàn cãi nữa? Con cái chúng ta giỏi thật rồi.

Các thầy cô chấm điểm thì rõ ràng “giấy trắng mực đen” đấy thôi. Các con phải làm đúng, làm tốt thì thầy cô mới chấm điểm 9, điểm 10. Nhưng chỉ với cách tư duy rất bình thường, không phải của người làm sư phạm cũng có thể biết rằng, không thể 90% các cháu nhận thức đều chằn chặn, tất cả đều tốt, đều viên mãn đến thế.

Đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao các con làm bài kiểm tra đạt chất lượng cao thế, đều tay thế mới thấy: Cô cho con thi thử, đề thi gần giống với đề thi thật. Với môn Toán, các con sau đó được cô chữa bài và hướng dẫn ôn theo bài thi thử đó. Còn môn Tiếng Việt thì các con có khoảng 4-5 bài “tủ”, đa số các con học thuộc bài văn mẫu đó và đến hôm thi thì "nhớ lại" để làm bài. Cách học của các con không khác gì cái máy “photo copy”. Nhiều cháu, gặp đề bài chỉ khác bài mẫu 1-2 từ nhưng không thể làm nổi, đặc biệt là với môn Toán.

Thực chất các cháu học như thế nào, có thực sự giỏi hay không chỉ có thầy cô và bố mẹ các cháu biết được thôi. Mà phải là bậc phụ huynh nào thực sự chu đáo, sâu sát với con em mình thì mới biết được con mình đang đứng ở tầng, nấc nào. Còn nếu cha mẹ cũng chạy theo thành tích, cổ xúy cho thành tích thì các con đã “ảo” càng ảo hơn.

Các trường, lớp cứ ru nhau bằng thành tích. Đã có cuộc họp phụ huynh tại một trường điểm ở Hà Nội, một phụ huynh đứng dậy thẳng thắn nói rằng: Lực học của con tôi không đến mức giỏi như vậy mà sao cô giáo vẫn chấm điểm giỏi cho con? Cô giáo chỉ biết phân bua rằng: Mong phụ huynh thông cảm, vì thành tích của con ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Thành tích của lớp lại ảnh hưởng tới thành tích của trường. Cho nên, không thể vì một em học sinh mà ảnh hưởng tới thành tích của tập thể được!”.

Ở ngay Hà Nội chứ không nói đâu xa, đã có em học sinh 5 năm liền là học sinh giỏi nhưng khi cha mẹ đăng ký thi đầu vào trường Trung học cơ sở thì cả 2 trường em này dự thi đều được 0 điểm. Lúc này cha mẹ mới tá hỏa là con mình “rỗng tuếch”.

Nếu cứ vì thành tích, các em cứ tiếp tục bị đánh giá sai lệch, không biết chính xác năng lực thực sự của mình đang ở mức nào thì sẽ dễ gây bệnh chủ quan, hài lòng với những gì mình đã có, triệt tiêu tinh thần phấn đấu, tự hoàn thiện bản thân của các em. Các bậc cha mẹ, nếu đặt hết niềm tin vào nhà trường, giao phó con cho nhà trường... thì e có ngày "hối không kịp".

Học giỏi. Hai từ ấy đã quá ăn sâu vào suy nghĩ của các con. Có lần, tôi hỏi đứa cháu: “Năm nay con có được học sinh giỏi không?” Cháu tôi trả lời: “Học sinh tiên tiến mới khó chứ còn học sinh giỏi thì cả lớp cháu giỏi rồi ạ”.

Lại nhớ ngày xưa, sao giáo dục nước nhà qua bao nhiêu năm “cải tiến, cải lùi” mà chúng ta cứ nhắc chuyện ngày xưa? Ngày xưa, bố mẹ các cháu không phải đeo cái cặp sách nặng như bây giờ. Ngày xưa, chúng tôi được chơi nhiều hơn các cháu bây giờ. Và ngày xưa, cả lớp tôi chỉ có 2 bạn học giỏi chứ không phải gần như cả lớp như bây giờ. Nhưng vì ít học sinh giỏi nên phong trào thi đua học tập rất tốt. Cô giáo chấm rất “thẳng tay” các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết và học kỳ để các em biết được mình còn yếu chỗ nào, kiến thức môn nào cần được bổ sung… Đến khi thi tốt nghiệp, chỉ có 1 tháng thầy cô hệ thống hóa kiến thức. Và xếp loại tốt nghiệp cũng có từ trung bình, khá, giỏi. Nhưng đó là thành tích thật, năng lực thật của học sinh. Và cũng chỉ thời ấy mới có "nhất y, nhì Dược..."

Trở lại câu chuyện thực tại: Học giỏi nhiều thế có nguy hại không ạ? Nguy hại lắm chứ và đáng lo lắm chứ! Vì đánh giá thành thích không đúng các cháu sẽ không nhận thức đúng về bản thân lại thiệt thòi cho các cháu giỏi thật, học thật. Với cách làm của người lớn hiện nay, mọi thước đo giá trị sai lệch hết. Các cháu không giỏi thì nghĩ mình giỏi, còn các cháu giỏi thực sự thì lại thiệt thòi, bị đánh đồng các bạn không giỏi bằng mình. Còn các bậc phụ huynh thì không biết con mình lực học đang ở mức nào để bổ sung. Và khi các cháu ra các "đấu trường" thực sự thì sẽ "chiến đấu" ra sao?

Các em là thế hệ tương lai của đất nước. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Nhưng nếu chúng ta cứ tô vẽ những bức tranh đẹp như mơ mà không có thực thì rồi đây, đất nước sẽ ra sao? Sai lệch từ bậc cơ sở sẽ kéo theo sai lệch của cả hệ thống sau đó. Nhìn xa hơn một chút, công tác cán bộ của 15-20 năm nữa phải bắt đầu từ chính các em hôm nay./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast